Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về quan điểm làm sử, những dự tính tương lai, và những khó khăn trắc trở của một người nghiên cứu độc lập.
Sau loạt sách về giai đoạn Tây Sơn, anh vừa xuất bản hai công trình mới (dịch và khảo) về chủ đề quan hệ Pháp - Trung và Việt - Trung nửa cuối thế kỷ XIX, phải chăng đoạn sử Tây Sơn anh đã đóng lại?
- Thực tình mà nói, công trình về thời Tây Sơn của tôi mới là khai thác sơ bộ trong một thời kỳ ngắn ngủi - chủ yếu giai đoạn 1788-1790 - triều đại này tuy yểu mệnh, nhưng từ khi bắt đầu nổi lên đến khi chấm dứt kéo dài đến hơn 30 năm (1771-1802), qua nhiều thăng trầm, thành, trụ, hoại, không, khai sinh, trưởng thành và tiêu vong.
Do đó, những gì tôi đã hoàn tất về thời Tây Sơn chưa được bao nhiêu trong những dự tính của mình. Chương trình nghiên cứu về Tây Sơn của tôi vì thế còn khá dài.
Hình vua Quang Trung (hàng trên, góc trái) do Nguyễn Duy Chính chụp lại từ Catalogue đấu giá của Sotheby’s tại Getty Research Institute (California, Hoa Kỳ) Nguyên văn chú thích: “169. Bức truyền thần bằng màu nước trên lụa vẽ vua nước An Nam mới được phong vương, Nguyễn Quang Bình, đội vương miện và áo bào đỏ trang trí hình rồng bằng vàng, cùng dòng niên đại 1790, kích thước tranh 39 inches x 22 inches (99cm x 56cm).”
Còn hai tác phẩm mới xuất bản chỉ là một khoảng nghiên cứu "nghiệp dư", chủ yếu vì cơn dịch Covid-19 khiến tôi tìm một ngã rẽ để thoát khỏi thực tại.
Hiện tôi đang quay lại làm tiếp về giai đoạn Tây Sơn - thời kỳ mà tôi luôn luôn cảm thấy có nhiều vấn đề cần tìm hiểu. Nói một cách khôi hài thì hai cuốn sách mới đây là thời kỳ "nghỉ đông", chứ không phải chuyển hướng.
* Một bức tranh tổng thể về bối cảnh khu vực Đông Nam Á trước và trong giai đoạn Tây Sơn là rất cần thiết nhưng đang khuyết thiếu, anh có dự định viết về chủ đề này?
- Tôi vẫn nhìn chung Đông Nam Á như một khu vực hợp chủng mà nếu có cơ hội tập hợp được thành một sức mạnh tập thể thì mới đủ sức tự tồn mà không bị các thế lực to lớn hơn khuynh loát.
Cuốn sách Việt Nam và cuộc chiến Trung - Pháp (tác giả Long Chương), do Nguyễn Duy Chính dịch từ Hán ngữ, ấn hành tháng 7.2022 Ảnh: Nguyễn Quang Diệu
Từ trước đến nay, chúng ta học lịch sử Việt Nam theo mô hình một dân tộc/quốc gia từ lưu vực sông Hồng bành trướng xuống phương Nam, nhưng ít nhìn vào toàn cảnh khu vực để thấy rằng theo thời gian, những dân tộc hiện diện trong khu vực đã tương sinh, tương khắc, thêm vào, bớt đi, thực tế vẫn hiện diện và trộn lẫn với nhau.
Quan niệm như vậy, những sức mạnh tiềm tàng đó nếu có cơ hội sẽ nảy nở và phát triển, nên việc nghiên cứu về toàn thể khu vực là điều không thể không nghĩ tới. Đây chính là bối cảnh không thể tách rời của những biến động lịch sử Việt Nam.
Tôi không phải người được đào tạo "chính quy" trong ngành sử, ngành học và công việc của tôi là quản trị hành chính, nên khi nghiên cứu, ngoài việc tìm hiểu về những thế lực lên xuống, lan tỏa, thu hẹp, biến mất, tôi cũng muốn nhìn vấn đề theo từng thời kỳ, những gì tưởng như đã mất đi nay lại xuất hiện dưới một dạng thức mới chẳng hạn.
Cuối thế kỷ XVIII, khu vực Đông Nam Á biến động mãnh liệt trên phương diện dân tộc và nhân chủng.
