Tiềm năng lớn từ cà phê xứ lạnh
Theo báo Lao Động, đề án trồng cà phê xứ lạnh tại tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện từ năm 2013 tại các huyện miền núi như Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông. Đến nay toàn tỉnh Kon Tum đã trồng gần 5.000ha cà phê xứ lạnh và dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích do giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ mà loại cà phê này mang lại.
Tại các xã gần với thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) như Đăk Tăng, Măng Bút, Măng Cành, nhiều người dân địa phương trồng giống cà phê xứ lạnh dưới tán rừng. Khí hậu miền núi lạnh, sương mù, thổ nhưỡng tốt nên cây cà phê nhanh phát triển.
Anh A Lành, người dân xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) cho biết: “Cà phê xứ lạnh dòng Arabica chỉ trồng được một số nơi có độ cao như tỉnh Lâm Đồng và một số huyện ở Kon Tum, cán bộ nông nghiệp cấp phát giống hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, không dùng phân hoá học. Các lớp lá, cây mục của rừng già rụng xuống vườn cà phê sẽ ủ, tạo thành phân giúp cây đủ chất dinh dưỡng”.
Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Khang Nông, một trong những đơn vị có diện tích trồng càphê xứ lạnh lớn tại huyện Kon Plông, với 20ha cà phê Arabica dòng THA1 và Catimor 5 năm tuổi, mỗi năm công ty thu về gần 4 tỷ đồng.
Ông Đặng Mậu Nghĩa, công nhân kỹ thuật phụ trách mảng sản xuất cà phê của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Khang Nông cho biết, toàn bộ diện tích cà phê của công ty đều được trồng hữu cơ, chất lượng cao nên năng suất cao, đạt 200 tấn cà phê tươi mỗi năm.
Ngoài ra, chất lượng thơm ngon hơn rất nhiều so với cà phê robusta nên giá trị cũng cao hơn.
"Hiện, cà phê Arabica tươi của công ty luôn được mua với giá từ 17.000-17.500 đồng/kg. Với giá trị kinh tế cao, công ty cũng đang hướng đến mở rộng thêm nhiều diện tích cà phê xứ lạnh nữa để nâng cao hiệu quả kinh tế," ông Đặng Mậu Nghĩa chia sẻ với Vietnam+.
Còn ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vị Trí Vàng cho biết hiện tập đoàn đang sở hữu thương hiệu Café de Măng Đen. Thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen đã và đang được người tiêu dùng trong nước biết đến, sử dụng nhiều hơn.
Lấy ví dụ, cửa hàng bán cà phê của doanh nghiệp này tại Hà Nội đang thu hút khoảng 1.000 khách hàng mỗi ngày. Nhờ đó, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho doanh nghiệp.
"Hiện nay, chúng tôi đang bán cà phê xứ lạnh thành phẩm với giá 500.000 đồng/kg, kỳ vọng sẽ tăng lên khoảng 1,6 triệu đồng/kg vào năm sau. Khi giá cà phê thành phẩm tăng, chúng tôi cũng sẽ tăng được giá thu mua vào cho bà con, có thể lên đến 50.000 đồng/kg.
Nếu có quỹ đất, dự kiến chúng tôi sẽ phát triển lên 500ha cà phê xứ lạnh tại huyện Kon Plông vào năm 2030; trong đó có 50% trồng theo phương pháp Organic, hướng đến xuất khẩu," ông Trần Văn Quỳnh cho biết thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, diện tích cà phê Arabica trên địa bàn phát triển tốt, sản lượng và năng suất ổn định, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn so với dòng cà phê Robusta. Cà phê xứ lạnh đang được tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng thương hiệu, trở thành mặt hàng nông sản chủ lực tại vùng trồng và đặc sản của địa phương.
Tăng diện tích trồng, đẩy mạnh đầu tư
Theo Vietnam+, cà phê xứ lạnh Kon Tum đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 27138/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 383666 (CÀPHÊ XỨ LẠNH KON TUM ARABICA COFFEE).
Dù vậy, ông Bùi Đức Trung, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Kon Tum, cho rằng cà phê xứ lạnh Kon Tum hiện sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; một số diện tích trồng trong các hộ dân ít được đầu tư chăm sóc, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật dẫn đến vườn cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp.
Ngoài ra, một số hộ dân hiện nay có tập quán thu hái cà phê xứ lạnh khi quả còn xanh; thu hoạch "suốt" toàn bộ một lần dẫn đến chất lượng sản phẩm cà phê xứ lạnh chưa đảm bảo.
Theo thông tin trên CTTĐT tỉnh Kon Tum, để phát huy đúng tiềm năng, lợi thế tại những địa bàn phù hợp phát triển cây cà phê xứ lạnh, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 1228-KL/TU về chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu là phát triển cây cà phê xứ lạnh/cà phê chè (coffee arabica) trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình canh tác, cải tạo, phục hồi và phát triển diện tích vườn cây đạt 5.000 ha. Trong đó, khoảng 80% diện tích trồng theo mô hình cà phê sinh cảnh, cà phê sinh thái, cà phê tuần hoàn và cà phê hữu cơ; năng suất cà phê nhân đạt bình quân 18,5 tạ/ha; nâng cao tỉ lệ thu hoạch cà phê chín trên 80%; hình thành ít nhất 03 chuỗi giá trị cà phê chè gắn với phát triển thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”; giá trị sản lượng bình quân trên 80 triệu/ha.
Đến năm 2030: Tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh; phát triển diện tích vườn cây đạt 7.000 ha. Trong đó, khoảng 2.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn (UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian và VietGAP...); thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sâu; nâng năng suất cà phê nhân đạt 20 tạ/ha; giá trị sản lượng bình quân 100 triệu/ha; phấn đấu 100% các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.
"Để thực hiện kết luận về phát triển càphê xứ lạnh của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chăm sóc, cải tạo phục hồi vườn cây hiện có và mở rộng diện tích trồng mới; xây dựng bản đồ nông hóa-thổ nhưỡng để xác định vùng phát triển cà phê xứ lạnh phù hợp…
Đặc biệt, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và xuất khẩu cà phê xứ lạnh; xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…gắn với khai thác Nhãn hiệu 'càphê xứ lạnh Kon Tum'," ông Bùi Đức Trung khẳng định.
Về phía các địa phương, ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân, tuyên truyền, vận động bà con phục hồi, chăm sóc những diện tích đã có, huyện sẽ sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng như nguồn ngân sách của huyện gắn với triển khai Đề án Phát triển Càphê xứ lạnh.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông cũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ phát triển được 2.000ha cà phê xứ lạnh; trong đó chú trọng phát triển tại 6 xã vùng lạnh của huyện.
Đặc biệt, sẽ hình thành các chuỗi liên kết và các vùng cà phê lớn, diện tích từ 50ha đến hơn 100ha để quy hoạch vùng trồng cà phê lớn.
Minh Hoa (t/h)