Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự thảo đề án "Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á", đang được Đại học Quốc gia TP.HCM lấy ý kiến từ các bộ ngành và sẽ được trình Chính phủ trong năm nay.
Hiện tại, Đại học Quốc gia TP.HCM đang xếp vị trí 167 trên bảng xếp hạng QS Asia.
Mục tiêu của đề án đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM lọt vào top 100, đồng thời trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn châu Á, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.
3 lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu trọng tâm
Trong dự thảo đề án phát triển thành đại học tốp đầu châu Á, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ dành nhiều nguồn lực cho đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong 3 lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo.
Ở lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng khung chương trình đại học, sau đại học cũng như đào tạo cấp chứng chỉ công nghiệp, quốc tế về thiết kế vi mạch.
Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn Đại học Quốc gia TP.HCM, làm đầu mối phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm chuyên sâu. Đây sẽ là nơi thiết kế các loại vi mạch MCU, RF Transceivers for IoT, RF FEM, MMIC for 5G, ADC/DAC Ips,…
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo được 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch, đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Ở lĩnh vực Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia TP.HCM lên chiến lược nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ lõi, bao gồm công nghệ gen, công nghệ tế bào động vật, tế bào gốc, tế bào thực vật, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ miễn dịch,…
Đại học Quốc gia TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và chế tạo thử nghiệm thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh, hệ thống chẩn đoán và liệu pháp điều trị bệnh tiên tiến, kháng thuốc, y học tái tạo, vắc-xin phòng dịch bệnh mới, sinh dược, thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược đặc hữu.
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu làm chủ một số công nghệ lõi về tế bào gốc, giống, vắc-xin, kỹ thuật y sinh, hóa dược, hóa thực phẩm,…
Ở lĩnh vực Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ hợp tác chiến lược với Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và Đại học Quốc gia Singapore để cập nhật chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giảng viên.
Các trung tâm dữ liệu lớn, chính sách về dữ liệu bao gồm hệ thống tiêu chuẩn, các sandbox về AI sẽ được triển khai. Đến năm 2030, sẽ có 4 trung tâm nền tảng được thành lập, gồm trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI, trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm đại học số, trung tâm an ninh mạng.
Ở mỗi lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM đều đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có nhiều hơn 1 dự án khởi nghiệp gọi vốn đầu tư thành công với quy mô trên 10 triệu USD.
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đại học Quốc gia TP.HCM
Một trụ cột trong chiến lược đưa Đại học Quốc gia TP.HCM vào tốp các trường châu Á là phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, được kết nối với vùng và khu vực châu Á.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ xây dựng chương trình, đề án ươm tạo các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp (start-up). Đồng thời, trung tâm sẽ xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.
Đến năm 2030, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thu hút được 50 tập đoàn, công ty đặt bộ phận R&D.
Đồng thời, trung tâm sẽ triển khai 1 chương trình ươm tạo được triển khai quy mô quốc gia, và có hơn 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công trên 10 triệu USD.
Về kế hoạch tài chính, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra kế hoạch tỉ lệ nguồn thu tăng mỗi năm 7%.
Đơn vị sẽ đa dạng các nguồn thu từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ hợp tác khai thác Khu đô thị đại học và các cơ sở nội thành, từ các nguồn tài trợ, viện trợ của cựu sinh viên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai đầu tư thông qua các dịch vụ đầu tư tài chính, đầu tư mạo hiểm thông qua thành lập và vận hành mô hình công ty đầu tư tài chính VNU Techno Holdings.
Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành cũng là một nhiệm vụ lớn. Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng chính sách đặc thù, lộ trình phát triển để tuyển dụng, giữ chân các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đầu ngành có năng lực nghiên cứu tốt, có thành tích công bố quốc tế xuất sắc.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ xây dựng và triển khai chính sách quản lý, đánh giá và trả lương cán bộ theo kết quả đầu ra.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại học quốc gia sẽ phải phụng sự cho những mục tiêu chiến lược và có thể tập trung những vấn đề mà các trường đại học khác chưa quan tâm.