Hai nước này có nhiều điểm tương đồng, trong đó nổi bật là dân số lớn, đang tăng, và tỉ lệ dân số trẻ chiếm hơn 50%. GDP Ấn Độ tăng 71% trong thập niên qua thì GDP Indonesia tăng 52%.
Từ thực tế Ấn Độ và Indonesia có những điều kiện xã hội tương đối gần gũi với Việt Nam, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về cách thức họ đã và đang làm để khai thông thế mạnh về dân số đông và trẻ.
Dân số trẻ - tài sản lớn của Ấn Độ
Theo trang Worldometer, độ tuổi trung bình của dân số Ấn Độ hiện nay là 28,4, với hơn 65% dân số dưới 35 tuổi. Lực lượng lao động trẻ này nếu phát huy được sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nên đột phá lớn.
"Với Ấn Độ, lợi thế chính của cơ cấu dân số trẻ đang trong độ tuổi lao động là việc những người trẻ có khả năng thích ứng nhanh nhạy và theo kịp thay đổi công nghệ", bà Vidya Mahambare, giáo sư kinh tế học tại Viện quản lý Great Lakes ở TP Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, nhận định với trang The National News.
Ông Saket Gaurav, chủ tịch kiêm CEO của thương hiệu đồ gia dụng và điện tử Ấn Độ Elista, cũng cho rằng "dân số lớn của Ấn Độ là tài sản cho doanh nghiệp. Lượng nhân lực lớn sản xuất và tiêu thụ hàng hóa sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế lớn cho đất nước".
Để gặt hái được thành quả từ lợi thế dân số, việc làm là một trong những bài toán lớn nhất. Cần phải tạo hàng triệu việc làm, và trang bị kỹ năng, kiến thức phù hợp cho chừng ấy người lao động trẻ gia nhập thị trường mỗi năm.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã phát động chiến dịch lớn có tên Make in India, thu hút được nhiều hãng điện tử lớn, các nhà sản xuất linh kiện xe hơi, các công ty dệt may và nhiều doanh nghiệp khác tới đầu tư.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, dược phẩm và công nghệ sinh học mới nổi vẫn tiếp tục là những lĩnh vực hứa hẹn tiềm năng lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư bài bản, chiến lược cho kỹ năng nghề
Bên cạnh chiến dịch Make in India, Chính phủ Ấn Độ cũng triển khai sáng kiến Skill India Mission trên quy mô lớn với mục tiêu trang bị tốt hơn cho lực lượng lao động trẻ để đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Chương trình Pradhan Mantri Kaushal Vikas Yojana (PMKVY) là một trong những chương trình lớn nhất. Chính phủ sẽ đài thọ toàn bộ chi phí đào tạo và phí đánh giá năng lực nghề, nhằm giúp thanh niên ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội có cơ hội được học nghề mong muốn.
Một trong những thành tố quan trọng của PMKVY là sáng kiến Recognition of Prior Learning (RPL - Công nhận những kiến thức đã học). RPL cho phép người lao động đã có kinh nghiệm và kỹ năng có thể tham dự kỳ thi đánh giá và sẽ được cấp chứng chỉ nếu đủ điều kiện.
Cũng trong khuôn khổ Skill India Mission, Ấn Độ còn hợp tác với các nước (như Nhật Bản) trong việc cùng tổ chức các chương trình đào tạo nghề, hay hợp tác với các quân chủng như Hải quân, Không quân, Lục quân để phát triển kỹ năng nghề chuyên biệt liên quan tới các lĩnh vực này.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, lực lượng lao động lớn nhất và trẻ nhất thế giới của Ấn Độ chỉ có 5% được đào tạo.
"Nếu chỉ lao động không thôi thì không thể đưa nền kinh tế của chúng ta lên cấp độ khác được", ông Poshak Agrawal - đồng sáng lập Công ty Athena Education, đơn vị hỗ trợ sinh viên tìm kiếm các cơ hội được học tập tại các trường đại học chất lượng cao - nhấn mạnh.
"Việc tuyển dụng đang trở thành thách thức với nhiều tổ chức khi mà tại nhiều trường đại học ở Ấn Độ, giáo dục vẫn còn thiên nhiều về lý thuyết và thiếu hoạt động học tập trải nghiệm".
Hiện tại chương trình PMKVY 4.0 đang được triển khai trên toàn Ấn Độ với mục tiêu giúp thanh niên địa phương có nhiều cơ hội học việc hơn nữa tại các tổ chức và doanh nghiệp ngay tại nơi cư trú.
Với tất cả những nỗ lực này, trong năm 2022, Ấn Độ đã giành vị trí thứ 11 trong cuộc thi kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills Competition 2022 - WSC 2022), tăng 2 bậc so với vị trí 13 của họ ở đợt thi trước vào năm 2019.
