Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ điều này tại cuộc gặp với hơn 200 điển hình chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi gắn bó với các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TP.HCM 30 năm qua vào ngày 6-9 tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM).
"Làm dân tin, ở dân thương, đi dân nhớ"
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói trước giờ đã quen với cách gọi "bộ đội Cụ Hồ", nhưng khi đi thăm sinh viên tình nguyện, ông từng được nghe già làng trưởng bản nhiều nơi gọi "sinh viên Bác Hồ".
Điều này là niềm tự hào lớn của bao thế hệ sinh viên, thanh niên, càng cảm nhận sâu sắc phương châm của bao thế hệ tình nguyện "làm dân tin, ở dân thương, đi dân nhớ".
Ông Thưởng nói đến cuộc gặp vừa trong vai trò hiện tại, song còn một vai trò khác khi ông từng là tác giả, đồng tác giả của phong trào tình nguyện trong thời gian dài.
Chủ tịch nước đánh giá đây là phương thức giáo dục hiệu quả nhất của Đoàn, có biết bao thanh niên trưởng thành qua thực tiễn hoạt động tình nguyện.
Theo ông, không thể không nhắc đến sự hưởng ứng, chăm lo của nhân dân và cả sự sáng tạo của cán bộ Đoàn thời kỳ đổi mới.
"Cán bộ Đoàn làm hay chưa chắc được khen, nhưng chưa hay chắc chắn bị rầy. Nếu không có tinh thần dấn thân làm sao kiên trì, đeo đuổi kết quả đến cùng. Đó chính là đặc tính, phẩm chất của cán bộ Đoàn", ông đánh giá.
Nhắc đến vị thế của đất nước trong bối cảnh hiện nay với nhiều đánh giá quan trọng từ nguyên thủ nhiều nước ông có dịp gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói không chỉ Thành Đoàn mà Trung ương Đoàn cần suy nghĩ, thiết kế phong trào thanh niên trong giai đoạn mới.
Với TP.HCM, yêu cầu phát triển đặt ra nhiều vấn đề, TP.HCM có nhiều chính sách đặc thù để phát triển với sự kỳ vọng lớn lao của cả nước. Ông Thưởng đặt vấn đề: "Thanh niên TP.HCM đóng góp gì vào sự phát triển ấy? Tình nguyện cũng cần phải suy nghĩ khác hơn, có yêu cầu mới mẻ hơn, cao hơn trong bối cảnh hiện nay".
Ông dẫn ra vài ví dụ, trong đó có cải cách hành chính, và cho rằng thanh niên phải tìm kiếm giải pháp, hiến kế cho lãnh đạo TP và trong mục tiêu sắp tới của TP, thanh niên chọn làm gì là điều phải tính.
Tin thế hệ trẻ sẽ luôn quyết liệt, mạnh mẽ
Cho rằng phong trào tình nguyện đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu đậm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói rất cảm động và như thấy mình trẻ lại khi đọc nhiều trang nhật ký, xem lại những hình ảnh các chiến sĩ tình nguyện đã ghi lại.
Ông cảm ơn lãnh đạo các địa phương, những gia đình nuôi đã đồng hành cùng tuổi trẻ TP suốt chặng đường 30 năm qua.
Ông Nên nói nhiều bài học rút ra từ hoạt động tình nguyện là hành trang quý báu của tuổi trẻ. Cũng như từ môi trường tình nguyện, chúng ta đã có nhiều cán bộ trưởng thành, nhiều người đang giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng, cả những trọng trách cao của Đảng và Nhà nước.
Theo ông, TP.HCM đang đứng trước nhiều thời cơ mới, nhiều nghị quyết quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ban hành để TP có nhiều chính sách vượt trội trong một số lĩnh vực.
"Đảng bộ và nhân dân TP đang quyết liệt để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Lãnh đạo luôn kỳ vọng và có niềm tin thế hệ trẻ TP sẽ luôn quyết liệt, mạnh mẽ trong hành động để cùng xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Nên chia sẻ.
