Buổi họp báo do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chủ trì, và có sự tham dự của ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Tại họp báo, ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư dự án), cho biết dự án hồ Ka Pét được Quốc hội phê duyệt bởi Nghị quyết số 93 ngày 26.11.2019 và Nghị quyết số 101 ngày 24.6.2023. Hồ này có dung tích chứa hơn 51 triệu m3, với mức đầu tư là 874 tỉ đồng (ngân sách T.Ư 520 tỉ đồng). Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 7.762 ha đất nông nghiệp của H.Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết. Ngoài ra còn cung cấp nước thô cho khoảng 120.000 dân, cung cấp nước cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2. Dự án hình thành sẽ tạo sinh kế cho người dân địa phương và góp phần cải tạo môi trường đất khô cằn.
Vị trí dự án đã tối ưu chưa?
Báo chí đặt câu hỏi về vị trí dự án đã tối ưu chưa, vì sao không chia nhỏ dung tích hồ liên kết với nhau hoặc xây dựng hồ đập nơi khác để tránh thiệt hại hơn 600 ha rừng?...
Ông Nguyễn Công Thành, đại diện tư vấn thiết kế hồ thủy lợi Ka Pét, trả lời rằng dự án phải phụ thuộc vào nguồn nước, lưu vực vùng thu nước để thiết kế. "Nếu làm hồ mà không sinh thủy thì không hiệu quả. Hơn nữa, việc xây dựng hồ còn liên quan đến an toàn của hồ chứa, tức an toàn của công trình. Muốn kết nối các hồ (trong trường hợp chia nhỏ dung lượng hồ) còn phải phụ thuộc địa hình. Ka Pét là hồ vùng cao, nó kết nối với các kênh mương phía dưới, sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất", ông Thành nêu.
Cũng theo ông Thành, hiện nay hệ thống kênh, mương bên dưới khá hoàn chỉnh. Hồ thủy lợi Ka Pét trữ nước lại trên cao và phân phát nước theo hệ thống kênh mương bên dưới. Tư vấn đã nghiên cứu hết vùng này, chỉ có 2 vị trí nhưng phải chọn vị trí hồ Ka Pét vì nó có thể sinh thủy. Còn vị trí 2 dưới cầu Bà Bích, không được chọn vì sẽ ngập toàn bộ đường giao thông hiện tại. Quy hoạch này được tính toán từ trước năm 2000, chứ không phải bây giờ mới tính đến.
Về câu hỏi Bình Thuận còn xây dựng thêm 12 hồ thủy lợi, vì sao không xây các hồ kia trước mà xây Ka Pét lúc này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho rằng: "Phải ưu tiên xây dựng hồ Ka Pét trước theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hơn nữa, khu vực dự án hiện nay mới tưới được hơn 15% diện tích, còn lại chưa được tưới, nên phải ưu tiên xây Ka Pét trước. Tiếp theo sẽ là hồ La Ngà 3".
Cũng theo ông Phước, đã có phương án xây hồ Ka Pét với dung tích 69 triệu m3 nước, nhưng tỉnh đã chọn phương án 51 triệu m3. Ông Phước lý giải: "Đây là phương án vừa kinh tế vừa giữ được rừng, mất diện tích rừng ít hơn. Và phương án này đã được Bộ NN-PTNT thẩm định và phê duyệt".
Tại sao không làm hồ nhân tạo, chia nhỏ dung tích rồi liên kết các hồ với nhau để tránh thiệt hại hơn 600 ha rừng? Ông Phước lý giải: "Phương án này đã tính đến nhưng không hiệu quả. Bình Thuận có lượng nước mưa hơn 5,4 tỉ m3/năm. Trong khi các hồ chứa hiện nay mới chứa được 400 triệu m3, rất lãng phí. Do vậy chỉ có giải pháp làm hồ chứa là phù hợp nhất hiện nay, không thể làm hồ nhân tạo vì nó vừa không hiệu quả kinh tế, vừa lãng phí nước".
Rừng nguyên sinh hay thứ sinh?
