Chiều 9/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, báo chí có đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu của Việt Nam sau 8 tháng đầu năm.
"Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về kết quả xuất khẩu tháng 8, sự khởi sắc ở những ngành nào? Dự báo từ nay đến cuối năm có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không và các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu như thế nào?", báo chí đặt vấn đề với Bộ Công Thương.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7. Ông Hải nhấn mạnh đây là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu đánh dấu mức tăng, đáng chú ý là mức tăng của tháng sau có xu hướng cao hơn tháng trước (tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6; tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước).
Về các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng 8/2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải điểm tên một số mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm về gỗ...
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023, xuất khẩu trong khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD (tăng 8,7% so với tháng trước), trong khi khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất khẩu đạt 23,94 tỷ USD (tăng 7,3%). Xuất khẩu tháng 8 cũng giúp cán cân thương mại sau 8 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 20,2 tỷ USD.
Lý giải về xu hướng phục hồi của xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ, ngành cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì từ tháng 4 đến nay, nhất là tháng 8 vừa qua nhu cầu của các thị trường đã tăng trở lại.
Theo ông Hải, như thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ tồn kho giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tỷ lệ tồn kho tại Mỹ ở mức đến 20%, nhưng đến tháng 8 chỉ còn 10%, dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về mức 0.
"Đây là cơ hội hàng xuất khẩu của chúng ta tại thị trường Mỹ", ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Theo ông Hải, từ nay đến cuối năm dù đã có nhiều tín hiện tích cực song dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó lường. Lạm phát đã chững lại song vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước; tình hình địa chính trị vẫn phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào…
"Hy vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu có thể tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt, cũng như rất linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chủ động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, phát huy tốt các hiệp định thương mại thế hệ mới", ông Hải cho biết.
Đáng chú ý, theo báo cáo từ các địa phương có doanh nghiệp FDI cho biết dự báo xu hướng xuất khẩu tốt hơn. Đặc biệt là các sản phẩm mới để xuất khẩu cho mùa cuối năm như Samsung với các mẫu điện thoại mới.
"Căn cứ vào các kết quả nêu trên thì mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt từ cuối năm 2022 dù khó khăn nhưng với sự chủ động của Chính phủ, bộ ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả khả quan từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí cho doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp có thêm động lực xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành, đại diện cơ quan tại nước ngoài để đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại… đặc biệt tại các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn. Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những lợi thế trong các hiệp định thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.87571949190903202-uahk-taux-iuv-nit-oab-gnouht-gnoc-ob/et-hnik/nv.vtv