Trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (phường 11, quận 3) có gắn bảng “cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức”, dưới kênh là hai người đang xuyệt điện bắt cá - Ảnh: NGỌC KHẢI chụp vào tối 24-9
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, sau một thời gian tạm lắng, hành vi xuyệt điện lại tung hoành, ‘càn quét’ cá tại TP.HCM lại tái diễn ở mức độ "nặng đô" hơn.
Nếu như trước đây thỉnh thoảng xuất hiện các xuồng ghe xuyệt điện lén lút ở một số nơi như: sông Sài Gòn, kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ... thì những ngày qua hành vi này diễn ra gần như công khai giữa trung tâm thành phố.
"Rất mong cơ quan chức năng dẹp bỏ triệt để nạn xuyệt cá trên các sông rạch tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đừng để nhóm nhỏ người này phá hủy hệ sinh thái tự nhiên của nước. Rất mong làm càng sớm để môi trường nước được tốt hơn".
Trích ý kiến bạn đọc Tony Nguyen
Một tối cuối tháng 9, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo chân hai người đàn ông lái hai chiếc ghe nhỏ và ghi nhận những việc làm phi pháp này diễn ra trên mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chạy từ hướng quận 1 về quận Tân Bình.
Đáng nói hơn, dù những nơi này đã có nhiều bảng "cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức" nhưng hai người xuyệt điện đánh bắt cá này vẫn vô tư hoạt động như chốn không người.
Để dẫn đến tình trạng những người xuyệt điện biết là sai mà vẫn ngang nhiên vi phạm, theo nhiều bạn đọc, đầu tiên xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền các cấp kiên quyết xử lý như tổ chức tuần tra thường xuyên và phạt thật nặng, chắc chắn họ sẽ không dám làm như vậy.
Về ý này, bạn đọc nick name Hi viết: "Thời gian qua, TP.HCM vẫn buông lỏng, để việc đánh bắt cá bằng điện diễn ra công khai, phổ biến khắp các nơi: từ sông, kênh, rạch, từ quận trung tâm đến vùng ven. Nơi đâu cũng có".
Xem đây là hành vi phá hoại môi trường, trộm cắp tài sản công ích, nhiều bạn đọc đề nghị đã đến lúc chính quyền cần phải quyết liệt hơn nữa mới mong dẹp được.
"Cần phải phạt tù, phạt lao động công ích với hành vi này. Ở Campuchia dùng xuyệt điện là bị bắt bỏ tù... không vì lý do gì hết" - bạn đọc Tích Thiện viết.
Cùng đề cao vai trò của chính quyền, một số bạn đọc cho rằng chính quyền các cấp phải kiên quyết xử lý, đồng thời tuyên truyền để vừa bảo vệ môi trường, vừa hướng những người vi phạm tìm kế mưu sinh khác cho phù hợp.
Về ý này, bạn đọc Hoàng BP viết: "Cũng phải nhìn nhận những người đánh bắt thiếu hiểu biết và nghèo. Nếu có của ăn, không ai dại gì vi phạm bởi các khu vực đó ô nhiễm độc hại rất cao, thủy sản chắc chắn không phù hợp để làm thức ăn cho người. Vậy nên phải kiên quyết xử lý, kèm tuyên truyền để vừa bảo vệ môi trường vừa gián tiếp bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Về hình thức xử lý, bạn đọc Danh Danh đề xuất: "Nên thành lập lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra các kênh để xử lý nhanh, gọn những đối tượng này".
Chỉ có phạt nặng người vi phạm mới sợ, đồng thời còn làm gương cho người khác, bạn đọc Cauvongxanh bổ sung: "Mưu sinh có nhiều cách chứ kiểu này là hủy diệt tận gốc môi trường. Đề nghị các cơ quan chức năng như CSGT đường thủy, chính quyền sở tại ngoài việc phạt kịch khung còn tịch thu phương tiện như ghe, xuồng thì mới cảnh báo những người khác".
"Bắt hết những người đó, trả về địa phương, hoặc phạt lao động công ích. Cứ xử lý như hiện tại thì công cóc. Phí tiền của và thời gian" - bạn đọc nick name Lee viết.
TTO - Bà con khu vực kênh Đông (xã Tân Thông Hội, H. Củ Chi, TP.HCM) bất ngờ khi thấy nhiều chú cá nặng hàng chục kg bơi lội trên kênh.
Xem thêm: mth.9534804172902202-yav-neihn-gnagn-neid-teyux-yat-yam-ed-am-uad-neyuq-hnihc/nv.ertiout