Sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, đã có những chỉ tiêu, kết quả đạt được như: tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt trên 75%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị) cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh Internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%...
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thanh toán số tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Bình Minh, giảng viên Đại học Thương mại, Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết, thanh toán số và thanh toán điện tử Việt Nam ở trong giai đoạn vừa qua đã có thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch.
"Có thể thấy, số lượng người sở hữu các tài khoản ngân hàng, việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ ứng dụng ở trên mobile như mobile banking đã tăng rất nhanh, đặc biệt là các ví điện tử ở tại Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt. Việc sử dụng QR code để thay cho việc chuyển dữ liệu đã giúp thanh toán trở nên đơn giản và tiện lợi. Vì vậy, số lượng giao dịch sử dụng QR code, mobile banking cũng như ví điện tử đã tăng vọt", ông Minh nói.
Thanh toán số và thanh toán điện tử Việt Nam ở trong giai đoạn vừa qua đã có thời kỳ tăng trưởng bùng nổ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo ông Minh, thanh toán số là khâu then chốt, quan trọng trong việc mở rộng quy mô và tăng tốc thương mại điện tử cũng như các giao dịch số ở tại một quốc gia.
"Nếu thương mại điện tử phát triển nhanh thì số lượng giao dịch sẽ tăng vọt. Vì vậy, nếu thanh toán bằng cách truyền thống thì sẽ dẫn đến bị đình trệ và tốn thời gian, công sức. Do đó, sử dụng thanh toán điện tử có thể mở rộng quy mô nhanh, đồng thời rút ngắn tốc độ. Ngoài ra , mức độ an toàn và mức độ chính xác, cũng như tiện lợi có thể nói là vượt trội so với việc thanh toán sử dụng tiền mặt. Đây là lý do nhiều quốc gia ở trên thế giới đều thanh toán không sử dụng tiền mặt và sử dụng các công cụ thanh toán số. Nhờ vậy, không những hoạt động giao dịch truyền thống được tăng tốc, mà các hoạt động giao dịch ở trong môi trường thương mại điện tử có thể mở rộng quy mô rất lớn", ông Minh nhận định.
Thêm người chơi mới trên thị trường thanh toán số
Đầu tháng 8, Việt Nam trở thành nước thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay (một dịch vụ thanh toán không dây của Apple, hỗ trợ người dùng thanh toán qua iPhone và các thiết bị khác của Apple mà không cần phải mang theo thẻ ngân hàng), sau Malaysia và Singapore.
Giao dịch thanh toán được thực hiện thông qua kết nối gần NFC. Khi đó chiếc điện thoại sẽ có vai trò tương tự như thẻ thanh toán contactless không chạm, vì vậy, nếu bất cứ thiết bị thanh toán nào chấp nhận chạm thẻ thanh toán thì Apple Pay cũng có thể sử dụng được.
"Đối với các điểm thanh toán là các đơn vị bán hàng thì họ sẽ được tích hợp sẵn ứng dụng thanh toán Apple Pay mà không cần phải có bất kỳ sự chỉnh sửa hay đầu tư thêm thiết bị mới nên những tiện ích như vậy cũng sẽ tạo cú hích lớn về số lượng khách hàng, số lượng điểm bán chấp nhận thanh toán và số lượng giao dịch không dùng tiền mặt", Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Tổng Giám đốc VNPAY, cho biết.
Smartphone về cơ bản là một công cụ kết nối trực tiếp giữa máy POS với ngân hàng. Dữ liệu khi giao dịch sẽ được mã hóa và không lưu trên thiết bị. Ưu điểm lớn nhất của cách thanh toán này là không phải xuất trình thẻ và vì vậy nó giảm đáng kể việc lộ lọt thông tin.
Cuộc đua thanh toán số ngày càng nóng
Ví điện tử, Mobile Money và ngân hàng số đang ở một cuộc đua tam mã dành thị phần thanh toán tiêu dùng số tại Việt Nam. Mỗi một nền tảng lại có một cách chinh phục tệp khách hàng của mình.
Chỉ cần chạm là có thể thanh toán xong, các giải pháp thanh toán của các ông lớn công nghệ như: Apple, Google hay Samsung được đánh giá là giúp tiết kiệm thời gian hơn. Nhờ việc các hãng công nghệ có lợi thế về phần mềm và phần cứng, đặc biệt là có thể thanh toán không cần kết nối mạng giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định so với các hình thức thanh toán điện tử khác.
Chính nhờ các hãng công nghệ sở hữu cả phần cứng và hệ điều hành của điện thoại thông minh đã giúp đơn giản hóa quy trình thanh toán điện tử. Như với giải pháp Apple Pay tại Việt Nam, bản chất vẫn là người dùng thanh toán bằng thẻ visa. Tuy nhiên Apple đã giúp rút ngắn thời gian thanh toán chỉ sau vài thao tác trên iPhone. Vì vậy theo Momo, trong tương lai, ví điện tử cũng có thể làm điều tương tự khi hợp tác với các ông lớn công nghệ, như sau vài nút bấm, tài khoản thanh toán trên ví đã có thể hiện ra trên điện thoại, bỏ qua bước người dùng phải trực tiếp mở ứng dụng.
"Từ nay sẽ có những tài khoản ngân hàng hay ví điện tử vào thì các con chip trên điện thoại đấy sẽ lưu lại được mã hóa đấy và user chỉ cần tag thiết bị của mình vào phần mềm thanh toán là có thể thanh toán được, thay vì 3 - 4 chạm hay 4 - 5 bước như hiện tại. Chúng ta giảm thiểu chỉ còn 1 chạm", ông Đỗ Khắc Cường, Phó Giám đốc Ví MoMo, cho biết.
Ngoài mảng kinh doanh dịch vụ thanh toán cho người dùng cá nhân, các trung gian thanh toán như ví điện tử từ lâu cũng đã phát triển mảng kinh doanh giải pháp, cũng thanh toán cho doanh nghiệp. Do đó khi mở giải pháp thanh toán tại Việt Nam, chính Apple, Google hay Samsung cũng cần hợp tác với doanh nghiệp ví điện tử để sử dụng cổng thanh toán sẵn có, từ đó nhanh chóng mở rộng số lượng cửa hàng chấp nhận hình thức thanh toán mới.
Dù thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, nhưng tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn cao, lên đến 70 - 80%. Dư địa thị trường thanh toán điện tử vẫn đủ rộng cho các nhóm doanh nghiệp khác nhau cùng khai thác, trong đó các ví điện tử vẫn có lợi thế sở hữu hàng chục triệu người dùng phổ thông chưa tiếp cận các dịch vụ chung cao cấp như giải pháp thanh toán của các hãng công nghệ mang lại.
VTV.vn - Không chỉ tại các đô thị, mà ngay cả các địa phương vùng cao, người dân cũng đang được thụ hưởng những lợi ích của thanh toán số, chuyển đổi số mang lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.91562132130903202-os-naot-hnaht-aud-couc-gnon/et-hnik/nv.vtv