Đó là chia sẻ của ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tại hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững”, diễn ra sáng 7-9.
TP.HCM chịu áp lực lớn phát triển kinh tế số
Theo ông Thắng, TP.HCM đang rất nỗ lực để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, TP đang đứng trước ba thách thức rất lớn để phát triển kinh tế số.
Đó là việc nhận thức về kinh tế số ở nhiều nơi còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất; Công cụ đo lường chỉ số phát triển kinh tế số chưa đầy đủ; Chính sách và nguồn lực để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, TP hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp thông tin và truyền thông. Tỉ trọng đóng góp của lĩnh vực kinh tế số trong GRDP của TP (năm 2021) ước khoảng 15,3%. Mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số được nâng lên mức 25% trong GRDP và vào năm 2030 sẽ đạt mức 40%.
Mục tiêu chương trình chuyển đổi số của TP.HCM là đến năm 2030 “TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”.
Nhận xét về vai trò của kinh tế số đối với TP.HCM, PGS.TS Trần Minh Tuấn, vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế TP.HCM ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp ICT, chuyển đổi số các ngành công nghiệp, quản trị số, giá trị hóa dữ liệu".
Chuyển nhanh sang online, phổ cập ứng dụng AI
Để kinh tế số phát triển bền vững, ông Tuấn góp ý TP.HCM “cần có lộ trình về chính sách phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển. Ví dụ: giai đoạn thúc đẩy phát triển (cần khuyến khích thí điểm); giai đoạn tiêu chuẩn hóa; giai đoạn nâng cao hiệu quả, quản lý giám sát, quản trị số".
Do đó, theo ông Tuấn, TP.HCM cần chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, dùng các khâu online để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn lại. “Bất kỳ khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho rằng TP cần phổ cập hóa ứng dụng AI, nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển. Theo ông Tuấn, AI đã trải qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng.
“Ở giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần mức kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Tuấn chia sẻ.
Về phương diện đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, một số chuyên gia tại hội thảo cho rằng TP.HCM cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đặt hàng các cơ sở đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số.
Về phương diện công nghệ, nhiều ý kiến nhận định tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Do vậy, TP.HCM cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế số vào 2030. Doanh nghiệp kỳ vọng đoàn tàu này phải bứt tốc từ những điều nhỏ nhặt.