Người dân làng Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) kéo lồng nuôi tôm hùm giống vào bờ tránh bão số 4
Sáng sớm 26-9, hàng trăm người dân ở làng Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên) đã ra biển.
Thanh niên trai tráng, đàn ông thì lên thuyền thúng chạy ra các lồng nuôi ở cách bờ vài cây số để lặn vớt tôm hùm giống, chở vào vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) để tôm "trú" bão.
Còn phụ nữ đảm trách việc khiêng những lồng nuôi vừa được vận chuyển vào bờ để đưa đến nơi tập kết, chằng buộc an toàn. Không khí ứng phó với cơn bão nơi này hết sức khẩn trương.
Sau khi vớt tôm hùm giống, các lồng nuôi được người nuôi trục vớt, dùng thuyền thúng chở vào bờ để tránh bị thiệt hại
Anh Nguyễn Thanh Trung, một người nuôi tôm hùm giống ở làng Yến, cho biết từ hai ngày nay, khi biết được thông tin bão số 4 với sức gió rất mạnh dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung, trong đó Phú Yên là vùng bị ảnh hưởng nặng, người nuôi tôm đã chủ động vớt hết tôm ươm nuôi, vớt lồng nuôi chở vào bờ.
Anh Trung cho biết gia đình anh nuôi hơn 15.000 con tôm hùm giống, đã gần 1 tháng, giá trị gần 1,5 tỉ đồng. "Lặn bắt tôm, trục vớt lồng bè, thuê xe vận chuyển tôm đi… tốn rất nhiều sức lực và chi phí, nhưng cực cũng phải chịu vì nếu không bão vào là mình trắng tay" - anh Trung nói.
Những người phụ nữ khiêng lồng tôm lên bờ
Bà Phạm Thị Chín cùng con gái mướt mồ hôi khiêng các lồng nuôi trống vừa được người nhà chuyển từ thuyền thúng lên bờ, nói rằng người dân làng này cứ nghe có áp thấp nhiệt đới hay bão là sợ hãi, phải "di dời" tôm và lồng vào bờ.
"Nhiều khi bão không đổ bộ, ít ảnh hưởng so với dự báo, nhưng người nuôi tôm hùm giống vẫn phải chủ động vớt tôm, vớt lồng đưa đến nơi an toàn, hết bão thì vận chuyển ra vùng nuôi lại. Giờ không ai dám chủ quan bởi cả gia tài, bạc tỉ, tiền vay… đều nằm ở đấy cả" - bà Chín thổ lộ.
Theo người dân, ở thôn Nhơn Hội này, hộ nuôi ít cũng 1.000 con tôm hùm giống, còn hộ nuôi nhiều phải cỡ 20.000 con, tiền đầu tư rất lớn.
Ông Huỳnh Văn Khoa - chủ tịch UBND huyện Tuy An - cho biết An Hòa Hải là xã nuôi ươm tôm hùm giống lớn nhất huyện. Tại làng Yến và cù lao Mái Nhà có hơn 500 lồng ươm nuôi với số lượng hàng triệu con, tài sản rất lớn.
"Từ mấy ngày nay huyện và xã đã liên tục thông tin về mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 4 để người dân nuôi trồng thủy sản chủ động đưa hải sản vào nơi an toàn" - ông Khoa nói.
Được biết, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 102.523 lồng nuôi hải sản các loại ở hai thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chằng néo, tổ chức hướng dẫn người dân nuôi lồng, bè thả trệt xuống sát đáy để đảm bảo an toàn, thu hoạch hải sản kịp thời để giảm thiểu thiệt hại. Toàn bộ người nuôi hải sản phải rời khỏi lồng bè vào bờ tránh trú bão theo thời điểm được ấn định, không ai được ở lại.
Vùng ươm nuôi tôm hùm giống ở làng Yến
Đưa lồng tôm từ vùng nuôi ươm tôm hùm giống vào bờ
Những người phụ nữ đảm trách việc khiêng lồng tôm lên bờ, đưa đến nơi tập kết
Cột chặt dây để tránh lồng bị sóng đánh trôi
Thuyền thúng chở thùng xốp ra vùng nuôi để bắt tôm hùm giống đưa đi tránh bão
Một tài xế xe tải chờ tôm hùm giống từ xã An Hòa Hải đưa vào tránh bão ở vịnh Vũng Rô
Chở thúng chạy bão
TTO - Đặt bao nước, thùng xốp, ống dẫn nước, dùng dây cáp níu giữ mái nhà..., người dân làng biển ở Quảng Nam đang dùng mọi cách có thể để chống chọi với cơn bão Noru sắp đổ bộ vào đất liền.
Xem thêm: mth.75280602162902202-4-os-oab-yahc-gnoig-muh-mot-noc-ueirt-ac-tov-ah-ioh-ney-uhp-nad/nv.ertiout