Thành tựu kể ra rất nhiều. Chỉ tính riêng trong hơn ba thập niên qua, Việt Nam đã xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người, xếp thứ 23 thế giới về tốc độ tăng chỉ số phát triển con người (HDI) và thuộc nhóm cao của thế giới về giảm tỉ lệ nghèo.
Đến nay Việt Nam đã ở ngưỡng cao của nhóm nước thu nhập trung bình thấp, nhóm nước có chỉ số HDI cao và tỉ lệ nghèo từ gần 50% ở đầu thập niên 1990 giảm xuống còn dưới 1% hiện nay.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng là cơ bản trở thành nước công nghiệp (hiểu đơn giản là chạm ngưỡng nước có thu nhập cao) vào năm 2020 đã chưa đạt được.
Mục tiêu cho ba thập niên mà Việt Nam đặt ra vào đầu thập niên 1990 là có cơ sở và bằng chứng thực tiễn. Trước đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã đạt được mục tiêu trở thành nước giàu sau một thế hệ. Và trong hơn ba thập niên qua, Trung Quốc cũng gần chạm ngưỡng này.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã không thể tận dụng tốt cơ hội lần thứ nhất khi Chiến tranh lạnh kết thúc và chúng ta mở cửa. Kết quả, năm 1984 GDP/người theo giá cố định năm 2022 của Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 656 USD và 670 USD; nhưng đến năm 2022, Việt Nam chỉ có 4.164 USD, chưa bằng 1/3 con số 12.720 USD của Trung Quốc.
Việt Nam đã gặp phải ba vấn đề. Thứ nhất, ngập ngừng trong việc mở cửa. Thứ hai, không sớm ưu tiên cho các vùng kinh tế động lực tăng tốc để kéo phần còn lại của đất nước đi theo. Thứ ba, tâm lý quá e ngại với những điều mới mẻ và các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập làm không ít các địa phương không dám bung ra. Đây là ba điều trái ngược với các nền kinh tế Đông Á thành công đã làm.
Quá khứ đã qua và tương lai đang đến. Bối cảnh thế giới thay đổi thời gian gần đây cho thấy cơ hội mới đang đến với Việt Nam.
Việt Nam cần tránh những sai lầm trong quá khứ, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn của mình để biến cơ hội thành hiện thực. Chúng ta cần tăng tốc để có thể trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 - thời điểm đất nước tròn 100 năm Độc lập. Để có thể tận dụng cơ hội, một số vấn đề sau cần được xem xét:
Thứ nhất, giữ vai trò quan trọng và mở rộng quan hệ, đặc biệt là về kinh tế. Độc lập trong quan hệ đối ngoại và giữ cân bằng với các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc cần gắn với việc tận dụng các cơ hội phát triển.
Thứ hai, đảm bảo ổn định chính trị nội bộ và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan ngại về các tác động không mong đợi của chiến dịch chống tham nhũng. Do vậy, lãnh đạo của quốc gia cần phát đi thông điệp rõ ràng với các hành động cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm chọn Việt Nam; đội ngũ cán bộ công chức yên tâm làm việc, các doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn.
Thứ ba, thu hút FDI và đầu tư nước ngoài theo cách tạo ra lợi ích và sự thuận tiện cho các nhà đầu tư, nhưng đảm bảo các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam phải nhận được sự chuyển giao công nghệ cũng như học hỏi.
Thứ tư, phát triển các dịch vụ tài chính cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh mới gắn với việc ưu tiên cho các vùng kinh tế động lực để phục vụ quá trình quốc tế hóa sâu rộng hơn.
Thứ năm, sự cẩn trọng và tinh thần phòng ngừa rủi ro được dựa trên nguyên tắc tận dụng cơ hội mới chứ không nên mới thấy "ruồi muỗi" đã tìm cách đóng cửa.
Các vấn đề nêu trên nên được truyền tải bằng những thông điệp rõ ràng và thời điểm thích hợp là khi lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo các nước, nhất là lãnh đạo Mỹ sắp tới đây.
Khinh khí cầu sẽ được thả tại đường Nguyễn Thiện Thành, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức vào ngày 2 và 3-9.