Trên số báo trước, chúng tôi thông tin việc ông Q bị bắt xe chở rau củ quả và ông Phan Ngọc Sơn, tổ phó tổ Trật tự đô thị (TTĐT), hẹn miệng sẽ giải quyết sau.
Sau đó, ông Q gọi điện thoại, trực tiếp lên chốt của tổ TTĐT để liên hệ làm việc nhiều lần nhưng ông Sơn không giải quyết. Sau đó, ông Sơn đồng ý hẹn gặp ông Q lúc 9 giờ sáng 4-4.
Tối 4-4, ông Sơn nhận 3 triệu đồng của ông Q tại chốt của tổ Trật tự đô thị. Ảnh: TÂN - YÊN |
Hẹn gặp sau một tuần
Khi ông Q có mặt tại chốt TTĐT, có rất nhiều người ở đây. Ông Q đến gần chỗ hai cán bộ TTĐT đang ngồi ghế bên ngoài chốt nói: “Anh, hôm bữa anh hẹn em hôm nay ra nè”. Ông Sơn lúc này đung đưa chân, hỏi: “Tên gì vậy?”. Ông Q thông tin lại tên tuổi, xe lôi, ngày bị bắt là hôm 27-3.
Ông Sơn hỏi tiếp: “Đóng phạt chưa?” thì ông Q đáp: “Anh có đưa quyết định gì đâu mà đóng phạt?”. Trong lúc ông Sơn lấy ra một xấp biên bản tìm kiếm thì ông Q tiếp: “Hôm đó anh giữ CMND của em”.
Ông Sơn tiếp tục lục tìm trong xấp giấy, hỏi tiếp: “Xe có giấy tờ không?”. Sau khi nghe ông Q than thở là xe không giấy, bị bắt xe hết đường sống... thì ông Sơn nói: “Giờ mày lấy chi. Mày lấy ra rồi mai tao bắt lại cũng vậy à!”.
Ngồi cầm CMND của ông Q, ông Sơn nói: “Hôm bữa tao xin ý kiến huyện rồi mà huyện chưa chịu… Giờ muốn xin thì chờ xin ý kiến lại. Chắc ba tuần nữa mới giải quyết trả xe”.
Hứa nộp giúp tiền phạt vào ngân hàng
Trong lúc này, ông Sơn cũng hướng dẫn cho một cán bộ TTĐT khác xử lý với một cây dù thu của người bán hàng rong. Trong lúc vị cán bộ kia nói rằng người vi phạm không mang theo CMND nên không lập được. Ông Sơn liền chỉ đạo: “Cứ lập đi, không có giấy cũng lập... Cây dù mà, có gì đâu, làm như xe lôi vậy á!”.
Trong lúc này, một phụ nữ bị xử lý vi phạm mua bán hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường cũng tới hỏi thăm thì ông Sơn nói phải ra quyết định mới đóng phạt được. Ông giải thích với người phụ nữ: Máy bị hư, không thể in biên bản. “Có tiền gửi đây đóng luôn đi, mai mốt muốn lấy biên lai quay lại đây lấy cho gọn. Vì đúng quy định là phải ra quyết định rồi mới đóng phạt” - ông Sơn giải thích với người phụ nữ.
Khi ông Sơn vừa nhận tiền thì các trinh sát ập đến bắt quả tang, lập biên bản và đưa về trụ sở làm việc. Ảnh: TÂN - YÊN |
Tiếp đó, ông Sơn nói người phụ nữ đếm 1,5 triệu đồng để lại rồi khi nào tiện sẽ “đóng giúp cho” và cần phải để lại hai tờ biên bản. Người phụ nữ liền đưa ra tờ biên bản, đếm tiền đưa cho ông Sơn rồi lấy giấy tờ xe về. Nhận tiền, ông Sơn gấp nhanh vào hai tờ biên bản để xuống dưới cùng.
Lúc này ông Q vẫn ngồi kế bên, tiếp tục than: Giờ đóng lại móc lôi thì quá nhiều tiền, cả chục triệu đồng và xin hứa sẽ chạy cẩn thận hơn. Vừa nghe, ông Sơn chửi thề: “(…) cẩn gì, cẳng chân cũng chết luôn chứ cẩn thận. Thôi cứ để đó đi!”.
Ra giá lúc 21 giờ và bị bắt quả tang
Vị cán bộ TTĐT sau đó hẹn đến thứ Bảy, Chủ nhật tuần sau giải quyết nhưng sau khi nghe ông Q than thở thì ông Sơn nói: “Tao làm đến 6 giờ tối”.
Khi ông Sơn vừa nhận tiền thì các trinh sát ập đến bắt quả tang, lập biên bản và đưa về trụ sở làm việc. Ảnh: TÂN - YÊN |
Đến 18 giờ ngày 4-4, ông Q tiếp tục gọi điện thoại thì ông Sơn chưa đồng ý gặp. Đến khoảng 19 giờ ngày 4-4, ông Q chạy ra chốt đợi chừng 10 phút thì lúc này ông Sơn cùng hai cán bộ TTĐT khác về tới.
