Tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ổn định quanh mức 643 USD/tấn và gạo 5% tấm của Thái Lan neo gần mức 646 USD/tấn.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong 8/2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng qua, giá bình quân xuất khẩu gạo đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Đặc biệt, hơn 1 tháng trở lại đây, khi Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo, giá gạo đã tăng mạnh so với thời điểm trước, tác động lớn đến thị trường thương mại gạo thế giới. Giá mặt hàng này của Việt Nam cũng tăng vọt và liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD mỗi tấn so với thời điểm trước lệnh cấm này.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1 năm nay, hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.
Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).
So với các nước xuất khẩu gạo top đầu, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Hiện gạo Việt được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2023, Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với thị phần lần lượt 40,3%, 14% và 12,1%.
Ấn Độ tăng diện tích trồng lúa
Giá gạo cao kỷ lục đã thúc đẩy nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích trồng lúa. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha.
Việc quốc gia sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới trồng lúa nhiều hơn có thể làm giảm bớt mối lo ngại về nguồn cung gạo ở nước này.
Tháng 7, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á), sau khi đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm 2022. Quyết định cấm xuất khẩu loại gạo có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ có thể sẽ làm giảm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Vụ mùa năm nay của Ấn Độ đã phải hứng chịu điều kiện thời tiết bất lợi, với tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 100 năm qua tại nước này, khi lượng mưa giảm 36% so với mức thông thường trong năm nay.
Trong khi Bộ Thương mại Thái Lan cho biết lượng gạo xuất khẩu của nước này tính đến ngày 29/8 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, lên 5,29 triệu tấn.
Theo Ronarong Poolphiphat, một quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan, sự gia tăng xuất khẩu gạo của nước này xuất phát từ tâm lý lo ngại khi hiện tượng thời tiết El Nino gây hạn hán tại nhiều quốc gia và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu gạo đẩy mạnh mua vào để duy trì an ninh lương thực.
VTV.vn - Giá gạo tăng cao đang được xem là cơ hội tốt để nông dân và ngành lúa gạo Việt Nam tăng thêm thu nhập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.62043319030903202-cul-yk-oac-oen-nav-man-teiv-uahk-taux-oag-aig/et-hnik/nv.vtv