Thi công điện trên quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến nhằm sửa đổi quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ khi trao nhiều quyền hơn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc điều chỉnh tăng giá điện so với quy định cũ, trong khi cơ chế giảm giá điện lại được đánh giá là "mờ nhạt".
Tăng quy định cụ thể, giảm vẫn "chung chung"
Theo dự thảo, trên cơ sở khi có báo cáo về chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào ở tất cả các khâu. Nếu thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với mức giá hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định rõ thông số đầu vào giảm ở mức bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Đăng Sơn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh) cho rằng nếu như dự thảo quy định rõ về thẩm quyền và mức tăng giá thì trong trường hợp giá giảm, lại chỉ nêu chung chung là "khi giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng".
"Dự thảo đã không quy định cụ thể khi giá thành giảm ở mức bao nhiêu thì giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải giảm theo, mức tương ứng như thế nào đều không nêu rõ. Giả dụ trong trường hợp các chi phí đầu vào giảm 2% thì giá điện có giảm ngay lập tức không, rồi thời hạn bao giờ áp dụng, cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh giảm đều không nêu rõ", ông Sơn đặt câu hỏi là trường hợp giá thành giảm mức dưới 5% thì EVN có được quyền giảm giá hay không, hay phải báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
Theo ông Sơn, với quy định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân được đưa ra cụ thể trong dự thảo thì đổi lại các mức giảm cũng cần phải nêu rõ thẩm quyền điều chỉnh ở các mức để công bằng với người tiêu dùng.
Một số chuyên gia cho rằng cần quy định cụ thể hơn, bởi về lý thuyết giá giảm 0,5% cũng có thể tính toán điều chỉnh. Đặc biệt, thời gian từ khi giá giảm đến khi giảm tối đa bao lâu, nếu EVN báo cáo bộ thì từ khi báo cáo đến khi có quyết định là bao lâu cũng nên quy định rõ hơn để dễ thực hiện.
Thêm quyền tăng giá
Một điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo là việc dự thảo phân cấp cho EVN được điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5%, thấp hơn so với mức 3% đến dưới 5% trước đây. Đối với thẩm quyền của Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên mức tăng giá bán lẻ điện bình quân là từ mức 5 - 10% và từ 10% trở lên xin ý kiến Thủ tướng.
Quy định này được xem là có thể nới thêm quyền cho EVN được tự quyết định tăng giá với biên độ nhiều hơn mỗi khi có biến động giá đầu vào.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tháng 3-2022, EVN đã có báo cáo về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, với kết quả tính toán là 1.915,59 đồng/kWh, tăng 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Tuy nhiên mức giá này được tính toán chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỉ giá còn lại chưa được phân bổ kể từ năm 2019.
Cập nhật tiếp phương án hồi tháng 6, EVN cho hay các thông số đầu vào đều tăng mạnh, khiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã bao gồm các khâu và khoản chênh lệch tỉ giá là 2.091 đồng/kWh, tăng 12,1% so với giá hiện hành.
Theo ông Hà Đăng Sơn, việc trao thêm quyền cho EVN giúp việc điều chỉnh giá được linh hoạt hơn, đặc biệt khi chi phí tăng lên quá lớn thì phải bù đắp. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao lại lựa chọn 1% trong khi trường hợp nào EVN được tự quyết tăng giá thì cũng không quy định rõ.
Cũng bởi, mức biến động 1% giá thành đầu vào hoàn toàn có thể được tạo ra từ "cơ chế trong sổ sách kế toán", nếu không làm rõ được mức tăng 1% là do đâu thì việc tăng sẽ rất khó thuyết phục (giá bán lẻ điện bình quân hằng năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện).
"Điều gì xảy ra nếu doanh nghiệp lãng phí, làm tăng chi phí? Ví dụ như không hợp lý trong một khâu, một hoạt động nào đó, làm chi phí tăng lên vượt qua 1% và yêu cầu tăng giá điện, như vậy có hợp lý hay không? Nếu trường hợp tăng chi phí nguyên liệu là yếu tố khách quan như trên thì việc tăng giá là hợp lý. Song nếu các chi phí nội bộ khác khó kiểm soát, không được cơ quan chuyên môn thẩm định thì việc cho phép tăng 1% khi đầu vào tăng có thể bị lạm dụng", ông Sơn cảnh báo.
Theo một số chuyên gia, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn căn cứ cho phép EVN được tự quyết tăng giá khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5%. Trường hợp nếu nới thêm quyền cho EVN được tự quyết tăng giá, phải đi kèm với các ràng buộc, yêu cầu thẩm định việc tăng giá đến từ các yếu tố nào, có hợp lý hay không; yếu tố nào phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để đảm bảo tính minh bạch, công bằng với người tiêu dùng.
Mới đây theo Bộ Công Thương, trên cơ sở thẩm định chi phí sản xuất kinh doanh điện sẽ báo cáo phó thủ tướng và Ban chỉ đạo điều hành giá để có biện pháp quản lý, ổn định giá bán lẻ điện. Bộ này cũng yêu cầu EVN phải tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh tối đa để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện bình quân.
Chi phí của EVN đang tăng
Hiện nay mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được áp dụng theo mức từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/kWh). Trong những năm qua, chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN liên tục được Bộ Công Thương công bố có mức tăng giảm đan xen.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là chỉ đạo của Chính phủ về việc không tăng giá điện nên giá bán lẻ điện bình quân vẫn được giữ nguyên.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây được EVN gửi Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tập đoàn này cho hay tám tháng đầu năm 2022, giá thành khâu phát điện (chiếm tỉ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh. Đơn cử như giá than nhập thế giới tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,48 lần so với kế hoạch năm.
EVN cho hay đã cố gắng để tiết kiệm nhưng vẫn không thể bù đắp được. Vì vậy, tập đoàn này đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định.
TTO - Sau 3 năm không được tăng giá bán điện, lãnh đạo EVN vừa kiến nghị cấp thẩm quyền cho điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.
Xem thêm: mth.11731812262902202-tahn-om-neid-aig-maig-ehc-oc/nv.ertiout