Ngày 5-9, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý thiết lập “cơ chế troika” - cơ chế gồm 3 chủ tịch (nhiệm kỳ trước, hiện tại và sắp tới) của khối cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, theo kênh Channel NewsAsia.
Ý tưởng về cơ chế được đưa ra tại cuộc họp ngày 5-9 của các lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.
Nói với phóng viên sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết các lãnh đạo ASEAN đã nhắc lại sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực ở Myanmar, nhất trí thiết lập cơ chế troika để quản lý cuộc khủng hoảng một cách liên tục.
“Bởi vì mọi người đều hiểu rằng tình hình không thể thay đổi trong một năm. Và vì cam kết của ASEAN trong việc liên tục giúp đỡ người dân Myanmar, việc thực hiện troika là cần thiết” - theo bà Marsudi.
Lãnh đạo các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong phiên họp ngày 5-9 tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: AFP |
Bà Marsudi nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng tái khẳng định vai trò của Đồng thuận 5 điểm trong việc giải quyết khủng hoảng Myanmar.
Nữ bộ trưởng cũng xác nhận thông tin Philippines sẽ đảm nhận chức chủ tịch ASEAN năm 2026 của Myanmar.
Nhận xét về cơ chế troika, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nó sẽ “cho phép ASEAN tiếp tục chương trình nghị sự quan trọng của mình, bất chấp tình hình khó khăn ở Myanmar”.
Ngoài ra, ASEAN ngày 5-9 cũng ra tuyên bố cho biết khối ủng hộ mọi nỗ lực của các quốc gia thành viên phối hợp với nhóm chủ tịch để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar phù hợp với Đồng thuận 5 điểm.
Nếu troika chính thức có hiệu lực từ năm nay, nhóm chủ tịch sẽ gồm Campuchia (chủ tịch ASEAN 2022), Indonesia (chủ tịch hiện tại) và Lào (chủ tịch ASEAN 2024).