Đất sét được ngành công nghiệp ô tô sử dụng trong quá trình sản xuất, ở khâu chế tạo mô hình để đánh giá và hoàn thiện các thiết kế đã chọn. Tương tự, đất sét cũng được sử dụng trong các dự án sinh viên của ngành giao thông.
Tất cả những người từng thử làm mô hình ô tô, dù với bất cứ vật liệu nào, đều biết rằng việc tái tạo các đường nét của ô tô rất khó, đặc biệt nếu không được đào tạo bài bản. Bất chấp những điều này, Clay Cars Creator đã tạo ra các "siêu phẩm" sau một thời gian luyện tập.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của YouTuber có thể kể đến Toyota AE86, một số mẫu BMW (mới nhất là BMW X5 M), Porsche 911, Tesla Cybertruck và chiếc xe tải GAZelle Next.
Mô hình Porsche 911 được tạo dựng rất chi tiết - Ảnh: Clay Cars Creator
Trong đó, chiếc xe tải tốn 52 giờ làm việc để hoàn thành, nhưng kết quả rất mỹ mãn, dù YouTuber chỉ sử dụng ảnh có được làm tài liệu tham khảo. Mô hình cực kỳ chi tiết, từ lớp sơn, bộ đèn, cabin, khoang động cơ và gầm xe.
Những người chế tạo mô hình ô tô khác sẽ đặt tác phẩm hoàn thiện lên kệ và chuyển sang dự án tiếp theo. Nhưng Clay Cars Creator thì khác, khi anh quyết định… phá xe.
Khác với xe thật, ô tô mô hình hay ô tô đồ chơi làm từ nhựa và kim loại không dễ phá hủy, do quá nhỏ, nhẹ và cứng, khó tái tạo lại cảnh va chạm trong thực tế.
Tuy nhiên, với ô tô mô hình bằng đất sét, Clay Cars Creator có thể dàn dựng các vụ thử nghiệm va chạm của EuroNCAP hay IIHS một cách chân thực nhất. Từ vật nặng rơi trúng xe cho đến những vụ va chạm phổ biến, tất cả cho người xem thấy được một khi lái xe không cẩn thận sẽ phải gánh chịu hậu quả gì.
Trong gần 100 năm qua, các nhà sản xuất đã sử dụng mô hình đất sét trong quá trình thiết kế phát triển ôtô. Nhưng với công nghệ hiện đại ngày nay, tại sao kỹ thuật này vẫn được tồn tại?