Đầu tư tại Zimbabwe
Nhà máy tinh luyện coban lớn nhất của Trung Quốc sẽ hoàn thành một nhà máy chế biến lithium ở Zimbabwe vào cuối năm nay. Theo dự kiến, lô khoáng sản đầu tiên sẽ được chuyển vào đầu năm 2023.
"Sản xuất thương mại tại dự án Arcadia Lithium của chúng tôi sẽ bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2023", phát ngôn viên của Zhejiang Huayou Cobalt cho biết.
Huayou Cobalt đã mua mỏ lithium đá cứng Arcadia từ hồi tháng 12/2021 với giá 422 triệu USD. Công ty này cho biết họ đang đầu tư 300 triệu USD để phát triển mỏ với mục đích mở rộng sản xuất cho thị trường xe điện (EV).
Huayou Cobalt cho biết đang tiến hành các nghiên cứu khả thi để xem liệu có thể cải thiện và gia tăng giá trị cho sản phẩm lithium tại địa phương trước khi xuất khẩu hay không.
"Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng vẫn cần một số điều kiện và yêu cầu cần thiết để tiến hành sản xuất pin. Những điều kiện này chưa thể được đáp ứng ở châu Phi nói chung và Zimbabwe nói riêng", một phát ngôn viên cho biết trong các phản hồi qua email.
Cầu vượt xa cung khiến giá lithium bị đẩy lên gần 500% chỉ sau 1 năm
Mỏ Arcadia, ngay bên ngoài thủ đô Harare của Zimbabwe, được coi là một trong những nguồn lithium đá cứng lớn nhất thế giới. Lithium, một kim loại màu trắng bạc, đang "cháy hàng" vì nhu cầu ngày càng cao đối với pin sạc lithium-ion, loại pin rất cần thiết cho xe điện thế hệ mới.
Gần đây, tỉ phú người Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk từng tuyên bố rằng pin lithium giống như một loại dầu mỏ kiểu mới của tương lai. Hồi tháng 4, ông còn từng khẳng định trên Twitter rằng "Tesla có thể tham gia vào lĩnh vực tinh chế và khai thác pin lithium vì giá của nó đang tăng đến mức điên rồ".
Khi Huayou Cobalt mua cổ phần của một công ty Australia tại mỏ này, một trong những điều kiện từ chính phủ Zimbabwe là công ty sẽ chế biến khoáng sản tại địa phương để sản xuất pin lithium-ion. Tuy nhiên, công ty cho biết trong giai đoạn đầu tiên họ sẽ chỉ xử lý các loại đá quý spodumene và petalite. Chúng sẽ được chế biến thành dạng cô đặc và xuất khẩu.
"Chúng tôi sẽ không xuất khẩu quặng thô", Huayou Cobalt nói.
"Lithium là một trong nhiều nguyên liệu đầu vào cần thiết để sản xuất pin - và chúng tôi không có quyền tiếp cận tất cả các loại nguyên liệu khác cùng một lúc. Trong giai đoạn hai tại mỏ, chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất lithium sulphat. Tôi nghĩ điều đó khả thi trong điều kiện địa phương như hiện tại".
Vào năm 2019, chính phủ Zimbabwe đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp 4 lần doanh thu của lĩnh vực khai thác lên 12 tỷ USD vào năm 2023. Bên cạnh đó, họ ước tính sẽ kiếm được 500 triệu USD từ xuất khẩu lithium, bắt đầu từ năm tới. Năm ngoái, nước này thu về 5,7 tỷ USD từ xuất khẩu khoáng sản, tăng so với mức 3,2 tỷ USD của năm trước đó.
Trả lời Tân Hoa xã trong tháng này, Huayou Cobalt nói "4,5 triệu tấn quặng sẽ được chế biến để sản xuất khoảng 400.000 tấn tinh quặng và tất cả lượng tinh quặng đó sẽ được xuất khẩu".
Cơn sốt lithium
Tân Hoa xã dẫn lời Trevor Barnard, Phó tổng giám đốc của Prospect Lithium Zimbabwe, cho biết Zimbabwe - với nguồn tài nguyên lithium đáng kể - sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị lithium và rộng hơn nữa là trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo.
Huayou Cobalt cho biết vào giai đoạn sản xuất đỉnh điểm, công ty sẽ cần tuyển dụng trực tiếp 1.000 công nhân, đa số là người Zimbabwe.
"Dự án của chúng tôi đang tạo ra hàng trăm việc làm ở thượng nguồn và hạ nguồn và quan trọng hơn là mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Chúng tôi đang ưu tiên tạo cơ hội việc làm cho họ", Huayou Cobalt nói và cho biết thêm rằng công ty đang tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành khai thác lớn của Zimbabwe.
Một "cơn sốt lithium" đang đến với Zimbabwe, khi một số công ty Trung Quốc thực hiện các thương vụ mua lại mỏ trị giá hàng triệu USD để đảm bảo nguồn cung cấp lithium trong bối cảnh toàn thế giới đang chạy đua để đạt được mục tiêu sản xuất xanh. Zimbabwe được cho là sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất châu Phi và lớn thứ 5 trên thế giới.
Nguồn tài nguyên này phần lớn vẫn chưa được khai thác vì thiếu đầu tư. Ngoài Huayou Cobalt, Tập đoàn khai thác kim loại màu của Trung Quốc cũng thông báo rằng họ đang thỏa thuận mua lại một dự án lithium ở Zimbabwe. Thông qua công ty con Sinomine Resource Group, Tập đoàn đã trả 180 triệu USD cho Bikita Minerals, nhà sản xuất lithium lâu đời nhất của Zimbabwe.
Cũng trong năm ngoái, nhà sản xuất vật liệu lithium Chengxin Lithium Group đã chi 77 triệu USD cho một thỏa thuận bao gồm quyền khai thác trong dự án mỏ lithium Sabi Star chưa được khai phá ở miền đông Zimbabwe. Mỏ này được mô tả là "một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty năng lượng mới của Trung Quốc".
Cameron Perks, nhà phân tích cấp cao về lithium tại Benchmark Mineral Intelligence, cho biết có sự thâm hụt giữa lượng cung và cầu lithium toàn cầu.
Ông Perks nói: "Có thể mất hơn 10 năm kể từ khi phát hiện ra mỏ kim loại cho tới khi bắt đầu khai thác".
Cộng hòa Dân chủ Congo cũng nổi lên như một nguồn cung cấp chính cho pin xe điện. Nước này là nguồn coban lớn nhất thế giới - một trong những kim loại đóng vai trò thiết yếu trong pin cho xe điện, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay. Trung Quốc, nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới, nhập phần lớn coban từ Congo, nơi cung cấp hơn 70% lượng coban của thế giới.