Như Thanh Niên đã thông tin, là anh em họ hàng, ở sát nhà nhau nhưng do mâu thuẫn, Trần Đình Thảo (46 tuổi) quay về nhà mở chuồng, thả 2 con chó dữ (pitbull, becgie) qua nhà và cắn Đặng Văn Ngọc (36 tuổi, cùng ngụ P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thương tích nặng vùng mặt, tay và chân. Trương Anh Tâm (39 tuổi) thấy bạn bị chó cắn đã dùng cây đinh ba chỉa đâm vào con chó để giải vây. Thảo thấy vậy xua chó về nhà.
Bị can Trần Đình Thảo NGUYỄN TÚ |
Chó dữ là hung khí nguy hiểm
Trong 2 con chó của Thảo, có một con giống pitbull (cao 70 cm, nặng 40 kg) và một con becgie (cao 60 cm, nặng 30 kg). Qua giám định, Thảo bị Ngọc, Tâm đánh thương tích 14%, Ngọc bị chó của Thảo cắn thương tích 29%.
Ngày 22.9, Công an Q.Sơn Trà đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố cả 3 bị can Thảo, Ngọc và Tâm về tội cố ý gây thương tích. Trong đó Thảo bị bắt tạm giam 3 tháng, còn Ngọc, Tâm bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Theo Công an Q.Sơn Trà, Ngọc, Tâm (cùng gây thương tích cho Thảo) bị khởi tố ở khoản 1, điều 134 bộ luật Hình sự. Riêng Thảo, với hành vi thả chó cắn người, gây thương tích cho Ngọc 29% nhưng vẫn bị khởi tố ở khoản 2 (dù quy định thương tích từ 31 - 60% mới bị khởi tố ở khoản 2), với khung hình phạt từ 2 - 5 năm tù. Bởi, khoản 2, điều 134 bộ luật Hình sự quy định, trường hợp gây thương tích cho người khác tỷ lệ 11 - 30% nhưng “dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên”, thì vẫn bị khởi tố theo khoản 2.
2 con chó pitbull, becgie NGUYỄN TÚ |
Đại diện Công an Q.Sơn Trà cho rằng quy định về nuôi gia súc nêu rõ chó đi ra ngoài phải được rọ mõm để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Thảo nhận thức được chó pitpull, becgie là loài có đặc tính hung dữ, sức tấn công có khả năng gây thương tích nặng, tính sát thương cao cho nạn nhân nhưng vẫn cố ý xua chó ra cắn người. Vì vậy, “việc bị can Trần Đình Thảo xua chó dữ pitpull, becgie gây thương tích cho người khác đủ yếu tố vi phạm “dùng hung khí nguy hiểm gây nguy hại cho từ 2 người trở lên””, đại diện Công an Q.Sơn Trà thông tin.
Ngoài ra, Công an Q.Sơn Trà cho biết do xác định chó pitbull, becgie trong vụ án tương tự việc “dùng hung khí nguy hiểm” gây án, nên trước mắt 2 cá thể chó dữ này bị tạm giữ, khi đưa ra xét xử sẽ đề nghị TAND Q.Sơn Trà tịch thu, tiêu hủy theo quy định pháp luật về xử lý tang vật vụ án.
Tiêu hủy chó dữ sẽ do tòa án quyết định
Theo luật sư (LS) Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội), hung khí nguy hiểm là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm (theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao) để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
“Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được; và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công”, LS Hùng phân tích và cho rằng việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định chó dữ là hung khí nguy hiểm khi bị can dùng nó làm phương tiện để tấn công gây thương tích cho người khác là phù hợp.
LS Phùng Thanh Sơn (Đoàn LS TP.HCM) từng nêu ý kiến với Thanh Niên rằng, khi chưa có quy định riêng về nuôi chó dữ nhưng nếu vật nuôi (bao gồm chó dữ) thả rông nơi công cộng, không rọ mõm đúng quy định hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu hình sự chủ vật nuôi về hành vi “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”; còn dùng chó dữ như một công cụ giết người thì chủ vật nuôi bị xử lý hình sự theo điều 123 bộ luật Hình sự, về tội “giết người”; hoặc gây thương tích cho người khác thì bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích”…
Còn đối với phương tiện phạm tội là chó dữ thì phải xử lý như thế nào, LS Sơn cho hay, chó là công cụ, phương tiện phạm tội nên được xác định là vật chứng vụ án. Nếu vật chứng này được tạm giữ thì cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
“Về xử lý vật chứng, theo điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự, khi vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Vì vậy, quá trình xét xử, việc tiêu hủy vật chứng hay xử lý vật chứng như thế nào sẽ do tòa án quyết định”, LS Sơn nhấn mạnh.
Nhiều trường hợp thương tâm khi bị chó dữ cắn
Ngày 31.8, UBND xã Hoằng Phụ (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, một phụ nữ (hơn 60 tuổi, ngụ thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ) đã bị 1 con chó pitbull cắn dẫn tới tử vong. Sau đó, con chó pitbull đã bị người nhà nạn nhân đem đi tiêu hủy.
Hay một trường hợp thương tâm khác vào tháng 7.2022, cháu P.N.T.T (8 tuổi, ngụ ấp 2, xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú, Bình Phước) qua nhà bà nội chơi. Thời điểm này, có 1 con chó pitbull nặng khoảng 30 kg được xích phía sau nhà. Khi bà nội của cháu T. đang ở phía trước nhà, cháu đi ra sau chơi thì bất ngờ bị chó pitbull tấn công, cắn vào người. Nghe tiếng cháu T. la hét, người nhà chạy ra phía sau đuổi con chó, đưa cháu bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu T. đã tử vong do vết thương quá nặng.
Hoặc trường hợp khác ở tỉnh Long An: anh H.T.H (37 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, H.Tân Trụ) dẫn con chó Pitbull nặng gần 60 kg nuôi trong nhà đi uống cà phê. Lúc này, có một thanh niên quen với anh H. đến ngồi chung để nói chuyện. Trong lúc nói chuyện, người này có quơ tay, quơ chân và bất ngờ bị con chó pitbull đứng cạnh phóng tới tấn công, quật ngã xuống nền gạch, cắn nhiều vết vào cơ thể. Thấy vậy, anh H. liền can ngăn nhưng cũng bị con chó pitbull quật ngã và cắn nhiều vết trên đầu, vai, tay. Riêng người quen H. bị chấn thương nặng, máu chảy nhiều và tử vong tại chỗ.