Kết quả kinh doanh giảm nhiều hơn tăng
Thời gian qua, do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ, Nga và UAE (để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh hiện tượng El Nino đe doạ hoạt động canh tác toàn cầu), là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan), Việt Nam được hưởng lợi khi giá lúa gạo xuất khẩu tiếp tục tăng.
Thống kê cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam liên tục tăng kể từ đầu năm 2023. Tính riêng tháng 6/2023, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt gần 552 USD/tấn, tăng xấp xỉ 9% so với đầu năm và là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất từ trước đến nay.
Vậy nhưng, kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp lúa gạo lại suy giảm, chỉ có một số ít doanh nghiệp lãi cao.
Theo đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood 2, mã chứng khoán VSF) là số ít ghi nhận bức tranh khả quan khi trong quý II/2023 đạt doanh thu 6.867 tỷ đồng, tăng 57%; lợi nhuận sau thuế 9,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quý II/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 đạt 11.337 tỷ đồng doanh thu và gần 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 58% và 103% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi quý II/2023 đạt 3.678 tỷ đồng doanh thu, tăng 3,6%; lãi sau thuế 426 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 44 tỷ đồng. Đây là quý có lãi cao nhất của Công ty kể từ khi niêm yết đến nay.
Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận đột biến của Lộc Trời trong quý II năm nay chủ yếu đến từ hai nguồn là khoản doanh thu tài chính 49 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá (gấp 8,5 lần cùng kỳ năm ngoái) và phần trích nhập khoản lãi gần 327 tỷ đồng trong công ty liên kết (là khoản đánh giá lại tài sản sau khi hoàn tất mua Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân).
Nửa đầu năm 2023, Vinafood 2 lãi lớn, Lộc Trời lãi cao do chênh lệch tỷ giá và đánh giá lại tài sản, nhưng Trung An, Afiex, Vinaseed và Angimex thụt lùi, thậm chí thua lỗ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Lộc Trời đạt doanh thu hơn 6.130 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó mảng chủ lực là lương thực - lúa, gạo mang về 4.220 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận sau thuế trên 345 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022 (quý I/2023 lỗ hơn 80 tỷ đồng).
Với Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR), doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh nhất về doanh thu trong quý II/2023, nhưng lại báo lỗ lần đầu tiên kể từ khi lên sàn.
Trung An đạt doanh thu 1.615 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn hàng bán tăng vọt từ 672 tỷ đồng lên 1.549 tỷ đồng (tăng 129%), cộng với chi phí tài chính tăng 40% (chủ yếu do lãi vay), khiến Công ty lỗ sau thuế 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 24 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu của Trung An tăng 46%, đạt 2.513 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 600 triệu đồng, giảm gần 99% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, kế hoạch cả năm của doanh nghiệp là đạt doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, mã chứng khoán AFX), quý II/2023, Công ty ghi nhận doanh thu 587 tỷ đồng, tăng 44%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Afiex đạt doanh thu 922 tỷ đồng, tăng 47%; lãi ròng 9,9 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã chứng khoán NSC) ghi nhận 519 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2023, giảm 8%; sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận là 58 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) đạt doanh thu 163 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế âm 33,4 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, Angimex kinh doanh thua lỗ. Lũy kế nửa đầu năm 2023, Công ty lỗ 67 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số lỗ 6,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Gánh nặng chi phí
Theo Trung An, hoạt động kinh doanh thua lỗ trong quý II/2023 chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và Công ty phải thanh lý hủy, không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài.
Mới đây, nhân sự cấp cao của Trung An tiếp tục biến động mạnh khi ngày 14/8/2028, bà Lê Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc cùng lúc nộp đơn xin từ nhiệm với lý do cơ cấu lại nhân sự Công ty, mặc dù cả hai mới được bổ nhiệm vào tháng 6/2023.
Nhìn lại bức tranh kinh doanh giai đoạn 2019 - 2022, doanh thu của Trung An có sự cải thiện qua từng năm, tăng từ 1.837 tỷ đồng lên 3.798 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận năm 2022 không duy trì đà tăng, mà giảm 22% so với năm 2021, từ 96,7 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng. Với mức lãi bán niên 2023 chỉ hơn 600 triệu đồng, Trung An khó có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Trung An cho biết, trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh, khiến chi phí sản xuất, giá thành đều tăng cao.
Gánh nặng chi phí cũng là vấn đề của những doanh nghiệp đang có tồn kho gạo cao. Tại Vinafood 2, hàng tồn kho tính đến ngày 30/6/2023 là 2.977 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đầu năm. Điều này kéo theo chi phí nguyên vật liệu tăng tương ứng, từ 469 tỷ đồng lên 1.212 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí thành phẩm và hàng hóa cũng theo đó mà tăng.
Cùng thời điểm trên, hàng tồn kho của Lộc Trời tăng 24%, lên 2.714 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thành phẩm; hàng tồn kho của Vinaseed là 327 tỷ đồng, của Afiex là 173 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 10% so với đầu năm.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhìn nhận, ngành gạo Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều yếu tố thuận lợi như nguồn cung lương thực thế giới thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại không ít quốc gia bị thiệt hại vì hạn hán, giúp giá gạo có khả năng tiếp tục tăng.
Về thị trường xuất khẩu, TPS đánh giá cao triển vọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt dịch Covid-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Bên cạnh những thị trường truyền thống, gạo Việt cũng đang đứng trước cơ hội mở rộng tại các thị trường tiềm năng khác.
Về phía doanh nghiệp, mặc dù có kết quả kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm, nhưng Ban lãnh đạo Trung An tin tưởng rằng, cơ hội phát triển trong năm 2023 vẫn còn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Trung An. Doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ sang các thị trường phát triển như EU, Hàn Quốc, Australia. Công ty vừa xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá 674 USD/tấn, đồng thời chuyển dần từ bán lẻ sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm lên kệ các siêu thị tại những nước phát triển.