Bìa một cuốn sách Tiếng Việt ngày xưa chỉ đơn giản là hình con gà trống gáy "ò ó o" gợi sự gần gũi với học trò
Trong hai ngày 28 và 29-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông cùng Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước.
Đến với Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông, không chỉ nhà xuất bản, nhà trường mà học sinh, người dân có cơ hội nhìn lại lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ. Khách tham quan có thể dễ dàng tìm thấy nhiều đầu sách cũ qua các mốc thay sách 1957, 1981, 2002, 2020. Trưng bày cũng giới thiệu sách giáo khoa của các nước trên thế giới như Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh...
Ngoài ra, một số sách đoạt giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng được giới thiệu.
Sách Toán 11 của Úc với 470 trang, trọng lượng tới gần 1kg đạt "kỷ lục" về số trang sách giáo khoa được giới thiệu tại trưng bày
Theo chia sẻ của lãnh đạo một nhà xuất bản, sách giáo khoa của Việt Nam dùng giấy trắng ở mức độ trung bình 80-86% ISO như các nước châu Á khác.
Tự cầm những cuốn sách mới, Đỗ Uyển My, học sinh lớp 8C, Trường THCS Nguyễn Du, cho hay sách Việt Nam hiện giờ rất bắt mắt, bố trí ví dụ và hình ảnh rất giống sách Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Trước đây, sách giáo khoa nhìn khá đơn sơ, chủ yếu là chữ và 1-2 hình minh họa. Còn bây giờ, sách rất đẹp, trông như đọc một cuốn tạp chí thay vì sách giáo khoa", Uyển My chia sẻ.
Em Đỗ Uyển My, học sinh lớp 8C, Trường THCS Nguyễn Du, bất ngờ khi thấy cuốn Mỹ thuật 7 mới rất hiện đại, bắt mắt, không kém gì cuốn Mỹ thuật 7 của Nhật Bản
Còn ở gian hàng sách ngày xưa, chú Trọng Nam (58 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ khi cầm lên những cuốn sách số học, hóa học… đã ngả vàng, bản thân nhớ lại nhiều kỷ niệm xưa cũ.
"Để sách mới, mình phải gói kỹ bằng giấy báo, giấy xi măng. Đi học thì phải giữ sách mới để các em khóa sau còn được học. Cứ chuyền tay nhau, nhiều năm rồi mà sách vẫn mới. Có điều sách ngày xưa in trên giấy xấu, không trắng và in màu đẹp như bây giờ", chú Nam tâm sự.
Còn chị Hạnh (39 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết sách giáo khoa ngày xưa chưa có giấy đẹp, ít tranh ảnh, chủ yếu là chữ và trình bày theo truyền thống.
"Sách của các con ngày nay nhiều màu sắc, hình ảnh được chăm chút cẩn thận, sắc nét và hướng tới tương tác, gợi mở để học sinh tự khám phá. Còn ngày xưa, sách nhiều chữ nên chủ yếu là chép bài, rất hiếm hình ảnh minh họa", chị Hạnh bộc bạch.
Chú Trọng Nam chia sẻ học trò ngày xưa rất giữ gìn sách giáo khoa để các em, hàng xóm còn được học, nên tuyệt đối không bao giờ vẽ bậy vào sách hay xé rách
Nhiều người tranh thủ chụp lại những tấm bìa sách giáo khoa cũ được trình bày đơn giản, có một vài màu sắc chính và có điểm chung đều ngả vàng, "nhuốm" màu thời gian
Nếu mua sách Hóa học lớp 10 vào năm 1987, mỗi học sinh được nhà xuất bản "khuyến mãi" thêm một bảng tuần hoàn Mendeleev miễn phí kẹp giữa cuốn sách
Những bài học giúp bà, săn sóc mẹ... kết hợp với hình ảnh minh họa trên nền giấy vàng khiến nhiều người lớn thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X không khỏi bồi hồi
Những bài học về chủ điểm mùa thu trong cuốn Tập đọc lớp hai phổ thông của Nhà xuất bản Giáo Dục - Hà Nội 1969
TTO - Nhiều ý kiến được các bạn nhỏ đề xuất trong chương trình “Điều em muốn nói” tháng 9-2022 có chủ đề “Sách giáo khoa qua lăng kính học sinh” sáng 25-9, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.