Khi gặp, ông Sơn hẹn: “Em đi làm gì làm đi rồi chút nữa quay ra, cỡ 1 tiếng nữa”. 21 giờ cùng ngày, ông Q lại ra chốt. Lúc này bên trong có hai cán bộ TTĐT đang trực. Ông Sơn nghe tiếng ông Q thì ra hỏi: “Nãy mày lấy đầu xe chưa. Tên gì vậy. Sáng anh đưa chứng minh lại rồi phải không…”. Ông Q nói rằng không, sáng chưa lấy CMND cũng chưa lấy đầu xe.
Tổ trưởng, tổ phó tổ Quản lý trật tự đô thị bị bắt
Sau bốn tháng bắt tạm giam ông Phan Ngọc Sơn, tổ phó tổ TTĐT xã Xuân Thới Đông về tội nhận hối lộ và mở rộng điều tra, ngày 18-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn đã bắt giam ông Nguyễn Trung Nghĩa, tổ trưởng tổ này, để điều tra.
Theo cáo buộc của công an, ông Nghĩa đồng phạm với ông Sơn trong các vụ nhận hối lộ của tiểu thương.
Tất cả lệnh và quyết định đã được VKS cùng cấp phê chuẩn. Hiện Công an huyện Hóc Môn tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Đứng đối diện người vi phạm, ông Sơn ghé tai nói nhỏ: “Giờ gửi nhiêu gửi, tao không có nói giá gì hết á. Thường thường người ta giải quyết vậy. Mày nhắm chừng rồi gửi cho anh em. 2 triệu hay 3 triệu cũng được. Nhớ về đừng nói gì hết, kẻo mấy đứa kia nó phân bì”.
Ông Sơn giải thích ông Q cứ gửi trước đi, đến tối ông sẽ kêu kho rồi có thể xuống đó, chỉ cần nói cho lấy xe về là xong. Ông Q đi lấy tiền và chừng 10 phút sau thì quay lại. Khi ông Q đi vào thì ông Sơn lục tìm biên bản và CMND của ông Q. Sau đó, ông Sơn đưa biên bản, CMND và ông Q cũng đưa 3 triệu đồng. Ông Sơn cầm lấy hỏi: “Mấy tiền đây?”, rồi yêu cầu để lại số điện thoại, khi nào nhá máy thì ra kho lấy…
Đúng lúc đó, các trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Hóc Môn ập tới bắt quả tang.
Ngay sau đó, công an đưa ông Sơn về trụ sở Công an xã Xuân Thới Đông để làm việc, đồng thời khám xét nơi làm việc của người này, niêm phong nhiều tài liệu là các biên bản vi phạm hành chính cũng như tang vật liên quan để mở rộng điều tra.
SỔ TAY:
Nếu chấn chỉnh từ đầu, mọi chuyện đã rất khác
Biết tôi là một trong các tác giả của loạt bài điều tra “Trật tự đô thị “làm luật” người bán hàng rong”, một người quen cho biết nơi anh ở cũng thường xuyên xảy ra tình trạng này. Đó là cái “lệ” ở các chợ tự phát.
Qua tìm hiểu, các xe móc lôi, người bán hàng rong đều phải đóng tiền tháng cho những người phụ trách trật tự đô thị ở địa bàn. Thực tế, đây là khoản chi phí bôi trơn mà những người buôn bán ở chợ tự phát, chạy xe lôi ngầm chấp nhận nếu không muốn nói là cam chịu để được buôn bán. Dù họ biết việc bán hàng như vậy là vi phạm.
Từ hồi còn dịch COVID-19, tôi đã tiếp xúc với nhiều người dân buôn bán ở khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Lúc đó, nhà nhà phong tỏa, chợ đóng cửa nhưng vì một số lý do nào đó, hàng rong vẫn bán dọc một số con đường.
Cơ quan chức năng có phối hợp dẹp nhưng dẹp thì dẹp, sau đó chợ tự phát vẫn bán. Các tiểu thương bán hàng rong cũng hiểu như vậy là vi phạm, là nguy hiểm cho bản thân, xã hội nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ vẫn buôn bán tự phát.
Nói với chúng tôi, ông Vương Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Đông, cho biết chuyện tiêu cực ở chốt trật tự đô thị ngay cổng chợ đã có dư luận, có người phản ánh. Nhưng họ không nói tên tuổi, đưa bằng chứng nên không có cơ sở xử lý. Chuyện đó đã có từ hai năm trước.
Ông Q - nhân vật trong loạt bài cũng vậy. Một chiếc xe lôi giá trên 10 triệu đồng, mới mua vài tuần. Với người dân lao động, đây là số tiền không nhỏ. Khi bị bắt xe, họ sẽ tìm mọi cách lấy lại vì đó là sinh kế, thế là nảy sinh tiêu cực.
Việc “làm luật”, đóng tiền tháng để hoạt động, làm ăn không mới và nhiều người biết. Chuyện vi phạm pháp luật này lại được nhiều người thỏa hiệp ngay tại chốt của cơ quan chức năng… Đến mức nhiều người dân ở khu vực còn đùa rằng “việc này trẻ con cũng biết”.
Chủ tịch xã đã nghe dư luận từ hai năm trước và nếu quyết liệt, chấn chỉnh nghiêm khắc từ đầu, bằng nhiều kênh khác nhau, chắc chắn chúng ta không mất cán bộ, không có câu chuyện vi phạm pháp luật xảy ra ở khu chợ tự phát này... NGUYỄN TÂN