Hiện cơ quan chức năng đang đánh giá để khắc phục vụ 4 bó cáp nhịp chính cầu vượt bị đứt - Ảnh: C.T.V.
Theo nguồn tin, hôm nay 29-9, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục họp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) để đánh giá các phương án khắc phục sự cố đứt 4 cáp ngầm của cây cầu này.
Tại cuộc họp ngày 28-9 với Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các nhà khoa học, Ban Giao thông cũng có báo cáo phương án khắc phục sơ bộ bao gồm hai giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 sửa chữa, khôi phục hệ thống cáp cầu vượt bị đứt. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện, sửa chữa triệt để các hư hỏng bởi cây cầu này đưa vào khai thác đã lâu.
Tuy nhiên, các phương án mà Ban Giao thông đề xuất hiện đang phải chờ sự xem xét, đánh giá của các nhà khoa học, nên đó chưa phải là phương án cuối cùng. Việc khắc phục ra sao phải chờ tư vấn cùng các nhà khoa học khảo sát, kiểm định chịu tải của công trình và đánh giá tổng thể mới có thể kết luận.
Cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế ra sao, đây là câu hỏi mà nhiều bạn đọc quan tâm.
Theo thiết kế, cáp dự ứng lực ngầm của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế nằm sâu dưới đất căng dọc cầu. Tại vị trí nhịp chính có hiện tượng bị nứt và võng xuống có 4 bó cáp nằm sâu trong lòng đất từ 1,8 - 1,9m. Cáp được đặt trong mương bê tông cốt thép (mỗi bó có 7 tao cáp) neo vào các trụ cầu.
Dự án hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh được đơn vị thi công hoàn tất vào tháng 3-2021, và tới giữa tháng 6-2022 cơ quan chức năng phát hiện nhịp cầu có hiện tượng võng xuống và tiến hành khoan thăm dò. Như vậy, có thể nói rằng kể từ khi bị đứt đến khi phát hiện kéo dài hơn 15 tháng trong bối cảnh xe cộ vẫn chạy bình thường.
Thiết kế cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: ĐỨC PHÚ chụp lại
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc một nhà thầu đang thi công các công trình trọng điểm phía Nam đánh giá, kết cấu khi sử dụng cáp dự ứng lực đóng vai trò chịu lực lớn ở các bó cáp. Nếu nó bị đứt sẽ làm giảm rõ rệt khả năng chịu tải và gây ra hiệu ứng quá tải cho các bó cáp còn lại, theo thời gian sẽ bị hỏng dây chuyền dẫn đến nguy hiểm cho kết cấu. Nếu không phát hiện sớm mà cứ khai thác với tải trọng nặng, có thể dẫn đến các sự cố nghiêm trọng hơn như đổ sập.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về công trình giao thông tại TP.HCM cho hay, có thể hình dung 4 bó cáp dự ứng lực ở nhịp chính chống lực đẩy ngang, giằng lại giữ vững chân cầu. Việc đứt 4 bó cáp trong một thời gian dài là sự cố rất nghiêm trọng và cần kiểm tra sức chịu tải của dầm cầu để có giải pháp an toàn. Trước mắt, cần có giải pháp khắc phục ngay như hạ tải hoặc tạm ngừng khai thác trong khi chờ sửa chữa.
Cũng theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cần lập hội đồng khoa học nghiên cứu, thẩm định dựa trên hiện trường thực tế, từ đó đưa ra phương án khắc phục tối ưu. Trong đó, nên tính đến phương án khôi phục hoặc thay thế. Căng cáp lại là một gợi ý để giải quyết nhưng cần tính toán kỹ, bởi căng cáp sẽ vướng cống thoát nước. Cũng cần xác định, căng cáp khó khôi phục công năng như ban đầu.
TTO - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) vừa chốt các phương án đầu tiên để sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sau khi hệ thống cáp dự ứng lực bị đứt.
Xem thêm: mth.22605212192902202-oas-ar-tud-ib-hnac-uuh-neyugn-touv-uac-pac-ob-4-uv-cuhp-cahk/nv.ertiout