Đầu tháng 9, Ấn Độ đã có thông báo về việc cấm xuất khẩu gạo. Không chỉ vậy, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này còn đưa ra quy định chỉ những lô hàng gạo nguyên hạt mới được phép xuất khẩu và phải chịu mức thuế 20%.
Được đưa ra trước thời điểm lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, quyết định trên của Ấn Độ đã gây ra sự biến động lớn đối với thị trường gạo không chỉ đối với Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngay lập tức đã có chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân sau thông tin Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo ra các nước.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Trước thông tin trên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long đánh giá, Ấn Độ là thị trường có quy mô lớn, xuất khẩu hàng năm lên tới 21 triệu tấn, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thương mại toàn cầu.
“Khi Ấn Độ ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, đây là cơ hội cho các nước như Việt Nam và Thái Lan bởi sự chuyển dịch của người mua. Giá xuất khẩu sau khi có tin cũng đã tăng 10%, từ khoảng 40-50 USD/ tấn”, ông Trung nói với Người Đưa Tin.
Theo ông Trung, ngoài cấm xuất khẩu, Ấn Độ còn đánh thuế 20% ở gạo trắng và gạo lứt. Giá gạo sau khi đánh thuế ở mức khoảng 450 USD/tấn. Trong khi đó gạo Việt Nam cũng đang ở mức giá khoảng 400-420 USD/tấn.
“Điều này sẽ có tác động tích cực đến gạo Việt Nam bởi người mua sẽ chuyển sang các nước cùng tầm giá. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang sở hữu các giống gạo tốt và chất lượng, lại có thế mạnh về gạo”, ông Trung cho hay.
Về lâu dài, ông Trung cho rằng, dù không biết Ấn Độ sẽ duy trì lệnh cấm, hạn chế đến khi nào, nhưng nếu quy định đó kéo dài sang đến vụ đông xuân thì rõ ràng dân Việt Nam sẽ được nhờ. Vì hiện nay giá lúa tươi vụ thu đông đã khá cao, vụ đông xuân tới dự đoán sẽ ở mức tương tự.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu 90% là gạo thơm và tám thơm, xuất khẩu gạo rẻ tỉ lệ chưa tới 10%, vì thế tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ là tốt cho Việt Nam, tuy nhiên đối với doanh nghiệp vẫn có rủi ro.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn sẽ gặp phải những rủi ro, đó là khi găm hàng chờ giá cao. Thực tế nếu giá cả của thị trường gạo hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính doanh nghiệp, cho các đối tác. Tuy nhiên, nếu găm hàng quá nhiều, không có kịch bản lường trước sẽ vướng phải rủi ro trong trường hợp Ấn Độ trở lại "đường đua" xuất khẩu gạo.
“Cho nên khi các doanh nghiệp Việt kiên định với thị trường này và xây dựng được uy tín thương hiệu gạo thơm thì phải giữ thị trường đó là chính, không nên chạy theo thị trường gạo rẻ. Lợi ích lâu dài vẫn là gạo thơm và xây dựng thương hiệu cho mình”, ông Trung kết luận.
Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước đem lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Nhấn mạnh về vị thế của Việt Nam trong thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới, ông Phú cho biết, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo cho 120 quốc gia trên thế giới. Khi xuất khẩu gạo của Ấn Độ chững lại thì Việt Nam sẽ có thêm thị trường và thêm những bạn hàng mới.
“Việt Nam có thể tranh thủ thời cơ này để xây dựng thị trường gạo trên thế giới. Với vị thế là top 3 những nước xuất khẩu gạo lớn nhất, chúng ta phải hướng tới thương hiệu gạo Việt Nam được khẳng định và đặt dấu ấn trên thị trường thế giới”, ông Phú nói.
Phải đảm bảo thị trường gạo nội địa
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vừa ra khỏi kho đã bị đóng mác và tên của nước khác, dẫn đến người tiêu dùng không biết đến sản phẩm đó là của Việt Nam.
Vì vậy những thương hiệu gạo của Việt Nam như ST25, ST24 hay gạo Tám thơm phải “vững chân”, bán trực tiếp cho các nhà bán lẻ, hạn chế thông qua các nhà nhập khẩu của nước thứ 2. Chưa kể, thách thức của cả thị trường gạo là sự cạnh tranh với nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Campuchia.
Đồng thời, giống như các nhóm hàng lương thực, lợi ích phân phối của gạo vẫn chưa công bằng với người nông dân. Do đó, ông Phú nhấn mạnh việc cần cải thiện việc phân chia giá trị theo chuỗi cung ứng, để người nông dân yên tâm sản xuất, thâm canh ruộng lúa tốt hơn, chất lượng hơn để xuất khẩu, để phục vụ thị trường nội địa.
“Song song với đó, Việt Nam còn đứng trước thách thức đảm bảo phục vụ thị trường gạo nội địa, khi giá xuất khẩu tăng thì giá gạo trong nước cũng sẽ tăng. Hiện nước ta đang duy trì mức lạm phát 4%, do đó cần chủ động trong việc kiểm soát vấn đề này”, ông Phú lưu ý.
Để làm được điều đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các công ty lương thực, các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu gạo nên phải phối hợp với nhau để giảm bớt chi phí trung gian, thiết lập chuỗi cung ứng ngắn của gạo, đó là đi thẳng từ ruộng đồng đến bán lẻ.
“Chúng ta phải giải quyết bài toán đó thì mới có thể thúc đẩy phát triển xuất khẩu gạo tại Việt Nam”, ông Phú nói.
Ông cũng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên xây dựng, tạo ra một môi trường sản xuất, kinh doanh gạo minh bạch, giúp nâng cao lợi nhuận cho người nông dân, giảm bớt các thủ tục hành chính đồng thời có chính sách phát triển phân hữu cơ, giảm phân bón hóa học, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất lao động của người nông dân.
Ngoài ra, cần đưa ra các nghiên cứu chiều sâu về gạo Việt Nam, đem danh tiếng về chất lượng của gạo Việt Nam ra toàn thế giới, đảm bảo phân bổ gạo Việt Nam đến được với mọi thị trường, hạn chế tối đa các khâu trung gian, qua các nhà nhập khẩu.
“Có thể thấy rõ, từ sự kiện Ấn Độ, chúng ta đã có thể suy ra được rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành gạo Việt Nam, những gì cần củng cố, phát triển và đẩy mạnh. Để cải thiện và củng cố, chắc chắn sẽ cần sự đồng bộ, quyết liệt từ các cơ quan Chính phủ đến các địa phương”, ông Phú nhìn nhận.
Phương Anh - Hồng Nhung