Người dân đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) thăm khám chữa bệnh - Ảnh: THU HIẾN
Chiều 29-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đến khảo sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) về việc thực hiện các quy chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế giai đoạn 1-2020 đến 6-2022 nhằm góp ý cho dự án Luật đấu thầu sửa đổi.
Tại buổi khảo sát, ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết bệnh viện được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 đến nay đã được 6 năm, tiết kiệm được phần nào cho nguồn ngân sách TP. Trong quá trình tự chủ phần nào tạo được sự chủ động trong công tác khám, chữa bệnh phát triển y tế cơ sở…
Tuy nhiên, đến nay bệnh viện gặp nhiều khó khăn, giá thu hiện bệnh viện áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và với mức giá được tính 4/7 phần, ba phần còn lại chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá. Trong khi đó chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.
Dẫn đến bệnh viện ngày càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao…
Đại diện khoa dược bệnh viện cho biết bệnh viện đấu thầu thuốc với chi phí lớn, riêng danh mục thuốc tốn 55% tổng chi phí. Sau đấu thầu, bệnh viện tập trung nguồn lực trả nợ các nhà cung cấp, trong khi phải phụ thuộc nhiều vào BHYT và nếu BHYT chậm thanh toán cho bệnh viện để trả cho công ty sẽ dẫn đến công nợ kéo dài, nguy cơ thiếu thuốc. Để đảm bảo cung ứng thuốc tốt, bệnh viện phải mua rất nhiều nguồn, ưu tiên công ty không đặt nặng vấn đề công nợ.
TTO - BHXH Việt Nam vừa có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh BHYT. Tuyệt đối không để người bệnh tham gia BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng BHYT.