Khi một số lượng lớn người di cư, sự tương tác đa phương đưa đến những sinh hoạt mới, không chỉ trong thượng tầng cai trị mà cả trong quần chúng để ảnh hưởng ngược lại lịch sử. Với những đợt di dân ồ ạt của người Hoa xuống Đông Nam Á, xã hội người Indonesia, Malaysia, Thái, Campuchia, Việt Nam… đều thay đổi.
* Trong vai trò một nhà nghiên cứu độc lập, công việc của anh có thuận lợi và khó khăn gì, thưa anh?
- Trước đây, khi còn ở trong nước, việc tìm hiểu lịch sử của tôi bị hạn chế, do hoàn cảnh cá nhân cũng có, mà bởi khung cảnh xã hội cũng có. Nghiên cứu sử phải dựa trên tài liệu, dĩ nhiên tài liệu đáng tin thuộc dạng tiên nguyên (primary source) chứ không phải huyền sử, dã sử.
Tài liệu của Việt Nam về thời Tây Sơn có nhiều hạn chế, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên tài liệu nhà Nguyễn, vốn là "tử thù" của Tây Sơn. So sánh những gì chép về "bản triều" và "ngụy triều" thì không thể không nhận ra những gì viết về đối phương của sử quan nhà Nguyễn không chỉ hời hợt mà còn bôi bác, ngụy tạo.
Có điều vì không tìm ra tài liệu nào khác, nên ngoài việc "nhìn nghiêng" sử triều Nguyễn rồi nắn lại cho phù hợp, nhiều nhà nghiên cứu không e dè dùng cả những tài liệu dân gian không có cơ sở.
Lễ ký hiệp ước 25.8.1883 (nhằm ngày 23 tháng Bảy năm Quý Mùi, còn gọi là hiệp ước Quý Mùi hoặc hiệp ước Harmand) tại sứ quán Pháp ở Huế. Một năm sau nổ ra cuộc chiến Trung Hoa - Pháp tranh giành ảnh hưởng tại Bắc kỳ của Đại Nam Hàng ngồi từ trái qua: Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc, Công sứ Pháp tại Huế de Champeaux, Tổng ủy viên Cộng hòa Pháp François Jules Harmand, Giám mục Huế Marie-Antoine Caspar (Lộc), Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hiệp (đang đứng) và đặc phái viên Masse Tranh khắc của ông de Haenen, dựa theo bản phác thảo của ông F.G. Ảnh: Le Monde illustré, số 1387, ra ngày 27.10.1883, tr. 268 Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Gần đây hơn, một số tài liệu "đầu tay" của những nhà truyền giáo Âu châu được sử dụng để bổ túc, nhưng thực ra giá trị cũng giới hạn, tuy có giúp xác định lại một số mốc thời gian và ghi nhận thực tế, nhưng nội dung và chi tiết không đủ để xếp loại tài liệu tiên nguyên, nhất là có lẫn sự yêu ghét của các nhà truyền giáo với giới cầm quyền.
Sau khi định cư ở nước ngoài, khi tìm sử liệu Việt Nam trong các thư viện Hoa Kỳ, tôi thấy có rất nhiều tài liệu gốc liên quan đến nước ta rải rác trong thư tịch Trung Hoa, nay đã được ấn hành và có một hay nhiều bản trong thư viện các trường đại học.
Một ưu điểm của hệ thống đại học Hoa Kỳ là nếu có nhu cầu, ta có thể mượn sách trên toàn nước Mỹ, phần nhiều là miễn phí, hoặc đôi khi phải trả cước phí bưu điện. Những sách mượn được, tôi đều photocopy lại, để không phải giữ sách quá lâu. Với sự giúp đỡ của nhiều bằng hữu, thân nhân và cả nhiều học giả tại Việt Nam, tôi sưu tầm được khá nhiều tài liệu cần cho nghiên cứu, hầu hết là tài liệu gốc.
Ngoài ra, trên các mạng lưới toàn cầu hiện nay, nếu cất công chúng ta có thể kiếm được rất nhiều sách vở đã số hóa miễn phí. Dù nghiên cứu đề tài gì, khả năng là chúng ta dễ bị tràn ngập tài liệu hơn là thiếu thốn như trước. Sách vở hiếm cũng có thể mua trên mạng và không ít lần tôi tìm được những cuốn không ngờ tới.
