vĐồng tin tức tài chính 365

Bà giáo già giăng bẫy tóm 'y tá tử thần' trên mạng

2023-09-10 07:11

Ngày 20/4/2008, cảnh sát Ottawa, Canada, vớt được một thi thể nữ trên sông. Qua xác minh, nạn nhân là Nadia Kajouji, sinh viên 18 tuổi mất tích vào tháng trước. Nguyên nhân tử vong là đuối nước.

Sau khi rời nhà đến Đại học Carleton ở Ottawa, Nadia mắc chứng trầm cảm vì biến cố tình cảm. Cô được bác sĩ tâm lý của trường kê đơn thuốc nhưng không thấy tác dụng rõ rệt. Một tháng trước khi xảy ra sự việc, tình trạng của Nadia đã rất nghiêm trọng, cô bắt đầu đếm ngược trên Internet và viết "nhật ký tự tử" dưới dạng video.

Ngày 8/3/2008, Nadia quay đoạn video cuối cùng, giấu nửa khuôn mặt trong bóng tối khi chia sẻ về chứng trầm cảm và nói không thể chịu đựng được nữa.

Cảnh sát kết luận Nadia đã nhảy xuống sông. Máy tính và đồ dùng cá nhân của cô được gửi về nhà, cất giữ nguyên vẹn dưới tầng hầm.

Tháng 6/2008, mẹ Nadia bỗng nhận được một cuộc gọi từ Anh, người phụ nữ trong điện thoại nói cái chết của Nadia không đơn giản là tự tử, hung thủ đang ẩn núp trong máy tính của nữ sinh.

Người phụ nữ bí ẩn này là Celia Blay, 62 tuổi, sống tại ngôi làng nhỏ Maiden Bradley ở hạt Wiltshire, tây nam nước Anh. Celia từng là giáo viên cấp hai và thích đọc tiểu thuyết trinh thám khi rảnh rỗi. Sau khi nghỉ hưu cách đây vài năm, con gái sợ bà cô đơn nên tặng một chiếc máy tính cũ, đồng thời dạy bà lên mạng, gõ chữ trò chuyện trực tuyến.

Bà Celia Blay sống cùng chồng ở Maiden Bradley, hạt Wiltshire, Anh. Ảnh: Wiltshire Times

Bà Celia Blay sống cùng chồng ở Maiden Bradley, hạt Wiltshire, Anh. Ảnh: Wiltshire Times

Năm 2006, tò mò nhấn vào một nhóm chat tự tử, bà kết bạn với thiếu nữ 17 tuổi ở Nam Phi mắc chứng trầm cảm nặng, có ý định tự tử. Với kinh nghiệm nhà giáo lâu năm, Celia liên tục an ủi, khuyên giải, giúp cô gái từ bỏ ý nghĩ tìm đến cái chết.

Sau đó, cô gái cho biết có một người bạn trên mạng khác tên là Li Dao, nữ y tá trẻ người Mỹ gốc Á, cũng có ý định tương tự. Hai người từng hẹn một tuần sau cùng nhau "thực hiện", Li Dao còn đề nghị cùng mở webcam để tăng thêm dũng khí.

Celia trao đổi với cô gái Nam Phi, nhận được sự đồng ý để đăng nhập bằng tài khoản của cô vào thời điểm hai người hẹn nhau tự tử và mở webcam như đã hứa. Bà bất ngờ nhìn thấy một người đàn ông trung niên bụng bia trong video nhưng đối phương nhanh chóng tắt camera. Tuy nhiên, bà kịp nhìn thấy địa chỉ email của đối phương hiện lên khi video kết nối và ghi nhớ cái tên Melchert-Dinkel.

Trực giác cảm thấy người này có vấn đề, Celia bắt đầu theo dõi Melchert-Dinkel trên mạng. Bà dùng tên giả "nằm vùng" trong nhiều diễn đàn và phòng chat về tự tử. Sau nhiều ngày điều tra, Celia biết Melchert-Dinkel thường sử dụng tên Falcongirl, Li Dao và Cami D trên Internet.

