Xu hướng tất yếu
Các nước phát triển đều đặt ngành dệt may vào "tầm ngắm" về giảm phát thải. Do đó, muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, bắt buộc doanh nghiệp phải "xanh hóa" dệt may, từ đó mới có cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn từ các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Với cam kết của Chính phủ tại COP26 và những yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đặt mục tiêu đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến 2030, chuyển đổi "xanh hóa" ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Trao đổi với báo Nhân dân, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Ðức Giang, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Xanh hóa trong ngành dệt may không phải câu chuyện định hướng tương lai, thực tế các doanh nghiệp đã bắt tay vào làm trong vài năm trở lại đây. Ðơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Nói một cách tổng quát, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt khẳng định, xanh hóa trong hoạt động sản xuất không chỉ là yêu cầu đối với doanh nghiệp mà còn của toàn ngành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tiên phong cam kết phát triển bền vững với việc sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xanh,...
"Bản thân May 10 đã chuyển dịch theo hướng xanh hóa từ khoảng 5 năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; đầu tư năng lượng tái tạo như: điện mặt trời áp mái, chuyển hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm chống ô nhiễm không khí...", Tổng Giám đốc May 10 nhấn mạnh với báo Nhân dân.
Ðể thực hiện lộ trình xanh hóa, năm 2015, Công ty Dệt may Thành Công đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh, đồng thời đưa ra ba dòng sản phẩm chính, đó là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ...; dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống. Trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng bù lại, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng về khẩu trang kháng khuẩn, góp phần ổn định doanh thu, lợi nhuận. Sau giai đoạn đại dịch, những sản phẩm xanh tiếp tục giúp đơn vị có thêm cơ hội khi tiếp cận các khách hàng lớn.
Tương tự, trong những năm qua, Tổng công ty Ðức Giang và các đơn vị thành viên cũng đầu tư, tạo ra các sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn nước sạch và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thời trang của tổng công ty được nghiên cứu, phát triển dựa trên các nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi vải vỏ hàu, sợi vải cà-phê, sợi bạc hà,... đã được khách hàng đón nhận, tin dùng. Giám đốc thương hiệu thời trang Hera DG Ðặng Ngọc Lan cho biết, tính trên toàn cầu, mỗi năm ngành thời trang tạo ra khoảng 92 triệu tấn phế liệu, là nguyên nhân hình thành những bãi rác quần áo khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Do đó, ngành thời trang cần đi theo hướng đi mới với nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và an toàn sức khỏe.
“Xanh hóa” để bền vững
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các FTA mà Chính phủ ký với các quốc gia trên thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, toàn ngành xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 là 3,6 tỷ USD. Số liệu này cho thấy, thị trường toàn cầu bắt đầu nóng lên nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành, đó là mô hình phát triển bền vững.
Theo ông Vũ Đức Giang, cách đây 5 năm, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chính vì thế, đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân khiến cho việc đầu tư sản xuất xanh còn hạn chế là do việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài, cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp lại có hạn. Đó là chưa kể, trong ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn, vì thế càng khó khăn hơn.
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Giang cho rằng, trước mắt muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, có nguồn tài chính thuận lợi, giá cả hợp lý hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, vốn cho phát triển xanh cũng là điều kiện cần cho các doanh nghiệp xanh hóa ngành dệt may. Tuy nhiên, trong lúc chờ chính sách mới về vốn ở trong nước, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) cho biết, các cơ hội tài chính xanh quốc tế cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm tài chính xanh còn giúp các ngân hàng tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi. Chẳng hạn như chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh (MAGC) do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian, từ đó thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Hiện nay, các khoản tín dụng xanh được cung cấp cho nhiều đối tượng người vay với phí vốn thấp, điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận các tín dụng xanh bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung. Ví dụ, có thể chia thành từng khoản cho việc lắp đặt thiết bị sưởi hoặc làm mát tiết kiệm năng lượng hơn", bà Đỗ Ngọc Diệp trả lời Báo Tin tức.
Tăng cường tính liên kết
Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định rõ quan điểm, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng của ngành, phát triển ngành gắn bó với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi cần đồng bộ nhiều giải pháp.
Tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng của Mỹ từng nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau." Câu nói này khá đúng với hoàn cảnh các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn chuyển mình chuyển đổi phát triển bền vững nhưng thế và lực còn hạn chế.
Trao đổi với TTXVN/VIetnam+, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Giảng viên chính Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề án nghiên cứu sản xuất vải từ sợi bẹ chuối và lá dứa của bà đã thành công, nhưng sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt thị trường do giá thành sản xuất khoảng 200.000 đồng/kg xơ. Trong khi, sợi nhập khẩu giá cao nhất hiện nay chỉ khoảng 80.000 đồng/kg.
Theo bà Phượng, câu chuyện khó khăn ở đây là dự án rất lớn, một doanh nghiệp không thể làm nổi. Việt Nam có nhiều hiệp hội, nhưng các doanh nghiệp còn thiếu tính liên kết, vẫn đang tự thân vận động mà không biết tận dụng sức mạnh của hiệp hội.
“Chúng tôi cần sự liên kết nhiều doanh nghiệp với nhau. Vì trong chuỗi dệt may, công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước tạo thành chuỗi tuần hoàn. Tôi sẽ đưa đề án về hiệp hội, đào tạo miễn phí, doanh nghiệp được thụ hưởng, ứng dụng để giảm chi phí sản xuất. Về phía doanh nghiệp cần có sự mạnh dạn chuyển đổi," bà Phượng nói.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Trương Thị Ái Nhi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, vốn,… nhưng Việt Nam vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước về những liên minh cộng sinh - công cụ hiệu quả đã giúp các doanh nghiệp các nước giải quyết được các bài toán còn thiếu hụt của mình.
Điển hình như mô hình tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị của ngành dệt may và thời trang Thụy Điển. Họ có những doanh nghiệp làm cùng nhau từ bao bì và đóng gói. Khách hàng có thể sử dụng bao bì để gửi lại hàng hóa.
Các mô hình dịch vụ cho thuê quần áo thiết kế; mô hình bán hàng đã qua sử dụng trực tuyến; mô hình dịch vụ sửa chữa trang phục nhanh B2C, B2B; chương trình thu hồi và bán lại các mẫu cũ; mô hình thiết kế trang phục có thể tháo rời và kéo dài tuổi thọ; mô hình giảm và tái sử dụng vật liệu; mô hình vận chuyển tuần hoàn,…
Hương Anh (t/h)