"Nếu được chọn lại, tôi vẫn đi tình nguyện"
Cảm xúc thế hệ là mạch dẫn của những chia sẻ tại buổi gặp này. Ai cũng nói rằng mình như được sống lại khoảnh khắc của những ngày đi tình nguyện ban đầu dù nhìn lại đã qua khoảng thời gian dài.
Trong ký ức của ông Nguyễn Hoàng Năng - chỉ huy trưởng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, làm sao quên được hình ảnh bà con sẵn sàng cho luôn bó rau, quả trứng dù trong nhà chẳng còn gì.
Hay như lời nói chân thật của một người dân vùng sâu vùng xa khi gặp đoàn bác sĩ rằng lâu lắm rồi chưa biết đến khám bệnh là gì khiến bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cứ mải miết đi, có khi triền miên với các chuyến khám bệnh trong ba tháng hè tình nguyện.
Tham gia cuộc gặp, ông Phạm Văn Đặng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) không nhắc chuyện gia đình ông đã nuôi quân từ những ngày đầu tiên của Ánh sáng văn hóa hè mà chỉ nhắc nhờ sinh viên tình nguyện, vợ ông và nhiều người khác ở xã đã biết đọc biết viết. Và ông nói cái ơn ấy lớn lắm.
Hay như câu chuyện của "gia đình tình nguyện" Bùi Thị Thúy Bắc (Bến Tre) làm nhiều người vui lây. Chị nói chính Mùa hè xanh đã cho chị tìm thấy hạnh phúc cuộc đời mình cùng người chồng cán bộ Đoàn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) hơn 20 năm trước. Và rồi cô con gái lớn của chị lấy chồng cũng là chiến sĩ Mùa hè xanh và cả gia đình vừa đón cháu ngoại đầu lòng.
Anh Trương Văn Út từng là chiến sĩ Ánh sáng văn hóa hè 1994, đã tình nguyện đi Côn Đảo khi tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa dù lúc ấy chuẩn bị đi làm tại TP.HCM. Anh chọn gắn bó với Côn Đảo từ ngày ấy đến nay và hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện.
"Nếu được chọn lại quyết định của 30 năm trước, tôi vẫn chọn đi tình nguyện và là thành viên của đội hình trí thức trẻ tình nguyện ra Côn Đảo", anh Út bày tỏ.
Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG (bí thư Thành Đoàn TP.HCM):
Thanh niên TP sẵn sàng bước ra thế giới
Từ Ánh sáng văn hóa hè 1994 đã phát triển thành sáu chương trình, chiến dịch tình nguyện thu hút hơn 5 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia 30 năm qua.
Hoạt động tình nguyện đã chứng minh tư duy sáng tạo, tinh thần đeo bám kiên trì của tổ chức Đoàn - Hội, tạo nên sức bật mới cho phong trào thanh niên. Các chiến sĩ cho thấy tinh thần khát khao cống hiến, đắm mình "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với người dân, có cơ hội mở rộng kiến thức, gắn bó với nơi đi qua.
Khẳng định sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của một phong trào, tổ chức Đoàn - Hội quyết tâm đổi mới phương thức, đặt ra mục tiêu trung và dài hạn, kết hợp hiệu quả giữa công nghệ và con người, đầu tư kết nối các nguồn lực thời gian tới.
Song song đó, kết nối những người uy tín trong xã hội để lan tỏa, hoạt động tình nguyện với tâm thế công dân toàn cầu, giới thiệu hình ảnh thanh niên TP tự tin, có năng lực và sẵn sàng bước ra thế giới.
MAI HẢI YẾN (Học viện Cán bộ TP.HCM):
Tự nhắc mình không ngừng cống hiến
Lúc là thiếu nhi, tôi được thụ hưởng hoạt động do các anh chị chiến sĩ Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh tổ chức và lúc đó, tôi đã muốn sau này làm như các anh chị. Chính hoạt động tình nguyện đã cho tôi cơ hội rèn luyện và trưởng thành qua từng ngày, được kết nạp Đảng khi đang là chiến sĩ Hoa phượng đỏ.
