Theo kênh Channel News Asia, từ ngày 15-11, Campuchia tăng tốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với du khách đã được tiêm phòng đầy đủ có kết quả xét nghiệm âm tính. Bước đi này nhằm tiến tới mở cửa với thế giới, khôi phục các hoạt động thương mại và du lịch của đất nước chùa tháp. Đây cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên làm như vậy.
Trong khi châu Âu đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ tư và phần lớn thế giới trong đó có nhiều nước Đông Nam Á vẫn đang hạn chế đi lại hoặc thực hiện các biện pháp kiểm dịch kéo dài, việc Campuchia mở cửa trở lại là điều khiến nhiều người ngạc nhiên.
Đến ngày 15-11, tỉ lệ tiêm chủng của Campuchia đạt 88% - đứng thứ 6 trên toàn cầu. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Mặc dù nước này đã có sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn và không sở hữu nguồn lực lớn trong việc ngăn chặn virus và các tác động của nó. Vậy làm thế nào mà Campuchia có thể mở cửa trở lại sớm như vậy?
Chuẩn bị tốt
Thứ nhất, bằng cách hạn chế tối đa các ca nhiễm cộng đồng trong suốt năm 2020, Campuchia đã có nhiều thời gian để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Nước này đã dự trữ khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân thông qua việc mua trực tiếp của chính phủ hoặc nguồn cung cấp từ các quốc gia và tổ chức tài trợ. Đồng thời, một chiến dịch giáo dục cộng đồng đã tạo điều kiện cho người dân hiểu rõ về quá trình lây lan của virus và các biện pháp giãn cách xã hội.
Vào tháng 3, nước này đã công bố một hệ thống mã QR cho tất cả các doanh nghiệp và tổ chức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế đã đóng góp đáng kể vào quá trình chống dịch.
Phủ vaccine
Những điều trên chắc chắn đã có tác động tích cực đến tình hình COVID-19 ở Campuchia. Tuy nhiên, yếu tố chính đằng sau sự mở cửa trở lại của nước này là chương trình tiêm chủng nhanh chóng trên toàn quốc.
Điều này đòi hỏi hai yếu tố: Nguồn cung cấp vaccine và khả năng vận chuyển vaccine. Tính đến ngày 15-11, khoảng 88% toàn bộ dân số Campuchia đã được tiêm chủng - đứng thứ 6 trên toàn cầu. Ở khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ tiêm chủng của nước này chỉ xếp sau Singapore.
Phnom Penh gần đây đã mở lại chiến dịch tiêm bổ sung đợt thứ ba. Đợt tiêm này cũng đã được hoàn tất vào cuối tháng 10.
Campuchia đã nhận được sự tài trợ vaccine đáng kể từ Trung Quốc (6 triệu liều của Sinovac), cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc (AstraZeneca), Mỹ (1 triệu liều của Johnson & Johnson), và một số nước khác.
"Thẻ xanh" của người dân Campuchia. Ảnh: EPA-EFE
Chính phủ Campuchia cũng đã mua gần 30 triệu liều của Sinovac. Đầu tư của Campuchia rõ ràng đã mang lại kết quả. Nước này được trang bị đầy đủ về tài chính để mua các nguồn cung cấp vaccine đáng kể.
Một số người cho rằng thành công của Campuchia chỉ đơn giản là do có sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng điều này không phản ánh đúng thực tế và đánh giá thấp năng lực của nhà nước Campuchia đương thời.
Campuchia đã nhận được 600.000 liều của Sinovac do Trung Quốc tài trợ vào đầu tháng 2 và 324.000 liều từ COVAX vào đầu tháng 3.
Đến ngày 15-3, 1,5 triệu liều của Sinovac đã mua đã được chuyển đến Campuchia và đến giữa tháng 4, gần 1 triệu dân nước này đã được tiêm ngừa.
Chiến dịch tiến hành nhanh chóng, dựa trên mức độ ưu tiên theo công việc (quan chức chính phủ, nhân viên y tế và giáo viên đứng đầu danh sách); và theo vị trí địa lý (ban đầu là Phnom Penh và sau đó nhanh chóng mở rộng đến các tỉnh).
Việc tiếp nhận diễn ra nhanh chóng nhưng được tổ chức tốt. Thời gian và địa điểm tiêm chủng được các quan chức chính quyền địa phương công bố rõ ràng.
Nước này cũng công bố "thẻ xanh" bằng nhựa có kèm mã QR, trong đó ghi nhận ngày tiêm vaccine và loại vaccine đã tiêm. Ban đầu, giới chức lo ngại người dân có thể làm giả thẻ này để ra đường. Tuy nhiên, hiện điều này không còn là mối quan tâm lớn khi tất cả người dân đều đã được tiêm vaccine miễn phí và với tốc độ nhanh chóng.