Gác lại những lo ngại về tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa đang ở vùng đỉnh lịch sử, cũng như xu hướng giảm tiếp diễn đẩy VN-Index kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ 1.232 điểm hoặc thấp hơn là 1.212-1.222 điểm, thị trường chỉ biến động trong biên độ hẹp và hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch sáng cuối tuần nhờ dòng tiền sôi động lan tỏa toàn thị trường.
Bước sang phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là những lực cản chính khiến thị trường chỉ nhúc nhắc xanh rồi nhanh chóng quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, với lực cầu tham gia khá tốt, chỉ số VN-Index chỉ rung lắc trong biên độ khá hẹp và đứng vững trên vùng giá 1.240 điểm.
Thị trường đã khép lại phiên cuối tuần trong trạng thái phân hóa mạnh với số mã tăng giảm khá cân bằng nhau và chỉ số chung tiếp tục giảm nhẹ do chịu gánh nặng từ cặp đôi vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC – VHM. Điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường khá tốt với khối lượng giao dịch duy trì trên 1 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị vượt mức 26.000 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 10 phiên gần đây và đứng thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ thua phiên kỷ lục ngày 18/8 vừa qua, đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Dư nợ margin không cao, ước đạt 150.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ dư nợ margin/vốn hoá ở vùng đỉnh lịch sử
Đóng cửa, sàn HOSE có 254 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index giảm 1,66 điểm (-0,13%), xuống 1.241,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.097,93 triệu đơn vị, giá trị 26.335,44 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,64% về lượng nhưng tăng 6,32% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 124,38 triệu đơn vị, giá trị 3.693,17 tỷ đồng, trong đó riêng TCB thỏa thuận 45,89 triệu cổ phiếu, giá trị gần 1.531 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là tác nhân chính khiến thị trường mất điểm khi đóng cửa giảm hơn 6 điểm, với sự ghi nhận 12 mã tăng và 17 mã giảm. Trong đó, riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup đều giảm hơn 2%, đã lấy đi hơn 3,1 điểm của chỉ số chung, nhưng giao dịch khá sôi động với VIC thuộc top 5 thanh khoản cao nhất với khối lượng khớp 28,22 triệu đơn vị, VHM khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Trái lại, cặp đôi khác trong nhóm bất động sản là BCM và GVR vẫn có mức tăng tốt nhất trong rổ này, lần lượt đạt 2,3% và 1,3%, đây đều là các mã trong nhóm bất động sản khu công nghiệp.
Xét về nhóm ngành, dù có trạng thái phân hóa ở rổ Vn30, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn giảm mạnh nhất thị trường bởi gánh nặng từ các mã lớn. Tuy nhiên, một số mã vẫn tích cực như NVL kết phiên tăng 1,9% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 52,61 triệu đơn vị, cặp VCG và KBC cũng tăng tốt lần lượt 2,6% và 3,4% với thanh khoản đạt 19,4 triệu đơn vị và 17,85 triệu đơn vị; hay các mã thị giá nhỏ như PTL, TDH, CIG kết phiên đều tăng kịch trần.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến kém tích cực hơn, chỉ còn VPB, HDB, SSB, OCB may mắn giữ được sắc xanh nhưng đều tăng chưa tới 0,5%; trong khi CTG, MBB, TCB, MSB, STB, TPB đều giảm hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu thép vẫn ngược dòng thành công, trong đó HPG tăng nhẹ 0,3% và khớp lệnh 33,79 triệu đơn vị; HSG tăng 2,3% và khớp 17,24 triệu đơn vị, NKG tăng 4,5% và khớp hơn 16 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu phân bón với các mã DCM, DPM, BFC, SFG, VAF tiếp tục duy trì đà tăng trần, hưởng lợi từ thông tin Trung Quốc yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá phân ure trên thị trường nội địa nước này tăng vọt (theo hãng tin Bloomberg). Trong đó, DCM dư mua trần hơn 4,5 triệu đơn vị, DPM dư mua trần 2,64 triệu đơn vị.
Cổ phiếu phân bón “chạm nóc”, giá phân bón được dự báo tiếp tục tăng
Trên sàn HNX, dù thị trường cũng trong xu hướng rung lắc nhẹ nhưng HNX-Index may mắn vẫn giữ được đà tăng nhẹ.
Đóng cửa, sàn HNX có 113 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,02%), lên 256,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 107,23 triệu đơn vị, giá trị 1.996,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,24 triệu đơn vị, giá trị 64,63 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu phân bón trên HNX cũng nổi sóng lớn với hàng loạt mã như LAS, PMB, PMP, PSW, PSE, PCE đều đóng cửa tăng kịch trần. Trong đó, LAS khớp lệnh gần 2,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, giao dịch tiếp tục phân hóa với SHS đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.800 đồng/CP và thanh khoản trở lại vị trí dẫn đầu với 11,89 triệu đơn vị khớp lệnh; APS giảm 2,1%; trong khi VIG tăng khá tốt 5,15%; TVC tăng 1,5%, MBS tăng nhẹ 0,5%, PSI tăng 5,6%.
Xét về nhóm cổ phiếu vốn hóa, ngoài LAS, một số mã khác trong rổ HNX30 cũng giao dịch khởi sắc, đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như DDG tăng 6,95 và khớp 5,15 triệu đơn vị, IDC tăng 1,8%, TNG tăng 1,9%, TAR tăng 2% và thanh khoản đạt 3-4 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường cũng may mắn thoát hiểm cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 94,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,62 triệu đơn vị, giá trị 1.028,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,33 triệu đơn vị, giá trị 53,39 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu phân bón, cặp đôi giao dịch trên UPCoM là DDV và DHB đều đóng cửa tăng kịch trần. Trong đó, DDV giao dịch bùng nổ với hơn 5,45 triệu đơn vị giao dịch thành công và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.
Một điểm sáng khác trên UPCoM là BSR. Ngay sau thông tin gỡ vướng cho việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, cổ phiếu BSR đã nới rộng đà tăng cùng giao dịch sôi động. Kết phiên, BSR tăng 3,4% lên mức 21.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt gần 12,9 triệu đơn vị.
Cũng thuộc top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động trên thị trường là cặp đôi chứng khoán SBS và AAS cùng đạt hơn 3,8 triệu đơn vị, kết phiên SBS tăng 1,1% và AAS tăng 3,2%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều biến động trong biên độ hẹp với 3 mã giảm và 1 mã tăng. Trong đó, VN30F2309 giảm 5,3 điểm, tương đương -0,4% xuống 1.249,9 điểm, khớp lệnh hơn 189.970 đơn vị, khối lượng mở đạt 45.635 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, các mã được giao dịch cao nhất đa số giảm, với CCVHM2308 khớp được hơn 3,61 triệu đơn vị, cao nhất thị trường và giảm 19,5% xuống 330 đồng/cq, CVPB2307 khớp hơn 2,3 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu tại 580 đồng/cq.