Hè 2023, Hàn Quốc rúng động bởi loạt tội ác, khởi đầu là vụ tấn công bằng dao ngày 21/7 gần ga Sillim, Seoul, khiến một người thiệt mạng và ba người bị thương. Thủ phạm tên Jo Seon, 33 tuổi, cho biết muốn "làm người khác đau khổ giống mình".
Ngày 3/8, người đàn ông 22 tuổi tên Choi Won-jong lái ôtô tông vào người đi bộ gần ga Seohyeon ở Bundang, tỉnh Kyunggi. Sau khi nổ lốp, anh ta lao ra ngoài dùng dao tấn công người qua đường, sát hại hai người và làm bị thương 12 người khác.
Sau những tội ác này là hàng loạt lời đe dọa giết người ngẫu nhiên trên mạng, khiến cảnh sát phải mở cuộc truy lùng tác giả các bài đăng ẩn danh.
Truyền thông địa phương gọi những vụ việc gần đây là tội ác "vô cớ", do không có động cơ hoặc mối liên hệ rõ ràng giữa thủ phạm và nạn nhân. Cả Jo và Choi đều không biết danh tính nạn nhân và không hề quan tâm đến họ. Sự ngẫu nhiên trong việc lựa chọn mục tiêu ngụ ý rằng bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân.
Chính quyền và các chuyên gia đang tập trung tìm hiểu tại sao một số người hành động cực đoan như vậy và tại sao việc này dường như đang trở nên phổ biến hơn.
Kim Jin-hyeok, giáo sư khoa học cảnh sát tại Đại học Kyungnam, trong nghiên cứu về các loại tội phạm ngẫu nhiên và biện pháp đối phó đã cho rằng: "ích tụ tức giận và căng thẳng tột độ khiến mọi người có xu hướng ổn định tâm lý bằng cách trút giận lên người khác. Khi không thể tìm được mục tiêu thích hợp để giải tỏa cơn giận, họ sẽ thực hiện hành vi bạo lực thể xác đối với những cá nhân không xác định.
Ông chỉ ra những người bị cô lập về mặt xã hội thường bị cuốn vào thế giới riêng trong việc xử lý những suy nghĩ tiêu cực, mất khả năng suy nghĩ khách quan, điều này có thể dẫn cơn giận của họ đi sai hướng.
Trong vụ đâm dao ở Sillim, nghi phạm Jo cho biết tức giận vì cảm thấy thua kém những người đàn ông khác, trong khi Choi khẳng định là nạn nhân bị một nhóm chưa rõ danh tính theo dõi.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy 21,9% tội ác "vô cớ" xảy ra vì thất vọng và tức giận với hoàn cảnh hiện tại, gia đình hoặc xã hội. Trong 43,9% vụ án, thủ phạm không có biểu hiện rối loạn tâm thần rõ ràng hoặc không có nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến hành động của họ, nhưng họ đều ấp ủ sự bất mãn với xã hội.
Những vụ phạm tội nghiêm trọng gần đây xảy ra trong bối cảnh tội phạm bạo lực ở Hàn Quốc ngày càng giảm. Thống kê của cảnh sát cho thấy số vụ giết người giảm từ 905 vụ năm 2017 xuống còn 641 vụ năm 2021, so với dân số hơn 51 triệu người. Số tội phạm bạo lực, bao gồm cướp và bạo lực tình dục, cũng giảm từ 27.274 xuống 22.476 trong cùng kỳ.
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) xếp Hàn Quốc vào nhóm quốc gia có thứ hạng thấp nhất về số vụ giết người, với 0,5/100.000 người vào năm 2021. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, cảnh sát Hàn đã giải quyết 96,7% vụ giết người vào năm 2021, so với khoảng 50% ở Mỹ.
Tính đến năm 2022, có hơn 1,6 triệu camera giám sát được lắp đặt bởi các tổ chức công trên toàn quốc, và vô số camera tư nhân khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần có cách tiếp cận mới đối với những "tội ác vô cớ".
Khi Choi lao xe vào đám đông và dùng dao tấn công những người qua đường vô tội, mọi hành động của anh ta đều bị camera an ninh ở Bundang, một trong những khu vực giàu có nhất bên ngoài Seoul, ghi lại. Vụ tấn công Sillim cũng được ghi lại trên camera an ninh trong khu vực.
Những cuộc tấn công này cho thấy rằng số lượng camera giám sát nhiều và tỷ lệ giải quyết các vụ giết người cao chỉ có thể giúp ngăn chặn bạo lực bùng phát. Chuyên gia cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn về yếu tố xã hội và các vấn đề góp phần vào sự gia tăng gần đây của tội phạm có động cơ bất thường để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.
Tuần trước, truyền thông địa phương đưa tin Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul biên soạn một báo cáo phác thảo các chiến lược giải quyết tội phạm có động cơ bất thường, dựa trên phân tích được thực hiện bởi các nhà lập hồ sơ tội phạm. Điều này bao gồm các hướng dẫn để xác định mối đe dọa tiềm ẩn và sử dụng kỹ thuật lập hồ sơ để đánh giá thủ phạm đằng sau những vụ việc như vậy.
Tại cuộc họp Nội các vào tuần trước, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ sẽ cơ cấu lại lực lượng cảnh sát nhằm tối đa hóa chức năng duy trì trật tự công cộng, trong đó, kế hoạch trang bị vũ khí phi sát thương cho cảnh sát đã được thông qua. Nhiều camera an ninh sẽ được lắp đặt ở công viên, đường phố và không gian công cộng. Cảnh sát sẽ tuần tra thường xuyên hơn.
Một nghiên cứu của Yoon Jeong-sook, nhà nghiên cứu của Viện Tội phạm và Tư pháp Hàn Quốc, cho thấy 75% thủ phạm của những tội ác này có tiền án. Yoon nhấn mạnh rằng giáo dục về kỹ năng hòa nhập xã hội và phương pháp điều trị tâm lý là cần thiết đối với tội phạm mắc chứng rối loạn chống đối xã hội, thay vì chỉ nhốt họ trong tù thời gian dài.
Tuệ Anh (Theo Korea Herald)
Xem thêm: lmth.3479464-gnoud-auig-o-oad-mad-oc-ov-iougn-ueihn-oas-iv/ten.sserpxenv