Một loạt câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo là việc khai thác diện tích rừng này như thế nào? Phương án trồng rừng thay thế ra sao? Đây là rừng nguyên sinh (chưa có sự tác động của con người) hay rừng nghèo?... Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, khẳng định đây không phải là rừng nguyên sinh (dù còn nhiều cá thể cây gỗ quý).
Theo ông Sơn, trước năm 1995, khu vực rừng này đã có sự tác động, khai thác gỗ. Sau đó khu rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt. "Như vậy tức là đã có tác động của con người, đã mất cây chứ không còn là rừng nguyên sinh", ông Sơn cho biết. Diện tích rừng mất đi khi hồ ngập khoảng hơn 600 ha, chỉ bằng 0,15% diện tích rừng của cả tỉnh hiện nay.
Về việc khai thác gỗ trong khu vực ngập lòng hồ, ông Sơn cho biết đã hoàn thành quá trình điều tra rừng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp theo sẽ thuê đơn vị tư vấn lập phương án khai thác từng cây gỗ, xác định khối lượng, sau đó đấu giá quyền khai thác. "Khu vực nào sẽ khai thác trước, khu vực nào khai thác sau, bàn giao ranh giới ra sao, quá trình vận chuyển thế nào sẽ được giám sát chặt", ông Sơn nói.
Về vấn đề trồng rừng thay thế, theo ông Sơn, toàn bộ dự án phải trồng mới rừng thay thế với diện tích 1.844 ha. Hiện nay Sở NN-PTNT đang khảo sát các vị trí trồng rừng.
Vì sao vẫn chưa xong đánh giá tác động môi trường?
Vì sao hiện nay dự án vẫn chưa xong đánh giá tác động môi trường (ĐTM), việc này có ảnh hưởng đến tiến độ của dự án?
Lý giải điều này, đại diện tư vấn dự án cho biết do Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh dự án, nên các báo cáo về ĐTM phải tính toán lại. "Hiện nay phải cập nhật lại toàn bộ dữ liệu ĐTM. Trong đó phải lấy ý kiến cộng đồng. Đặc biệt, phải chứng minh đến yếu tố rủi ro là vỡ đập thủy lợi. Do dự án có hơn 137 ha rừng đặc dụng Núi Ông, nên phải thuê tư vấn chuyên ngành đánh giá sự đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng này, phải kiểm đếm từng loài động, thực vật", tư vấn thiết kế nêu tại buổi họp báo.
Về tiến độ triển khai dự án, ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định dự án hồ thủy lợi Ka Pét sẽ khởi công vào quý 2/2024 và hoàn thành vào cuối năm 2025. Theo ông Hải, khi hồ thủy lợi Ka Pét hình thành sẽ tạo hệ sinh thái đa dạng, giúp cải tạo môi trường, tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương.
Có mặt tại họp báo, bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết đồng bào người Raglai nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. "Xã chúng tôi cách xa huyện tới 54 km, người dân còn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, mong có dự án này càng sớm càng tốt", bà Kha nói.
Sẵn sàng tiếp thu
Phát biểu tại họp báo, ông Dương Văn An cho biết dự án hồ Ka Pét được Quốc hội có nghị quyết chấp thuận từ năm 2019. Đến tháng 6.2023, Quốc hội tiếp tục có nghị quyết chấp thuận bổ sung đầu tư dự án này. Kể từ đó đến nay chưa ghi nhận ý kiến phản ứng trái chiều nào về dự án. Tuy nhiên, đến ngày 4.9, có một tờ báo điện tử đưa tin nhấn mạnh đến việc dự án phải chuyển đổi 600 ha rừng thì xuất hiện ý kiến trái chiều trên không gian mạng.
Theo ông Dương Văn An, khu vực dự án là xã Mỹ Thạnh, 1 trong 2 xã vùng cao của H.Hàm Thuận Nam đang có tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô. Do vậy sự nghiên cứu, đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét được người dân mong chờ. Ông An cho biết sẵn sàng tiếp thu tất cả các ý kiến của báo chí. Nếu dự án này sai chỗ nào, chưa phù hợp ở đâu, sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh, chứ không bảo thủ, che chắn.