Hàng nghìn cây sâm quý bị chúng cắn phá dữ dội từ hạt, củ gây thiệt hại nặng nề. Người trồng sâm mất ăn mất ngủ, trắng đêm canh giữ.
Kẻ trộm đáng ghét
"Đêm đến, lũ chuột tràn vào vườn, hết ăn hạt rồi cắn ngang thân, xới cả củ ăn, khiếp lắm. Có người sáng ra thấy nó cắn phá cả vườn, tiếc của đến bật khóc" - anh Hồ Văn Phương, một chủ vườn sâm ở thôn 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, ngậm ngùi nhắc đến những tên trộm sâm đáng ghét. Chỉ sau vài đêm, hàng trăm cây sâm Ngọc Linh lớn nhỏ của anh bị chuột tràn vào vườn cắn phá.
Độ tháng 7, tháng 8 hằng năm, sâm Ngọc Linh ra hoa, kết từng chùm hạt chín mọng. Và đây là món ăn khoái khẩu của loài chuột vàng, người dân hay gọi là chuột sâm, chỉ to hơn ngón chân cái, có bộ lông màu vàng tuyệt đẹp, nhanh nhẹn, bật nhảy tanh tách.
Người trồng sâm ở đỉnh Ngọc Linh nói rằng lũ chuột không bao giờ ngủ, chỉ cần một chút lơ đễnh không có người canh gác là lập tức từng đàn sẽ nhảy từ trên cây xuống, rồi từ dưới lớp lá mục dưới đất chui lên tràn vào vườn. "Những tên trộm ấy thật đáng ghét", anh Phương kể nỗi bực tức với thủ phạm đã phá hoại hơn 400 cây sâm vườn nhà mình.
Anh nhớ đêm đầu tiên lũ chuột tràn vào vườn ăn những chùm hạt, chỉ chừa lại lớp vỏ. Rồi hai ba đêm sau đó, chúng tiếp tục tấn công cây sâm giống chừng 1-2 năm tuổi, cắn đứt ngang thân, mỗi đêm khoảng 100 cây nằm la liệt. Lũ chuột còn quật cả củ sâm dưới đất lên ăn.
Không chịu nổi, cả gia đình anh ngay trong đêm phải ra vườn nhổ hết sâm tập kết trồng một chỗ rồi dùng lưới bọc kỹ càng. Mỗi hạt sâm giá hơn 100.000 đồng, cây sâm giống một tuổi 300.000 đồng, hai tuổi 600.000 đồng. Sau vài đêm bị chuột phá hoại, vườn sâm mất ngót 300 triệu đồng.
"Nhắc đến lũ chuột mà khiếp" - anh Hồ Văn Chiến, một chủ vườn bị chuột cắn phá hàng chục cây sâm, nói. Anh kể những năm trước chuột cắn phá nhưng ít, năm nay không biết sao mà nhiều vậy. Các vườn trồng sâm ít thì vài chục cây, có vườn hàng trăm cây. Ở chốt trồng sâm của anh gồm 14 hộ, hầu như vườn nào cũng bị chuột xới tung.
"Gia đình vay ngân hàng đầu tư vườn sâm, nhưng chuột cắn phá vậy, coi như mùa này mất trắng", anh buồn bã.
Không chỉ vườn sâm của dân mà những doanh nghiệp đầu tư tiền tỉ trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh cũng đau đầu với nạn chuột hoành hành. Vườn sâm rộng hơn 10ha tại xã Trà Nam của ông Trương Đình Kiểm, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển dược liệu Win Win, chỉ sau vài đêm mà hơn 2.000 gốc sâm bị chuột cắn phá.
Ông phải mua 100kg lưới ở thành phố đem lên nhờ người dân bản địa gùi đến vườn để bọc xung quanh nhằm ngăn lũ chuột đột nhập cắn phá. "Trồng sâm cực lắm mà lũ chuột ác quá, vườn tôi chúng phá mất cũng bạc tỉ", ông than thở.
Theo ông Hồ Văn Dang, phó chủ tịch UBND xã Trà Linh, gần một tháng qua các vườn sâm ở ba thôn bị nạn chuột phá hoại dữ dội, tạm thống kê sơ bộ hơn 5.000 cây sâm bị cắn phá, thiệt hại tiền tỉ.
"Đó mới chỉ là sơ bộ, còn nhiều lắm, kể cả vườn sâm của những doanh nghiệp mà chúng tôi chưa thống kê hết. Riêng vườn của tôi bị chúng ăn gần 2.000 hạt sâm, nhiều cây sâm giống cũng bị cắn. Gia sản của mình bị mất, xót lắm. Toàn xã có 64 chốt trồng sâm, nhưng hầu như vườn nào ít nhiều cũng bị "ông Tý" ăn trộm", ông nói.
