Thông tin được ông Đặng Đình Tùng, vụ phó Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đưa ra tại Hội thảo thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 7-9 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Tùng, các hợp đồng chuyển giao công nghệ những năm qua chủ yếu đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN.
Các lĩnh vực có doanh nghiệp FDI đăng ký chuyển giao công nghệ gồm điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.
Và theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung, LG, General Electric, Intel, Panasonic, Toyota… có dự án đầu tư tại Việt Nam nhưng chỉ có 2 tập đoàn Samsung, LG đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Hà Nội.
Nhìn nhận về hoạt động chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, TS Trần Toàn Thắng - trưởng ban quốc tế Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước là mục tiêu cao nhất khi thu hút đầu tư FDI nhưng nhìn lại 30 năm thu hút FDI thì dường như không thay đổi.
"Tác động lan tỏa là chúng ta tiếp nhận được công nghệ từ khu vực đầu tư FDI mà không mất đồng nào chuyển giao công nghệ", ông Thắng khẳng định.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam những năm qua chỉ tạo ra tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Và thông thường lan tỏa qua 4 kênh như: các doanh nghiệp nội địa copy được công nghệ của doanh nghiệp FDI; chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước, người lao động mang theo kỹ năng, công nghệ vào doanh nghiệp trong nước; sức ép cạnh tranh đầu vào và đầu ra với các FDI có xu hướng xuất khẩu, điều này buộc doanh nghiệp trong nước phải thay đổi công nghệ vì sức ép; kênh liên kết dọc, liên kết ngang giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
"Và nếu lan tỏa liên kết dọc thì tác động tương đối tích cực, còn với liên kết ngang các doanh nghiệp FDI đang tạo ra tác động tiêu cực với doanh nghiệp trong cùng ngành", ông Thắng phân tích thêm.
Ông Thắng thừa nhận: "Chúng ta sẽ khó học được gì từ doanh nghiệp FDI vì công nghiệp không phải thứ nhìn là học được ngay. Nếu đặt một thợ cơ khí cạnh một kỹ sư công nghệ, tôi không kỳ vọng người thợ cơ khí học hỏi được gì. Hay người công nhân làm ở một khâu rất nhỏ trong nhà máy FDI sẽ rất khó học hỏi được gì về công nghệ. Đó là những rào cản của lan tỏa công nghệ".
Cũng theo ông Thắng thì việc có tiếp nhận công nghệ hay không phụ thuộc vào phía Việt Nam, phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước, những người sẵn sàng trong chuyển giao công nghệ. Vì nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư cho R&D, đầu tư công nghệ cao hơn ở Việt Nam lại gặp khó vì thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định dù doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao mà chúng ta không đủ năng lực hấp thụ, không sẵn sàng tiếp nhận cũng sẽ rất khó chuyển giao.
Trong 7 tháng năm nay tình hình đầu tư FDI ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký đầu tư FDI tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư FDI toàn cầu do tác động nắn dòng đầu tư FDI của thuế tối thiểu toàn cầu.