Hắn tìm kiếm những người trẻ tuổi trên nhiều diễn đàn và phòng chat, đa số là phụ nữ. Sau khi tìm được mục tiêu, hắn đóng vai nữ y tá trẻ cũng bị trầm cảm, khuyến khích đối phương tìm đến cái chết, đồng thời hướng dẫn các phương pháp "nhanh chóng, không đau đớn"...

Sau khi thu thập được những chứng cứ này, Celia lập tức trình báo cảnh sát hạt Wiltshire nhưng không được coi trọng.

Tháng 1/2008, Celia và người bạn tên Kat Lowe giăng bẫy Melchert-Dinkel dưới danh nghĩa Cathy, nữ sinh 16 tuổi.

Celia và Kat giành được sự tin tưởng của Melchert-Dinkel, tìm thấy thông tin truy ra địa chỉ IP và nơi cư trú của hắn ở Minnesota (Mỹ). Họ nhìn thấy diện mạo Melchert-Dinkel qua nguồn cấp dữ liệu webcam khi hắn đóng giả là Cami D. Celia còn tìm ra một bức ảnh gia đình cho thấy Melchert-Dinkel đã kết hôn và có hai con gái tuổi teen.

Celia mua vé tàu đến trụ sở cảnh sát thủ đô New Scotland Yard để trình báo nhưng họ chỉ dừng ở việc lập hồ sơ. Không bỏ cuộc, sau khi xác nhận Melchert-Dinkel đang sống ở Mỹ, bà nhiều lần gửi email, gọi điện cho FBI, thậm chí gửi một bản khai có tuyên thệ cho họ nhưng không nhận được phản hồi.

Lúc này, Celia phát hiện Melchert-Dinkel đang nhắm mục tiêu mới là cô gái người Canada tên Nadia. Bà và bạn đăng ký bảy tài khoản trên mạng để cảnh báo Nadia, liên tục nhấn mạnh về mối nguy hiểm của Melchert-Dinkel với hy vọng ngăn chặn thảm kịch. Nhưng sau khi Nadia và Cami D cùng biến mất trên Internet vào ngày 8/3/2008, bà biết chuyện khủng khiếp đã xảy ra.

Trong hơn một tháng sau đó, Celia cập nhật tin tức địa phương ở Ottawa trên Internet mỗi ngày cho đến khi hay tin thi thể Nadia được tìm thấy trên sông. Bà tìm ra số điện thoại của gia đình Nadia để nói rõ sự thật cho họ.

Sau cuộc gọi từ nước Anh, bố mẹ Nadia bắt đầu kiểm tra máy tính của con gái, phát hiện Nadia rất thân thiết với bạn trên mạng tên Cami D hơn một tháng trước cái chết. Người này đã tỉ mỉ sắp xếp một kế hoạch cho Nadia, dựa trên chiều cao và cân nặng của cô để tính toán chiều dài dây và độ cao cần thiết, đồng thời gửi hình dạy cách thắt nút dây. Cami D thể hiện như một người chị từng trải, dùng giọng điệu nhẹ nhàng dụ dỗ để cổ vũ Nadia làm theo.

Nadia bị thuyết phục, nhưng cuối cùng đã chọn cách khác để không khiến gia đình và bạn bè sợ hãi. Sau cái chết của Nadia, Cami D không bao giờ lên mạng nữa.

Sau khi đọc lịch sử trò chuyện, bố mẹ Nadia mang máy tính đến Sở Cảnh sát Ottawa, lần này vụ án được điều tra nghiêm túc.

Qua địa chỉ IP, cảnh sát xác định nghi phạm là William Francis Melchert-Dinkel, sinh năm 1962, sống ở thành phố Saint Paul, bang Minnesota, có bằng y tá.

