Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science số ra ngày 8-9.
Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Đại dương học quốc gia Anh (NOC) thực hiện.
Theo đó, các nhà khoa học ghi nhận trong đợt phun trào vào tháng 1-2022, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dưới Thái Bình Dương đã phun đất đá, tro bụi và khí gas khắp đáy biển với tốc độ 122km/h. Đây là vụ phun trào mạnh nhất được ghi nhận từ trước đến nay bằng thiết bị hiện đại.
Vụ phun trào đã gây ra một trận sóng thần dữ dội và "những dòng chảy như tuyết lở", làm hỏng cáp viễn thông dưới đáy biển kết nối quần đảo Tonga với phần còn lại của thế giới. Nhóm nghiên cứu dựa vào thời gian và địa điểm dây cáp bị hỏng để tính toán vận tốc của dòng chảy.
Theo nhà khoa học Mike Clare thuộc NOC, cột phun trào của núi lửa cao tới 57km, trút thẳng xuống nước và xuống các sườn dốc dưới biển. Tốc độ và cường độ của dòng hải lưu lớn đến mức có thể di chuyển ít nhất 100km dưới đáy biển và làm đứt các dây cáp.
Dòng chảy do núi lửa phun trào tạo ra di chuyển với tốc độ nhanh hơn dòng chảy do động đất, lũ lụt và bão gây ra.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ghi nhận những gì diễn ra khi một lượng lớn vật liệu núi lửa phun trào trực tiếp ra đại dương. Các nhà khoa học tính toán vụ phun trào năm 2022 của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã giải phóng một lực tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Isobel Yeo cũng thuộc NOC cho biết có nhiều ngọn núi lửa nằm dưới đại dương nhưng rất ít được theo dõi, và điều này khiến rủi ro đối với các cộng đồng ven biển và cơ sở hạ tầng quan trọng "chưa được hiểu rõ".
Sáng 1-2, ngọn núi lửa chìm dưới nước có tên East Epi của Vanuatu bắt đầu phun trào. Nhà chức trách đã cảnh báo tàu thuyền và máy bay tránh khu vực này.