Về khó khăn của một người nghiên cứu "nghiệp dư" và "ngoại đạo" thì phải nói là rất nhiều. Thứ nhất, tôi mới về hưu hơn 3 năm nay, nên cũng chưa làm được gì nhiều.
Trước đây phần lớn việc dịch thuật và nghiên cứu, tôi đều làm ngoài giờ đi làm, nay tuy có nhiều thời gian hơn nhưng vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi. Thứ hai, tuổi tôi đã cao (75), tuy sức khỏe chưa đến nỗi nào nhưng chắc không còn như 20 năm trước.
Thứ ba, tôi không được đào tạo và trang bị những phương tiện nghiên cứu sử Việt Nam, nhất là về Hán Nôm, vốn là những điều kiện rất cần thiết. Nói đúng ra tôi là người nghiên cứu sử dưới góc nhìn hành chánh công quyền, các tài liệu sử mà tôi dùng đến đều là tài liệu hành chánh, từ trung ương đến địa phương, và giải mã theo quan điểm và năng lực của một hành chánh gia.
Tuy nhiên, đó cũng chính là then chốt của cách chép sử Á Đông dưới những tiêu đề thực lục, thông giám, cương mục… hay nói khác đi là cách ghi chép và sắp xếp tài liệu của triều đình. Kinh nghiệm và kiến thức hành chánh cũng giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu các tài liệu hay văn bản cũ.
Tôi cũng không có nhu cầu nhiều ngoài khao khát sách vở nên không ngại đầu tư. Một may mắn hiếm có cũng cần nhắc là sự tận tâm và hy sinh của nhiều bằng hữu ở trong nước, vì duyên tri ngộ mà giúp tôi ấn hành, biên tập, phổ biến những công trình vốn đã hoàn tất nhưng vẫn chỉ nằm trong máy vi tính.
Sứ đoàn do vua Đại Nam phái đi gặp tướng Millot (Pháp) trong giai đoạn người Pháp thực hiện cuộc chiến dịch Bắc kỳ 1883-1885 Ảnh: Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Cái duyên đó bắt đầu từ khi tôi dịch một số truyện kiếm hiệp và em tôi đưa lên mạng để phổ biến trong nước. Tuy những dịch phẩm ấy chưa bao giờ được xuất bản dưới tên tôi là dịch giả [mặc dù đã có người in ra ở trong nước], dù sao cũng là một nhịp cầu để trong nước biết đến tôi và nảy sinh những giao tình giúp ấn hành các tác phẩm lịch sử.
Nhân dịp này tôi xin gửi lời tri ơn đến những người bạn quý đó, bao gồm thân hữu, nhà xuất bản, các bạn biên tập, phát hành và nhất là độc giả.
* Trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại, ngoài khả năng sử dụng thành thạo Hán ngữ và Pháp ngữ, theo anh còn những yếu tố quan trọng nào khác?
- Lẽ dĩ nhiên việc thông thạo một hay nhiều ngoại ngữ, cổ ngữ là điều kiện gần như bắt buộc để nghiên cứu lịch sử. Nếu người nghiên cứu không đủ bề dày ngoại ngữ, việc tìm kiếm và khai thác tài liệu rất khó khăn, có khi ngay trước mắt mà không "thấy".
Trên địa bàn nước ta, số tài liệu và hiện vật ghi chép bằng chữ Hán, chữ Nôm hầu như ở khắp mọi nơi, nhưng số người đọc được và quan tâm đến chưa nhiều.
Một trong những lý do mà việc khai thác những văn bản này còn hạn chế - tôi không dám nói chắc - có lẽ là phương tiện chưa phong phú, nên việc sử dụng phần nhiều dựa trên điều kiện cá nhân của người nghiên cứu, chứ chưa phải là hoạt động có yểm trợ của quốc gia.
Các nhà nho làm thông dịch tại tòa Công sứ Hà Nội Ảnh: Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Hơn thế nữa, nghiên cứu lịch sử không còn là một chuyên ngành mà phải kết hợp nhiều chuyên môn khác, như ngôn ngữ học, khảo cổ học, địa lý học, dân tộc học… nên nếu muốn đi vào cánh cửa này thì không thể không trang bị cho mình một số kiến thức ngoài ngành.
Tôi không rõ chương trình học để nghiên cứu sử ở Việt Nam hiện nay thế nào, nhưng nếu không được đào tạo về cổ luật và định lệ thì việc nghiên cứu sẽ bị giới hạn.
