Chính quyền quân sự ở Niger công bố đại sứ Pháp tại Niger, ông Sylvain Itte, không còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và thị thực của ông Itte cùng gia đình đã bị hủy bỏ. Hội đồng quân sự Niger cũng đã đình chỉ thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này.
Theo Hãng tin AFP, các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đang đi theo chiến lược của các nước láng giềng Mali và Burkina Faso, nhằm tách mình ra khỏi cường quốc thực dân trong khu vực.
Chính quyền quân sự Niger yêu cầu Đại sứ Pháp Itte rời khỏi đất nước trong vòng 48 giờ.
Trước diễn biến này, Pháp đã kêu gọi tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum khôi phục quyền lực và cho biết sẽ hỗ trợ Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lật ngược cuộc đảo chính.
Paris chưa chính thức công nhận quyết định của chính quyền quân sự Niger về việc đình chỉ các thỏa thuận quân sự song phương. Chính quyền Pháp nói rằng những thỏa thuận này đã được ký kết với "các cơ quan hợp pháp" của Niger.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Pháp ngày 31-8 cho biết thủ lĩnh cuộc đảo chính không có thẩm quyền yêu cầu đại sứ rời đi, đồng thời nói thêm rằng họ "liên tục đánh giá an ninh và các điều kiện hoạt động của đại sứ quán".
Hồi đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Đại sứ Itte sẽ ở lại nước này và bày tỏ sự ủng hộ đối với tổng thống bị lật đổ Bazoum.
Pháp hiện vẫn duy trì 1.500 binh sĩ ở Niger, bất chấp sức ép từ chính quyền quân sự. Chính quyền quân sự Niger đang yêu cầu Paris rút quân trong vòng một tháng.
Trước đó, cuối tháng 7, một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng cận vệ của tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ ông Bazoum.
Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước. Sau cuộc đảo chính, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự.
TTCT - Cơn thịnh nộ của dân chúng châu Phi Sahel, thể hiện qua hàng loạt cuộc đảo chính gần đây, có nguồn cơn sâu xa của nó...