Trước đó theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng theo khoản 1 điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì ông Nguyễn Đức Hiển đáp ứng đủ các điều kiện để được xác định là bị hại trong vụ án này.
Cụ thể, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án xác định rất rõ ông Hiển là một trong số các cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về tinh thần (uy tín, danh dự cá nhân) do hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Phương Hằng gây ra. Việc này đã được khẳng định trong rất nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án như cáo trạng, các kết luận giám định...
Theo luật sư Công, mặc dù được quy định tại chương về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhưng tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thiết kế để bảo vệ ba đối tượng độc lập nhau là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
"Nếu một cá nhân bị hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp thì cá nhân đó phải được xác định là bị hại của vụ án", kiến nghị nêu.
Việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của ông Hiển và các cá nhân khác trong vụ án này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo đó, nếu bị xác định là người liên quan thì đã tước đi các quyền liên quan trực tiếp đến bị cáo mà bị hại mới có như quyền xem xét về hành vi, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo đối với phần nội dung liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Đặc biệt hơn, trong vụ án này, trong đơn tố cáo của mình, ông Hiển còn đề nghị phải xử lý thêm bị cáo Nguyễn Phương Hằng về hành vi vu khống và làm nhục người khác nhưng cho đến nay các cơ quan tố tụng chưa đồng ý. Vì vậy tại phiên tòa này, chắc chắn ông Hiển tiếp tục đề nghị xem xét về hành vi sai phạm của bị cáo Hằng nhưng bị xác định tư cách là người liên quan thì đã tước đi quyền này” - đơn kiến nghị nêu.
Từ lập luận trên, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng ông Nguyễn Đức Hiển đáp ứng đủ các điều kiện để được công nhận là bị hại trong vụ án này.
Việc tòa án không công nhận tư cách bị hại của ông Hiển mà xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, qua đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Hiển.
Từ đó, luật sư kiến nghị hội đồng xét xử và chủ tọa hội đồng xét xử xem xét xác định tư cách là bị hại đối với ông Nguyễn Đức Hiển trong vụ án này.
Ông Nguyễn Đức Hiển gửi đơn khiếu nại đến TAND TP.HCM
Cùng ngày ông Hiển cũng đã có đơn khiếu nại gửi đến TAND TP.HCM. Theo ông Hiển, quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, quyền của người được xác định là bị hại khác xa so với quyền của người liên quan.
"Từ những tài liệu được cơ quan điều tra và cơ quan giám định cung cấp, tôi khẳng định rằng mình đáp ứng đủ các điều kiện để được công nhận là bị hại trong vụ án này. Việc tòa án không công nhận tư cách bị hại của tôi mà xác định tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, qua đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi” - ông Hiển nói.
TAND TP.HCM đã ấn định ngày xét xử bà Nguyễn Phương Hằng vào ngày 21-9. Để chuẩn bị xét xử, tòa cũng triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng, bà Đặng Thị Hàn Ni và nhiều người khác đến tham gia phiên tòa.