Tesla từ lâu đã khẳng định sứ mệnh của mình là “giúp thế giới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững”. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhà sản xuất xe điện Mỹ vừa kỷ niệm 20 năm thành lập này, đã có những bước tiến lớn để hiện thực hóa mục tiêu.
Tuy nhiên, một công ty thành công như Tesla cũng không thể tự mình đạt đến thành công ở mức độ toàn cầu đó. Một thương hiệu không thể tự mình đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện.
Giám đốc điều hành đầy tham vọng của Tesla, Elon Musk, đã nhận thức được điều này từ lâu. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào năm 2014, Musk cho biết Tesla chỉ có thể ‘phổ cập hoá’ xe điện trên toàn cầu, đồng thời giúp các gã khổng lồ ô tô khác nhận ra tiềm năng của xe điện. Trong khi nhiều người vẫn còn tỏ ra nghi ngờ, hầu hết đều đã chuyển hướng sang làm xe điện.
Doanh số bán hàng và sự nổi tiếng toàn cầu của Tesla theo đó tăng lên chóng mặt, song có một điều mà Musk không thể lường trước: Sự xuất hiện của một đối thủ đáng gờm tại Trung Quốc - thị trường chính của Tesla.
Theo FT, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã gia nhập hàng ngũ 10 công ty ô tô lớn nhất thế giới xét trên doanh số bán hàng, trong khi Tesla chỉ giữ vị trí thứ 15. Doanh số bán xe mới trên toàn cầu của hãng này đã tăng 96% lên 1,25 triệu chiếc trong nửa đầu năm 2023, vượt qua cả các thương hiệu Đức như Mercedes-Benz và BMW.
Trong khi Tesla chỉ tập trung vào dòng xe điện cao cấp, BYD mở rộng phân khúc sang cả thị trường cấp thấp hơn với dòng sản phẩm thuần điện và plug-in hybrid. Công ty đã được hưởng lợi từ một thị trường nội địa rộng lớn dù nơi đây đang chứng kiến một sự cạnh tranh gay gắt cả về giá lẫn chất lượng.
“Tôi nghe mọi người so sánh chúng tôi với Tesla, gọi chúng tôi là Volkswagen hay General Motors của Trung Quốc. Chúng tôi không phản đối, nhưng chúng tôi chưa bao giờ so sánh mình với bất kỳ công ty nào”, Brian Luo, trợ lý tổng Giám đốc phụ trách thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD, nhấn mạnh.
Ngoài Trung Quốc, BYD hiện hướng tầm nhìn sang Đông Nam Á và Nga - thị trường mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã chấp nhận rút lui sau căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine. Được biết, BYD đã xuất khẩu hơn 80.000 chiếc ô tô sản xuất nội địa trong nửa đầu năm 2023, trong khi Tesla chỉ xuất khẩu 180.000 chiếc. Sự cạnh tranh này, dù tiêu cực hay tích cực, cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu mà Musk đã hình dung trước đó.
“Chúng tôi rất tôn trọng các công ty xe hơi ở Trung Quốc”, Musk nói. “Họ có khả năng cạnh tranh cao, làm việc chăm chỉ và thông minh. Vậy nên, tôi dành rất nhiều sự tôn trọng cho các công ty xe hơi này”.
Mới đây nhất, chiếc xe năng lượng mới thứ 5 triệu của BYD đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc. Hãng tuyên bố mình là nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu đầu tiên đạt được 5 triệu chiếc xe sử dụng năng lượng mới (gồm xe BEV và PHEV), song điều ấn tượng hơn cả là quãng thời gian mà gã khổng lồ này đạt được cột mốc này.
Công ty cho hay họ mất 13 năm để đạt mốc 1 triệu chiếc NEV nhưng chỉ mất thêm 18 tháng để đạt được con số 3 triệu. Dây chuyền sản xuất của hãng hoạt động hết công suất và chưa có dấu hiệu chậm lại.
“Lợi thế của BYD rất rõ ràng. Pin hiệu suất cao có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh,” Jeff Cai, cố vấn trưởng của JD Power China, nói khi lấy ví dụ một số nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vượt qua Tesla về công nghệ. “Ngoài ra, BYD còn có nhiều sản phẩm và thiết kế hợp thời trang gây được tiếng vang với khách hàng Trung Quốc”.
Trung Quốc là thị trường trọng điểm, song BYD đang mở rộng quy mô hoạt động ra hơn 15 thị trường nước ngoài, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Pháp, Israel, Thái Lan và Ấn Độ. Đối với thị trường châu Âu, BYD có kế hoạch giới thiệu dòng xe Dolphin vào cuối năm nay với mức giá 33.000 USD. Nó cũng có kế hoạch hợp tác với Saga, một trong những đại lý lớn nhất ở Mỹ Latinh, để vận hành ít nhất 100 cửa hàng ở Brazil vào cuối năm nay.
“Sự cạnh tranh về chi phí giữa các nhà sản xuất xe điện rất khốc liệt. Nếu không thể giảm chi phí, bạn sẽ không có lợi thế. Khả năng kiểm soát của BYD đối với chuỗi cung ứng của chính họ là vô song”, Yale Zhang, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight ở Thượng Hải, cho biết.
Để hỗ trợ doanh số bán xe quốc tế, BYD còn đang cho xây dựng một nhà máy EV ở Thái Lan và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm tới. Hãng cũng lên kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Việt Nam và Brazil.
Đến nay, BYD đã sản xuất được hàng chục mô hình. Dòng Dynasty – được đặt tên theo các vị vua trị vì Trung Quốc – chủ yếu đánh vào phân khúc các hộ gia đình trung lưu. Dòng Ocean – đơn giản hơn - chủ yếu thu hút những người dùng trẻ. Bí quyết thành công của BYD nằm ở niềm tin kiên định rằng một ngày nào đó, pin sẽ là nguồn năng lượng thống trị, thậm chí thay thế nhiên liệu hóa thạch cho ô tô.
“Chúng tôi vượt trội so với các đối thủ về mặt công nghệ”, người sáng lập BYD Wang Chuanfu nói khi trả lời Post trong một cuộc họp báo về thu nhập.
Theo: FT, SCMP