Cả đêm người chơi trò mèo đuổi chuột
Để đối phó với lũ chuột, người Xê Đăng ở đỉnh Ngọc Linh dùng mọi cách và cách truyền thống là đặt bẫy. Từ bẫy đá, bẫy kẹp đến bẫy dây treo lơ lửng trên gốc cây, mỗi vườn đặt hàng chục chiếc bẫy bắt chuột. "Nhưng cũng không ăn thua vì chuột nhỏ, đặt bẫy không dính", anh Phương nói.
Người dân cũng dùng lưới nhựa, thép, bạt ni lông bọc quanh vườn, giã ớt làm dung dịch phun, đốt lửa tạo khói, nhưng cũng chẳng ăn thua với lũ chuột mà người dân gọi là rất khôn, chúng không sợ mà càng phá dữ dội. "Hết cách, chúng tôi phải trắng đêm canh giữ, y như người chơi trò mèo đuổi chuột", anh Phương nói.
Anh kể hằng đêm từ chạng vạng tối là những người trong gia đình ra vườn, len lỏi vào từng luống sâm cầm đèn pin rọi khắp nơi. Loài chuột rất thính và nhanh, chúng đột nhập vào vườn ban đêm. Mình phải đi nhẹ, nói khẽ, nghe tiếng động là đuổi bắt, đập cho bằng được để chúng sợ không cắn phá sâm.
"Cả tháng nay, từ khi đám quả bắt đầu chín mọng, ban đêm mọi người trong gia đình không lúc nào được ngủ. Đêm nào cũng phải lọ mọ cầm đèn pin rọi khắp vườn sâm tới sáng mới về", anh Phương mệt mỏi.
Theo ông Kiểm, công ty phải cho nhân viên nghỉ ngơi ban ngày, dành sức tối thức trắng chiến đấu với lũ chuột. "Cách hiệu quả nhất là đuổi bắt nó cả đêm. Vườn tôi ngoài bọc lưới xung quanh, khi phát hiện chuột thì đuổi bắt, đập chết, từ đó những con chuột khác sẽ sợ không dám bén mảng", ông kể.
Đêm xuống, đỉnh Ngọc Linh mưa lạnh. Một tốp nhân viên công ty sau bữa cơm tối chia nhau len lỏi vào các luống sâm, trên tay họ là đèn pin và cây gậy. "Suỵt, đừng nói, chúng thính lắm" - anh Lê Hồng Linh, nhân viên vườn sâm, nói khẽ.
"Có chuột kìa", một người hét lên rồi cả nhóm nhảy vào đuổi đập lũ chuột. Và cứ thế đêm này qua đêm nọ, họ lại trắng đêm chơi trò mèo đuổi chuột, sáng ra ai cũng mệt rã người.
"Công ty đầu tư hệ thống camera, khi chuột xuất hiện sẽ thấy đốm sáng từ mắt nó phát ra là nhân viên vườn chạy ra đập. Mong sao ít ngày nữa sâm rụng lá, ngủ đông, giảm thiểu được nạn chuột phá phách chứ không thì phải đối phó bằng cách thức trắng đêm như vậy khổ quá", ông Kiểm tâm sự.
Ông Trần Duy Dũng, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nói rằng thời gian qua các vườn sâm bị chuột cắn phá nhiều gây thiệt hại lớn cho người trồng sâm. Khu vực trồng là rừng núi, chuột sinh sản nhiều, cách duy nhất là mỗi người dân phải tự bảo vệ vườn, rào chắn cẩn thận, thường xuyên cắt cử người canh giữ vào ban đêm.
"Huyện không cho phép chuyện dùng thuốc diệt chuột vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường rừng, cây sâm", ông Dũng nói.
Kẻ trộm thành... đặc sản trên mâm
Dù chuột phá hoại sâm như vậy, nhưng đối với người Xê Đăng, một nguyên tắc bất di bất dịch là không sử dụng thuốc diệt chuột. Bởi chỉ cần đặt thuốc ở các luống sâm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, nguồn nước, vô tình giết chết cả một vườn sâm do đặc tính nguyên thủy của loài thảo dược đặc biệt này.
Một lý do nữa để không dùng thuốc, theo ông Hồ Văn Dang, loài chuột ăn sâm là đặc sản của người bản địa vùng núi Ngọc Linh. Chuột chuyên ăn sâm, sống trên cây nên thịt rất sạch. Khi bắt được, người dân chế biến thành món ăn khoái khẩu. Cũng theo ông Dang, trẻ em ở làng được ông bà dạy cho cách làm bẫy chuột để bảo vệ sâm, vừa lấy thịt để ăn.
Phiên chợ tiền tỉ sâm Ngọc Linh ở thủ phủ sâm Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại lập những kỷ lục mới về giá khủng. Có những người dân cuốc bộ đeo gùi tới chợ với củ sâm có giá có thể mua được chiếc ô tô, căn nhà.