Indonesia: Dân số trẻ và áp lực cải cách
Indonesia là quốc gia lớn nhất tại Đông Nam Á cả về dân số cũng như quy mô kinh tế. Theo dữ liệu thống kê dân số của Liên Hiệp Quốc, sự chuyển dịch về nhân khẩu học của xứ vạn đảo cũng đang trên đà phù hợp hơn với sự tăng trưởng kinh tế trong khoảng 30 năm tới.
Báo Jakarta Post nhận định Indonesia đang được hưởng ưu thế từ "lợi tức dân số" khi số dân trong độ tuổi sinh sản chiếm tỉ lệ lớn nhất và cơ cấu nhân khẩu học này sẽ còn duy trì cho tới năm 2030. Nhóm Millennial (có năm sinh từ 1981 - 1996) và nhóm Gen Z (ra đời trong giai đoạn 1997 - 2012) hiện chiếm khoảng 54% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia.
Hai nhóm trẻ này cũng sẽ chiếm hơn 50% số cử tri đi bầu năm 2024, là nhân tố có thể tạo ra những thay đổi lớn với chính trị Indonesia, quốc gia được đánh giá sẽ vươn lên là 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045 với điều kiện nắm bắt và thích ứng nhanh chóng với sự chuyển đổi số.
Dù vậy, với khoảng 60% dân số Indonesia tập trung tại hai đảo Java và Sumatra, Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia (BKKBN) Indonesia thừa nhận đây là vấn đề rất thách thức cho các nhà hoạch định chính sách.
Việc thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng của Tổng thống Widodo được đánh giá là bước đi đúng hướng. Vào đầu năm 2020, ông Widodo cũng đã cải cách luật lao động, giúp mở cửa hơn nữa nền kinh tế sau báo cáo của Ngân hàng Thế giới bày tỏ những lo ngại về mức độ kém hấp dẫn FDI của Indonesia trong bối cảnh nhiều tập đoàn quốc tế đang muốn di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Những bước đi này được cho là sẽ giúp Indonesia tận dụng và phát huy ưu thế dân số để thu hút FDI sản xuất. Theo nghiên cứu công bố tháng 8-2022 trên trang Carnegie Endowment, chiến lược phát triển FDI sản xuất của Indonesia sẽ giống như "1 mũi tên bắn… 5 con chim": giúp tạo nguồn tài chính ổn định cho các công xưởng mới thay vì chờ đợi nguồn đầu tư kém ổn định hơn từ chứng khoán; giúp đa dạng hóa nguồn thu; giúp đưa những tiến bộ công nghệ nước ngoài vào Indonesia; giúp tiếp cận được nhiều hơn với các thị trường ngoài nước; giúp Indonesia tăng thêm tỉ lệ đóng góp trong các mặt hàng xuất khẩu giá trị gia tăng cao, nâng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Erick Thohir - bộ trưởng doanh nghiệp nhà nước của Indonesia, cũng là ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Ý Inter Milan - cho rằng những cải cách cơ chế là nhu cầu rất cấp thiết nếu Indonesia muốn tạo đủ công ăn việc làm.
"Dân số 270 triệu của Indonesia phần lớn là người trẻ. Nếu họ không có việc làm sẽ gây ra các vấn đề lớn cho khu vực", ông Thohir nói. Nhiều chuyên gia chia sẻ với góc nhìn này, cho rằng việc chậm chạp trong cải cách giáo dục cũng như trong tạo việc làm có thể khiến Indonesia vuột mất cơ hội khai thác thế mạnh dân số.
Những cuộc đời thay đổi nhờ Skill India Mission
Chị Preeti A Hinge, một phụ nữ trước đây chỉ quanh quẩn với việc nội trợ, giờ đã có thể thỏa nguyện mơ ước làm chủ một cửa hàng đồ nội thất tại làng Gondbori, huyện Nagpur, bang Maharasha.
Thông qua khóa đào tạo nghề của Viện Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ quốc gia (NIESBUD), chị đã được trang bị những kỹ năng kinh doanh cần thiết và bước vào công việc mơ ước với sự ủng hộ của gia đình.
Tương tự, anh Kavi, một cư dân sống ở quận Udham Singh Nagar, bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, và cả gia đình từng rơi vào cảnh túng quẫn khi cha anh gặp tai nạn và bị liệt. Sau một thời gian trầy trật thất nghiệp, anh Kavi tham gia một khóa học may.
Bất chấp những định kiến xã hội về giới, anh kiên trì theo đuổi việc học và khám phá niềm đam mê với nghề may. Cùng với quyết tâm và sự chăm chỉ, giờ đây anh đã có được tiệm may riêng và thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Trang MarketWatch của Mỹ cho rằng dân số Ấn Độ đã vượt Trung Quốc vào ngày 14-4. Nhiều tổ chức quốc tế trước đó đã dự báo viễn cảnh này.