* Anh đánh giá thế nào về tiềm năng khai thác tài liệu về Việt Nam cả ở trong lẫn ngoài nước?
- Trong xu hướng chung của thế giới sẵn sàng chia sẻ tài liệu, chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận và khai thác tài liệu bên ngoài, nhất là những quốc gia lân cận. Trên địa bàn nước ta, sử Việt Nam cũng ít thấy đề cập đến những nền văn minh khác hiện diện trên cùng một dải đất.
Nếu chỉ viết về người Việt mà quên những dân tộc trước đây từng có mặt trên mảnh đất hình chữ S, nhiều khi còn huy hoàng rực rỡ hơn, nhưng nay tàn lụi, sẽ là một thiếu sót lớn.
Theo tôi biết, nhiều tập hợp tài liệu lớn về Việt Nam đã được các cơ quan quốc tế ấn hành ở Tokyo, Đài Loan, Paris, Bắc Kinh, Thượng Hải… nhưng người được tiếp cận thì vẫn còn giới hạn. Cho nên, nếu chính quyền có những kho sách phổ biến công khai để ai cũng dùng được sẽ là điều rất đáng hoan nghênh.
Hiện nay ở hải ngoại cũng có nhiều mạng xã hội phổ biến nhiều bộ sách quý mà trước đây thế hệ chúng tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Các bộ Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị… ai cũng có thể tải xuống và sử dụng như nguyên bản.
Nếu tư nhân, với khả năng và phương tiện hạn chế đã có được những công trình to lớn như vậy, thì một khi được thực hiện tập thể, vô vụ lợi, chắc chắn chúng ta ai ai cũng "giàu", ít nhất về kho tài liệu của chính ông cha mình hiện còn giữ trong các thư viện, trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam.
* Trong các nghiên cứu đã xuất bản, anh hài lòng với công trình nào nhất?
- Nếu nói về một tác phẩm gợi cho tôi nhiều xúc động thì tôi có thể chọn lựa một cách chủ quan là bộ Lê Mạt Sự Ký. Trong bộ sách này, tôi cố gắng đưa ra những chứng cớ đầu tay của nước ta cũng như của nhà Thanh, từ chính những người đã tham gia trực tiếp vào những biến cố cuối đời Lê đưa đến việc Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta rồi sau đó triều đình vua Lê phải lưu vong sang đất bắc.
Công trình biên khảo Lê mạt sự ký của Nguyễn Duy Chính, tái bản có chỉnh sửa và bổ sung năm 2020 Ảnh: Nguyễn Quang Diệu
Từ trước đến nay, trọng tâm của thời kỳ này là chiến thắng đầu năm Kỷ Dậu (1789) - có thể nói là một thiên anh hùng ca lặp đi lặp lại cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy nhiên, nhìn lại toàn thể khung cảnh chính trị lúc đó, trước và sau chiến thắng này, thì cách nhìn của chúng ta có thể khác đi khi thấy mọi việc không thay đổi nhiều, nước ta vẫn không thoát khỏi cái vòng kim cô của đại quốc, tuy lúc buông, lúc nắm, khi nặng, khi nhẹ.
Từ vài chi tiết khá nhỏ nhoi, tôi đã có cơ hội tìm hiểu một "lâu đài quy mô" hơn nhiều. Đó là chính sách ngoại giao của Trung Hoa trong hệ thống tông phiên với đầy đủ bộ dạng tùng xòe của một con công khoe bộ cánh biếc. Khi nắm được cơ cấu và đường đi nước bước của nền hành chánh và chính trị nhà Thanh, việc nhìn lại lịch sử Việt Nam có nhiều lợi thế vì ít nhiều, chúng ta vẫn là một vệ tinh trong quỹ đạo tông phiên của họ.
Tôi cũng có dịp nhìn lại tư cách của những người bầy tôi theo vua Lê sang đất bắc. Gần đây nhất, một nhóm bạn tôi đã đến viếng Lê Mạt Tiết Nghĩa Từ là nơi thờ những thần tử nhà Lê và nghe đâu chính quyền cũng đang dự định trùng tu ngôi đền thành một di tích lịch sử.■
Vua Lê di hành, tranh in trong sách A description of the Kingdom of Tonqueen của Samuel Baron (1685) Nguồn: Royal Society of London
Xem thêm: mth.84280406132902202-ed-gnohk-pal-cod-uuc-neihgn-ahn-tom-mal-hnihc-yud-neyugn/nv.ertiout