Bây giờ là sinh viên, tôi lại được sống trong những ngày Mùa hè xanh, tham gia đội hình tập sự cùng các bạn để luyện tập, trở thành những cán bộ, công chức trong tương lai, góp sức cùng TP. Mỗi mùa tình nguyện với tôi là hành trang để từng bước trưởng thành và tự nhắc mình không ngừng rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa.
Kỳ vọng và hướng về hành trình mới
Nhìn lại chặng đường đã qua không chỉ để tự hào hay hài lòng với thành quả đã có mà để nhìn về tương lai với những yêu cầu mới và cần đầu tư nghiêm túc.
Ông VÕ TẤN THÔNG (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Gắn bó ít nhất 3 năm
Những năm 1990 hoạt động Đoàn thật sự khó khăn cả về mô hình, phương thức lẫn nội dung. Mô hình xóa mù chữ của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nâng lên thành Ánh sáng văn hóa hè 1994 và năm 1995 có thêm các đội hình đi khám chữa bệnh miễn phí.
Năm 2000, Trường ĐH Bách khoa đổ quân về huyện Giồng Trôm (Bến Tre) làm nhà tình thương, cầu bê tông, đường giao thông nông thôn. Hơn 20 năm, các thế hệ sinh viên tình nguyện của trường đã hoàn thành gần 300 cây cầu, 300km đường nông thôn.
Bách khoa làm được điều đó là sự gắn kết, đồng hành của các thế hệ sinh viên và cả sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Nhiều bạn đi tình nguyện ra trường đi làm đã quay lại đồng hành cùng chiến dịch tình nguyện.
Những công trình cần phải có thời gian và đi đâu trường cũng gắn bó ít nhất với địa phương ba năm liền để có thể làm được nhiều hơn, hỗ trợ bà con xây dựng nông thôn mới.
Bác sĩ TRẦN VĂN KHANH (giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh):
Tình nguyện theo chuyên đề từng năm
Thời sinh viên, tôi gần như dành toàn thời gian nghỉ hè đi khắp nơi, khám bệnh cho người dân. Tôi nhận thấy ý nghĩa của đời mình, vững tin hơn vào con đường mình chọn.
Sau này tốt nghiệp, thời gian cho công việc chuyên môn nhiều hơn nhưng tôi cố gắng để ngày nghỉ tham gia cùng các sinh viên tình nguyện và cảm xúc vẫn vẹn nguyên như thời sinh viên.
Tôi cho rằng tổ chức Đoàn - Hội của TP.HCM nên chọn những chuyên đề theo từng năm phù hợp với thực tiễn tại các địa phương, xác định mục tiêu tình nguyện là đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Cần mở thêm
không gian tình nguyện cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ là đoàn viên, thanh niên, chỉ cần có chung nhịp đập, cùng mong muốn hỗ trợ cộng đồng.
Ông ĐIỂU ĐÁ (trưởng bon, huyện Tuy Đức, Đắk Nông):
Sinh viên giúp làng quê tốt lên
13 năm qua bà con địa phương tôi rất vui khi có chiến sĩ tình nguyện TP.HCM về giúp đỡ. Nhiều hoạt động cho trẻ em, tặng quà cho bà con khó khăn và những công trình giao thông nông thôn, hướng dẫn bà con làm nông nghiệp.
Các sinh viên của TP Bác rất giỏi, không sợ khó khăn, không quản ngại mưa nắng cùng thanh niên của bon làm nhiều việc cho địa phương, ngày sinh hoạt thiếu nhi, tối tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ bà con.
Điều kiện sinh hoạt ở nông thôn rất khó khăn, mùa mưa đi lại càng khó nhưng sinh viên vẫn "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con. Dù thời gian sinh viên đến với bà con không nhiều nhưng tình cảm sâu đậm, các em nhỏ trong bon noi theo các anh chị tình nguyện không bỏ học, bà con cũng thay đổi tốt lên hơn.
Ngày 6-9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp gỡ một số điển hình có nhiều đóng góp cho phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TP.HCM 30 năm qua (1994-2023).