Như Thanh Niên thông tin, ngày 6.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Trong đó, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10.2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5.2026.
Những năm qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế lẫn đại biểu Quốc hội đã nhiều lần đề cập về các điểm bất hợp lý, lạc hậu trong luật Thuế TNCN. Hàng loạt quy định không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của VN sau hơn 14 năm áp dụng (có sửa đổi gần nhất vào cuối năm 2012). Cụ thể, thuế TNCN đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến với mức thuế từ 5 - 35% là quá nhiều và quá cao. Khoảng cách giữa các bậc thuế ở mức thấp quá dày làm tăng đối tượng phải nộp thuế.
Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế dù đã được sửa đổi theo quy định từ năm 2021 lên 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu, không đảm bảo cuộc sống bình thường ở các đô thị cho người lao động. Một số quy định bất cập khác như người có thu nhập trên 1 triệu đồng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng phải nộp thuế vẫn tồn tại…
Đã thấy bất hợp lý, sao phải 3 năm nữa mới sửa?
Việc luật Thuế TNCN lạc hậu, không còn phù hợp với đại đa số người dân nhưng vẫn chưa được điều chỉnh khiến dư luận bức xúc. "Rất bất hợp lý, báo chí, dư luận kêu hoài nhưng chưa thấy điều chỉnh. Thật không thể hiểu, đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn mà luật Thuế TNCN đến nay vẫn giậm chân tại chỗ và mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động cũng đứng yên", bạn đọc (BĐ) Q.V bày tỏ.
Tương tự, BĐ Công Minh ý kiến: "Lại phải chờ, trong khi đây là vấn đề sát sườn, tác động đến đa số người dân. Tôi tự hỏi chờ đến 3 năm sau nghĩa là chấp nhận kéo dài bức xúc về thuế từng ấy thời gian? Tại sao chúng ta lúc nào cũng phải đi sau như thế?". Còn BĐ Kim Dương viết: "Ai cũng thấy thuế TNCN đã lạc hậu nhiều năm mà phải chờ 3 năm nữa mới sửa liệu có hợp lý không? Cá nhân tôi thấy đây là vấn đề cần tiếp thu và thay đổi ngay, càng chờ thì người dân càng thêm khó".
"Có những cái cần khắc phục liền như thuế TNCN nhưng chúng ta lại chậm trễ, làm mất niềm tin của người lao động", BĐ Kiều Ngân thẳng thắn.
Cần ưu tiên điều chỉnh trước các luật khác
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định: Luật Thuế TNCN ảnh hưởng đến toàn dân nên càng quan trọng hơn một số luật khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, thời gian xem xét không kịp thì phải ưu tiên trình sửa luật Thuế TNCN trước các luật khác.
Cùng quan điểm với luật sư Trương Thanh Đức, BĐ Thanh Tú đề nghị điều chỉnh ngay lập tức mức giảm trừ gia cảnh, sau đó ưu tiên xem xét luật Thuế TNCN trước các luật khác. "Quốc hội nên lắng nghe ý kiến của người dân, ưu tiên chỉnh thuế TNCN cho phù hợp. Đây là việc cấp bách, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay", BĐ này góp ý thêm.
"Cá nhân tôi thấy thuế TNCN mang tính cấp bách, tác động đến toàn dân. Vậy nên nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong đời sống xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì sắc thuế này cần phải được ưu tiên điều chỉnh đầu tiên. Chờ đợi thêm hơn 3 năm thì quá dài và ảnh hưởng quá nặng nề. Cần ưu tiên xem xét luật này trước các điều luật khác", BĐ Khoa Tran đề nghị.
BĐ Nguyen Hoang ý kiến: "Thuế TNCN ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến toàn dân. Càng kéo dài thời gian sửa đổi thì người dân càng khó khăn. Chúng ta cần nhìn nhận rõ đâu là cái cần được ưu tiên lúc này, thay vì cứng nhắc. Chờ đến năm 2026 mới sửa là quá chậm, cần ưu tiên điều chỉnh ngay thuế TNCN vì nó không còn phù hợp đời sống người dân nhiều năm nay".
Tôi thấy việc này nên cân nhắc ưu tiên xử lý trước, chứ chờ đến 3 năm thì thật sự không hợp tình, hợp lý.
Nghĩa Trần
Ai cũng biết tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập không còn như trước trong khi chi phí tiêu dùng thì lại tăng. Nếu vẫn giữ mức thuế như vậy thì khác nào gây áp lực cho người dân. Đã thấy lỗi thời, vậy tại sao không khắc phục ngay và luôn mà phải chờ đến 3 năm?