Những ngày này, khi chương trình Tiếp sức đến trường khởi động, Bảo lại bồi hồi cảm xúc.
Anh đã nhờ bác ruột ở quê cùng phóng viên báo Tuổi Trẻ đi khảo sát các trường hợp tân sinh viên khó khăn, để trao những phần quà hỗ trợ các bạn.
Trao niềm tin
Ngay khi chương trình Tiếp sức đến trường khởi động, Gia Bảo đã nhắn tới chúng tôi ý tưởng dành tặng những "món quà" nhỏ đến các bạn tân sinh viên gặp khó. Những bạn có cùng cảnh ngộ như anh của 15 năm về trước.
Ý tưởng của Bảo cũng được chia sẻ với bác ruột là ông Nguyễn Bắc Đẩu (ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Dưới cái nắng oi ả, bác Đẩu và chúng tôi chạy xe máy len lỏi qua những vùng quê ở Điện Bàn. Từ nhiều ngày trước, bác Đẩu đã bật "ăng ten", qua nhiều kênh từ hội phụ huynh các trường, các giáo viên… để có được địa chỉ của các bạn tân sinh viên đang cần tiếp sức.
Nép bên con đường nhỏ ở khối phố Bằng An Đông, phường Điện An (thị xã Điện Bàn) là gia cảnh ngặt nghèo của Nguyễn Thị Bích Vân - tân sinh viên Trường đại học Y Dược Huế.
Ba bỏ đi từ khi Vân còn nhỏ, rồi mẹ cũng lập gia đình mới. Vân ở trong căn nhà tình thương cùng bà ngoại đau ốm liên miên.
Sau khi đã tìm hiểu gia cảnh của Vân, bác Đẩu đã trao "món quà" 3 triệu đồng của Gia Bảo gửi tặng. Còn chúng tôi cũng hướng dẫn Vân làm hồ sơ để gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường.
"Dù em chưa gặp anh Bảo, nhưng được bác và anh chia sẻ về tấm gương vượt khó của ảnh, em thực sự cảm phục và càng có quyết tâm trở thành bác sĩ" - Vân tâm sự.
Chia tay Vân, chúng tôi tiếp tục đi tìm những hoàn cảnh tân sinh viên khác...
Gia Bảo chia sẻ rằng sau một thời gian làm việc, đến nay cuộc sống của anh đã dần đi vào ổn định. Anh muốn dành một số "món quà" dành tặng các sinh viên khó khăn.
"Phần quà không đáng là bao so với những vất vả mà các tân sinh viên đã trải qua. Đó là niềm tin mình gửi đến các bạn, và tin rằng các bạn sẽ bền tâm vững chí trên con đường chông gai phía trước" - Bảo tâm sự.
Vượt nghịch cảnh
Gia Bảo bồi hồi nhớ lại quãng đường anh đã đi qua. Đó là hành trình rất dài đối với Bảo và người thân.
Bảo mất mẹ khi vừa chào đời, rồi sau đó ba cũng ra đi vì lao lực. Bác Đẩu thay cha mẹ chăm sóc Bảo. Ngày ấy, con đường làng ngập ngụa, nhớp nhúa bùn đất mỗi khi trời đổ mưa và bác Đẩu làm đôi chân cõng cháu tới trường. "Có những lúc đường trơn trượt, cả hai bác cháu té nhào. Lúc đó chỉ biết ứa nước mắt vì thương cháu" - bác Đẩu vẫn nhớ như in hình ảnh đó.
Dù khuyết tật, giọng nói ngọng nghịu… nhưng bù lại Bảo cực kỳ ham học. Thậm chí anh đã từng phải nhập viện cấp cứu vì học quá sức.
Vượt qua nghịch cảnh, năm 2009, Bảo trúng tuyển vào Trường cao đẳng (nay là Đại học) Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn.
"Niềm vui và cả sự lo âu cứ bám trong tôi. Lúc đó ông bà nội đã ngoài 90 tuổi. Gia đình nào có chi đáng giá, cuộc sống của bác chỉ đủ trang trải qua ngày" - Bảo tâm sự.
Nhiều đêm, Bảo dằn vặt, giằng xé là đi tiếp con đường học hay dừng lại. Nếu dừng lại rồi cuộc sống sẽ ra sao, làm những việc gì đây? Còn đi học lại là một gánh nặng lớn đè lên vai người thân.
Khi nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, không phụ lại niềm tin và tình yêu mọi người dành cho mình, Bảo tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Và với kết quả này, Bảo được đặc cách tuyển thẳng vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Trên chiếc xe lăn, Bảo kiên trì đeo đuổi giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Ngày đó, chúng tôi đến ký túc xá nơi Bảo ở cùng các bạn. Mọi sinh hoạt với anh đều vô cùng khó nhọc. Nhưng nụ cười luôn hiện trên môi anh…
Tốt nghiệp ra trường, Bảo và bác Đẩu cũng trải qua nhiều thăng trầm. Rồi anh được nhận vào làm IT của Trường quốc tế Canada (TP.HCM) từ ngày 1-7-2016 đến nay.
"Được làm việc trong môi trường quốc tế, ngoài trau dồi kiến thức chuyên môn, tôi còn tích lũy, học thêm ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu giao tiếp, công việc" - Bảo chia sẻ.
Luôn trân trọng
"Qua bao năm ngồi trên giảng đường và khi đã đi làm, tôi luôn trân trọng sự đùm bọc, giúp đỡ của cộng đồng xã hội và nhất là học bổng Tiếp sức đến trường. Không chỉ tôi, mà trong 20 năm qua, rất nhiều thế hệ tân sinh viên nghèo khó đã được tiếp sức kịp thời, để vượt qua khó khăn tới trường" - Bảo tâm sự.
Anh cũng chia sẻ rằng sẽ cố gắng sắp xếp công việc để có thể trở về Quảng Nam gặp gỡ, trao thêm những phần quà yêu thương đến một số tân sinh viên khó khăn.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Bị ung thư xương và phải cắt chân trái, Đỗ Anh Tú sắp trở thành tân sinh viên với mơ ước là một lập trình viên.