vĐồng tin tức tài chính 365

"Đất lành" hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài

2023-09-01 07:12

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết những năm qua, Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới, là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực. Trong đó, TP HCM luôn là điểm đến hàng đầu của các "đại bàng".

Hút vốn vào nhiều lĩnh vực

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào TP HCM tính đến tháng 6-2023, Singapore dẫn đầu với 14 tỉ USD vốn đăng ký; tiếp đến là British Virgin Island (thuộc Anh) 6 tỉ USD; Nhật Bản 5,6 tỉ USD; Hàn Quốc 5,5 tỉ USD và Hà Lan ở vị trí tiếp theo với 5 tỉ USD.

"Nguồn vốn FDI chảy vào TP HCM thời gian qua góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; cải tiến công nghệ sản xuất trong nước; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động" - ông Đào Minh Chánh nhận xét.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Intel đã đầu tư gần 1,5 tỉ USD vào nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP). Intel Products Việt Nam hiện là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn thế giới. Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) - một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, gia dụng lớn nhất toàn cầu trực thuộc Tập đoàn Samsung - đã rót khoảng 2,84 tỉ USD đầu tư tại SHTP. Dự án SEHC đã đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, với tổng diện tích lên tới 94 ha.

Đất lành hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn rót vốn vào TP HCM thời gian qua Ảnh: BÌNH AN

Ngoài ra, nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, thương mại của Nhật Bản cũng để lại nhiều dấu ấn ở TP HCM. Những thương hiệu lớn của Nhật như Uniqlo, MUJI, Aeon... ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một đại diện đến từ Hồng Kông - Trung Quốc, Tập đoàn Techtronic Industries (TTI), cũng đã đầu tư 650 triệu USD vào SHTP. Sau 5 năm hoạt động, TTI đã xác định Việt Nam là địa điểm chiến lược và cam kết đầu tư lâu dài.

Theo thống kê của Ban Quản lý SHTP, đến nay, toàn khu có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ USD, chiếm 84% tổng vốn đầu tư vào đây còn hiệu lực. Nơi đây đang tập trung hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, gồm: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)... SHTP cũng được đánh giá là thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia.

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho thấy lũy kế từ năm 1988 đến tháng 6-2023, thành phố có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 81,29 tỉ USD. Trong đó, 70% tổng số dự án là cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn, 30% là góp vốn và mua cổ phần, mua phần vốn góp. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, vốn FDI rót vào TP HCM đạt 2,8 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chững lại nhưng vẫn còn nhiều cơ hội

Mặc dù TP HCM vẫn đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI nhưng giá trị thu được mỗi năm không còn lớn như giai đoạn 2019 trở về trước, chỉ dao động quanh mức 4 tỉ USD/năm. Số dự án đầu tư mới có thời điểm tăng nhưng quy mô ngày càng nhỏ.

Đáng chú ý, TP HCM vẫn đang sở hữu nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như: vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng kết nối với khu vực và quốc tế, môi trường đầu tư cởi mở, chính quyền thành phố luôn đồng hành với nhà đầu tư... Tuy vậy, thành phố đang có tín hiệu mất dần sức hấp dẫn, thể hiện ở dòng vốn FDI có xu hướng giảm dần cả về số lượng dự án lẫn quy mô đầu tư. Sau các dự án của Intel, Samsung, Nidec, TTI..., TP HCM không thu hút thêm được dự án lớn nào có khả năng tạo ra cú hích mới cho tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), thành phố đang gặp nhiều bất lợi khi thu hút vốn FDI vào các ngành sản xuất truyền thống. Đơn cử, quỹ đất phát triển các KCN cạn kiệt, đến nay chỉ còn 46 ha đất sạch có thể cho thuê nhưng lại phân bổ rải rác ở các KCN nên không thể thu hút dự án lớn. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao, việc tuyển lao động khó khăn, kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, thông suốt cũng là những rào cản lớn.

"Do những thế mạnh trước đây không còn nữa, TP HCM xác định chiến lược trong thời gian tới là tập trung thu hút các chuỗi cung ứng và giữ vai trò đầu não. Các nhà đầu tư vẫn ưu tiên chọn TP HCM là trụ sở chính, văn phòng giao dịch, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đào tạo, nhà xưởng sản xuất mẫu...; còn hoạt động sản xuất trực tiếp thì dịch chuyển về các tỉnh lân cận đang có quỹ đất lớn hơn" - ông Hứa Quốc Hưng cho biết.

Dẫu vậy, Trưởng Ban Quản lý Hepza nhận định TP HCM vẫn còn nhiều cơ hội thu hút các "đại bàng" trong thời gian tới. Dự kiến năm 2023, các KCX-KCN ở TP HCM sẽ thu hút trên 1 tỉ USD vốn đầu tư.

"Một doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD có thể vào TP HCM trong thời gian tới. Ngoài ra, trong các tháng đầu năm 2023, nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy các nhà đầu tư vẫn có nhu cầu hiện diện tại TP HCM" - ông Hứa Quốc Hưng nhận xét.

Đất lành hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP HCM có xu hướng giảm từ năm 2020 trở lại đây Dữ liệu: THÁI PHƯƠNG - Đồ họa: CHI PHAN

Trong giai đoạn 2023 - 2024, TP HCM sẽ lập đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu. Trong đó, KCX Tân Thuận đang tự chuyển đổi, thu hút các dự án đầu tư phần mềm, công nghệ cao; KCN Hiệp Phước trong tương lai chuyển sang mô hình sinh thái; KCN Cát Lái là trung tâm logistics...

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho hay các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Dù vậy, ở những địa phương phía Nam, nhất là TP HCM, những vấn đề như quỹ đất công nghiệp còn rất hạn chế; chi phí thời gian cao, khó khăn khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động mới, cấp lại giấy phép... cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Trước đó, kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 của JETRO cho thấy có tới 60% công ty trả lời sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh trong 1-2 năm tới tại Việt Nam, tăng 4,7 điểm % so với năm trước. Nếu tính theo quốc gia, khu vực thì Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và đứng đầu khu vực ASEAN về tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng sản xuất - kinh doanh. 

Tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư

Tại một diễn đàn về bất động sản công nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động khó dự báo.

Năm 2022, vốn FDI thực hiện của cả nước đạt khoảng 22,4 tỉ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

Để tận dụng và đón làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển sang Việt Nam, trong đó có TP HCM, Trưởng đại diện JETRO - ông Nobuyuki Matsumoto - cho rằng điều quan trọng là phải bảo đảm xu hướng chuyển dịch sang các ngành sản xuất công nghệ cao. "Việt Nam đang thu hút sự quan tâm cao, như là một điểm đến đầu tư tốt, không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ nhiều quốc gia khác" - ông Nobuyuki Matsumoto nhấn mạnh.

Xem thêm: mth.3662245113803202-iaogn-coun-ut-uad-nov-nad-pah-hnal-tad/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“"Đất lành" hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools