Thu Huyền luôn trăn trở mỗi khi chọn trang phục để hình ảnh xuất hiện, tương tác trên mạng xã hội bắt mắt nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cả tủ quần áo vậy chứ không ít cô gái mỗi sáng vẫn mất hàng giờ đồng hồ lựa tới lui mà vẫn chưa chọn được trang phục cho ngày mới. Và câu cửa miệng quen thuộc của chị em vẫn là "không có gì để mặc".
Hội chứng không bao giờ mặc lại
Mua sắm là sở thích, với không ít người còn là cơn nghiện. Với nhiều chị em, váy áo chỉ cần mặc lên người, chụp ảnh xong là đã trở nên cũ rồi. Nhiều bạn còn không bao giờ mặc cùng một bộ quần áo chụp ảnh đăng "phây" quá hai lần. Dĩ nhiên điều này còn tùy vào khả năng tài chính của mỗi người.
Hồ Thị Thu Huyền (25 tuổi, TP.HCM) chi khoảng 3 triệu đồng mua sắm mỗi tháng. Bản thân là người hướng ngoại, lại rất hay tương tác trên mạng xã hội, Huyền luôn muốn làm mới mình nên thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau, dĩ nhiên đa số các mẫu quần áo theo xu hướng trẻ hiện tại.
Tủ đồ của Huyền thường xuyên ở tình trạng không đủ sức chứa nên định kỳ ba tháng, cô sẽ thanh lý một lần. Mỗi lần Huyền đăng thông tin thanh lý quần áo là bạn bè quan tâm hỏi mua. Cô nói vậy cũng không phải lãng phí gì. Giá thanh lý chỉ nhỉnh hơn nửa giá gốc một xíu và toàn đồ mới nên vậy là khá hời.
"Tôi lại có thêm một khoản để sắm đồ mới nên tính toán kỹ thì việc mua sắm của tôi không tốn quá nhiều. Tôi cũng chịu khó săn những món đồ đã qua sử dụng từ bạn bè quen biết để giảm tải gánh nặng cho môi trường" - Huyền bộc bạch.
Tương tự, Hằng Nga (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng thay đổi trang phục liên tục và dường như không "đụng hàng" chính mình bao giờ. "Bộ cánh" nào đã xuất hiện trên Facebook là ngay lập tức được "trục xuất" khỏi tủ. Nga cho biết làm trong lĩnh vực truyền thông nên tính chất công việc đòi hỏi phải đầu tư hình ảnh thật ấn tượng mỗi khi xuất hiện.
Thay cho những món đồ chạy theo mùa giá thấp, Nga chọn trang phục chất lượng dù giá cao nhưng sẽ dễ thanh lý lại.
"Người mua lại cũng rất thích vì chỉ phải bỏ số tiền hơn nửa giá gốc mà sở hữu được món đồ ưng ý, lại còn rất mới vì mình cũng chỉ mặc chụp hình một hai tiếng à. Nhiều khi mình vừa đăng hình lên Facebook đã có bạn bè nhắn tin hỏi có thanh lý không liền", Nga chia sẻ.
Tùy nhu cầu và túi tiền mà mỗi bạn thường chọn mua đồ mới hoặc đồ đã qua sử dụng. Dù cũ hay mới, thói quen thay đổi trang phục xoành xoạch của nhiều bạn trẻ hiện nay được gọi vui là hội chứng không bao giờ mặc lại.
Kéo dài tuổi đời trang phục
Phải có những bức ảnh lung linh khi đi du lịch cũng là lý do làm cho phong trào mua đi bán lại quần áo nở rộ. Những nhóm thanh lý, ký gửi xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội và không khó để tham gia. Thậm chí mỗi thương hiệu sẽ có một nhóm thanh lý riêng cho phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau. Thường sau mỗi chuyến đi, chủ nhân sẽ đăng những hình ảnh sẵn có lên nhóm, cũng để "gả" món đồ đi cho nhanh.
Là một thành viên cứng của các hội nhóm thanh lý, ký gửi, Ngọc An (21 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) khoe đã mua hàng như vậy rất nhiều. An nói đừng nghĩ đồ thanh lý là kém chất lượng mà phần lớn còn rất mới vì chủ nhân muốn nâng cấp hoặc không còn nhu cầu sử dụng nữa thôi.
"Cùng một mẫu đồ, giá mới cả triệu đồng nhưng sản phẩm đã qua sử dụng mới đến 98% chỉ còn giá dưới 500.000 đồng. Mà nhiều bạn bây giờ mua quần áo phụ kiện chỉ để chụp hình vài lần là chán, tìm cách bán lại. Đó là cơ hội cho những người muốn mua đồ mới, đẹp với giá rẻ" - An cười.
Trước kia mọi người có phần e dè khi mua đồ si, đồ cũ cũng vì lo ngại chất lượng, nguồn gốc món đồ, phần khác vì nghĩ chỉ những người kinh tế eo hẹp mới phải dùng lại đồ cũ. Nhưng giờ đây, việc xoay vòng thời trang đã trở thành trào lưu trong giới trẻ. Vì sau khi thanh lý, họ lại tiếp tục vòng tròn mua sắm. Một cách nào đó việc này cũng thúc đẩy cửa hàng bán được nhiều hơn.
Cũng là một cách sống xanh
Nếu trước đây chỉ là mua dùng, cũ rồi thì vứt thì nay việc mua bán tái sử dụng đồ cũ dù chỉ là hành động nhỏ nhưng giúp kéo dài tuổi đời của sản phẩm. Cách tiêu dùng này giúp các bạn tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí và đang phần nào giảm rác thải ra môi trường.
Sau thời ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp hay ăn sạch mặc sang, giờ là lúc hướng đến ăn sạch mặc xanh. Nên thay đổi trang phục liên tục chưa hẳn không tốt vì cách mà nhiều bạn trẻ thanh lý lại món đồ vừa dùng nói không quá cũng là đang giúp lưu thông hàng hóa và giảm tác động xấu đến môi trường.
TTO - Ngày xưa khi Thụy Điển bắt đầu có quy định phân loại rác, có rất nhiều phản kháng trong thời gian đầu, đặc biệt là những người già. Nhưng ngày nay không ai còn đặt câu hỏi vì sao họ phải làm việc này nữa...
Xem thêm: mth.78615710052902202-hnim-hnihc-auc-gnart-ioht-gnah-gnud-gnohk/nv.ertiout