Cuộc thám hiểm được Công ty RMS Titanic Inc. (RMST) có trụ sở tại Georgia tổ chức. Công ty này đang sở hữu quyền trục vớt Titanic.
"Xác tàu Titanic là đài tưởng niệm"
RMST từng nhiều lần tổ chức trưng bày các hiện vật đã được trục vớt trong xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương, từ đồ dùng bằng bạc cho đến một mảnh thân tàu.
Theo báo cáo mà RMST đệ trình lên tòa án vào tháng 6, chuyến thám hiểm xác tàu Titanic của họ dự kiến được lên kế hoạch vào tháng 5-2024.
Tuy nhiên nhà chức trách Mỹ phản đối. Họ viện dẫn luật liên bang và một thỏa thuận quốc tế với Vương quốc Anh nói xác tàu Titanic là một ngôi mộ thiêng liêng và là đài tưởng niệm hơn 1.500 người đã thiệt mạng, theo Hãng tin AP.
Con tàu nổi tiếng này đã va phải tảng băng trôi và chìm vào năm 1912 trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton, Anh đến New York, Mỹ. Khi đó trên tàu có 2.208 hành khách và thủy thủ đoàn.
Chính quyền Mỹ lập luận rằng việc xâm nhập vào phần thân tàu bị cắt rời của Titanic - hoặc thay đổi vật lý hoặc làm xáo trộn xác tàu - được quy định bởi luật liên bang và thỏa thuận của nước này với Anh.
Một trong những mối lo ngại của chính quyền là khả năng xảy ra xáo trộn đối với các hiện vật và bất kỳ hài cốt nào của con người có thể vẫn còn tồn tại.
“RMST không được quyền coi thường luật liên bang đã được ban hành hợp lệ này”, các luật sư Mỹ lập luận trong tài liệu nộp lên tòa án ở thành phố Norfolk, bang Virginia - nơi giám sát các vấn đề trục vớt tàu Titanic.
Cuộc chiến pháp lý này diễn ra sau hơn 2 tháng tàu lặn Titan phát nổ gần xác tàu Titanic khiến 5 người thiệt mạng. Tuy nhiên, diễn biến này không liên quan gì đến thảm kịch vừa qua.
Video mô phỏng vụ nổ tàu lặn Titan của kênh AiTelly
Kiện tụng cũng sẽ không thể cản RMST?
Về phần mình, Công ty RMST cho biết họ có kế hoạch chụp ảnh toàn bộ xác tàu Titanic bằng một phương tiện điều khiển từ xa xuyên qua thân tàu mà không can thiệp vào cấu trúc hiện tại.
Theo RMST, họ sẽ thu hồi các hiện vật từ hiện trường và “có thể thu hồi các vật thể đứng tự do bên trong xác tàu”. Những thứ đó có thể bao gồm “các đồ vật từ bên trong phòng chứa máy điện báo Marconi, nhưng chỉ khi những đồ vật đó không dính vào xác tàu”.
Phòng phát thanh của con tàu chứa một máy điện báo không dây Marconi - phát tín hiệu cấp cứu vào ngày Titanic đâm phải tảng băng trôi. Các tin nhắn bằng mã Morse đã được các tàu khác và các trạm tiếp nhận trên bờ nhận được, giúp cứu sống khoảng 700 người trên thuyền cứu sinh.
“Tại thời điểm này, công ty không có ý định cắt hoặc tách bất kỳ bộ phận nào của xác tàu”, RMST giải thích.
Công ty cũng nói họ sẽ "hợp tác" với Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), nhưng họ không có ý định xin giấy phép.
Các luật sư của Chính phủ Mỹ cho biết công ty không thể tiến hành chuyến thám hiểm và trục vớt nếu không có sự chấp thuận của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, cơ quan giám sát NOAA.
Hiện công ty chưa nộp đơn phản hồi lên tòa án. Nhưng trong những vụ việc trước đây, công ty này cũng đã thắng kiện khi chính quyền Mỹ muốn hủy bỏ quyền trục vớt tàu Titanic ở vùng biển quốc tế mà công ty đã được cấp phép và tòa án công nhận.
Tòa án Norfolk ở Virginia chuyên xét xử các vụ trục vớt tàu đắm vào năm 1994 đã cấp quyền trục vớt độc quyền tàu Titanic cho RMST. Kể từ đó công ty đã thu hồi nhiều hiện vật từ con tàu và tổ chức một số cuộc triển lãm công cộng.
Do đó, RMST lập luận rằng chỉ có Tòa án Norfolk mới có thẩm quyền xét xử.
Ở độ sâu 4.000m dưới mực nước biển, vị trí nghi mất tích của con tàu lặn ngắm Titanic cao gấp 13 lần chiều cao tháp Eiffel (Pháp) và hơn gấp đôi các ngọn núi ở Grand Canyon (Mỹ).