Sáng 6/9, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tư pháp năm 2023, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết bên cạnh số vụ nhận hối lộ, số vụ tham nhũng, chức vụ phát hiện cũng tăng 71%. Trong số này có hơn 68 vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ đang được điều tra tại Cục Đăng kiểm và hơn 100 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cả nước. Hay vụ án tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An và một số tỉnh, thành phố.
Lý giải việc này, nhóm nghiên cứu cho rằng công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao nên số vụ bị phát hiện tăng mạnh.
Tuy nhiên, thực trạng này cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước còn hạn chế ở một số lĩnh vực hay xảy ra tiêu cực như đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công; đấu giá quyền sử dụng đất hay thực hiện các chủ trương, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch bệnh... Lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phiếu lý lịch tư pháp còn nhiều sở hở, dễ bị trục lợi. Một số hành vi vi phạm kéo dài trong nhiều năm nhưng không kịp thời phát hiện.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, mua bán hóa đơn VAT được đánh giá đang gia tăng với nhiều thủ đoạn. Một số vụ giá trị mua bán lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thất thoát lớn cho Nhà nước. "Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước gây về lĩnh vực này vẫn nhiều còn nhiều bất cập", nhóm nghiên cứu nhận xét.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sai phạm trong các vụ án hầu hết liên quan người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, vấn đề cần đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền; kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện quy định của pháp luật tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng tài sản công; rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe...
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Ủy viên Ủy ban Tư pháp) bày tỏ lo ngại khi tội phạm tham nhũng, chức vụ và nhận hối lộ tiếp tục tăng trong khi Đảng, Nhà nước xử lý rất mạnh tay. "Vấn đề đặt ra là chúng ta làm mạnh hay do tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn pháp luật?", ông Mai nói.
Theo ông, cơ quan chức năng cần rà soát quy định pháp luật, xem có phải chế tài chưa đủ sức răn đe không; xem xét sửa luật, quy định về hình phạt với các loại tội phạm này. Dẫn ví dụ ở Singapore, ông Mai cho biết nước này đã tăng nặng hình phạt với một số hành vi phạm tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế. Và đây là xu thế chung của nhiều nước phát triển trên thế giới - tăng khung phạt để đủ sức răn đe.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Ủy viên Ủy ban Tư pháp) nói số vụ nhận hối lộ tăng 312% là vấn đề rất nhức nhối. Ông băn khoăn "có phải đây là vùng cấm mà trước đây chưa sờ vào" và những trường hợp "không dám đụng" bây giờ mới bị phát hiện. Từ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực và ban chỉ đạo cấp địa phương, những vụ việc này mới được đưa ra ánh sáng.
Dẫn chứng vụ án Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, ông nói: "Quà cảm ơn gì mà nhiều như thế, hàng triệu đô la. Vậy những người này có phải vào cơ quan nhà nước để ăn hối lộ".
Ông cho rằng mấu chốt trong đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực vẫn là cải cách hành chính, công tác cán bộ và làm sao để giáo dục đạo đức, lối sống. Quan điểm này cũng trùng với đề nghị từ nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về việc cần đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.
Xem thêm: lmth.6589464-3202-man-gnort-nal-3-gnat-neih-tahp-ib-ol-ioh-nahn-uv-os/ten.sserpxenv