Cảnh sát Canada liên hệ với cảnh sát Mỹ để phối hợp điều tra nhưng không suôn sẻ. Dù có địa chỉ của nghi phạm, ngôi nhà này có bốn người thường trú và không rõ số lượng bạn bè, khách đến thăm có thể sử dụng máy tính này để lên mạng. Bằng chứng trong tay không thể xác nhận chắc chắn Li Dao, Cami D, Falcongirl là Melchert-Dinkel. Bên cạnh đó, Nadia đã nhảy sông thay vì tự tử như lời Cami D. Chỉ với vài cuộc trò chuyện trực tuyến và một địa chỉ IP, cảnh sát không thể triệu tập Melchert-Dinkel để thẩm vấn, càng không thể kết tội.

Khi biết tin, Celia và các bạn bắt đầu đăng bài trên các diễn đàn lớn trên khắp thế giới vạch trần Melchert-Dinkel. Bà công bố ảnh, tên trên mạng và hai email được sử dụng nhiều nhất của hắn là falcongirl507@yahoo.com và li_dao05@yahoo.com.

Cộng đồng mạng phẫn nộ, đưa địa chỉ nhà và nơi làm việc của Melchert-Dinkel lên mạng, khiến hắn phải dừng hành nghề y tá. Mặt khác, một số người cáo buộc Celia xâm phạm quyền riêng tư của Melchert-Dinkel, gây ra những rắc rối không đáng có cho gia đình hắn.

William Melchert-Dinkel (giữa) nắm tay vợ, cùng luật sư rời tòa năm 2011. Ảnh: Pioneer Press

William Melchert-Dinkel (giữa) nắm tay vợ, cùng luật sư rời tòa năm 2011. Ảnh: Pioneer Press

Dưới sức lan truyền của vụ việc, cuối 2008, một cô gái 16 tuổi giấu tên khai với cảnh sát rằng chưa đầy một tháng sau cái chết của Nadia cô đã trò chuyện với Melchert-Dinkel trên mạng dưới tên Falcongirl. Hắn cố thuyết phục cô treo cổ theo cách tương tự. May mắn là bố mẹ cô gái phát hiện và ngăn chặn vụ việc.

Vì cô gái này còn ở tuổi vị thành niên, Lực lượng đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi tội phạm Internet của bang Minnesota cũng tham gia điều tra vụ án cùng Sở cảnh sát Saint Paul.

Ở Anh, một phụ nữ tên Carol Drybrough chủ động tìm đến Celia vì tin rằng vụ treo cổ của em trai cô năm 2005 có liên quan đến Melchert-Dinkel.

Mark Drybrough, chuyên viên IT, mắc chứng trầm cảm và suy nhược thần kinh. Tháng 7/2005, Carol đến nhà em trai vì có hẹn đi xem triển lãm. Trước cửa chung cư, cô thấy một tờ giấy viết tay: "Đừng lên lầu, xin hãy về nhà và đưa tờ giấy này cho cảnh sát". Thấy bất an, Carol yêu cầu chủ nhà mở cửa, sau đó nhìn thấy thi thể Mark.

Cảnh sát kết luận Mark tự tử. Nhưng Carol luôn canh cánh trong lòng vì máy tính xách tay của Mark khi đó vẫn mở webcam, tin nhắn cuối cùng cô nhìn thấy trên màn hình là: "Anh ổn chứ, Mark? - Li". Đến 2008, Carol mới biết Li rất có thể là Li Dao, tên trên mạng của Melchert-Dinkel.

Cảnh sát khôi phục dữ liệu từ máy tính, tìm ra tất cả email giữa Li Dao và Mark. Qua đó, Li Dao hướng dẫn từng bước Mark, dạy "đặt nút dây thừng sau tai trái", điều này được xác nhận trong cuộc khám nghiệm tử thi của cảnh sát.

Theo ước tính của bà Celia, có hơn 10 trường hợp tự tử liên quan Melchert-Dinkel và hầu hết đều không gây ra bất kỳ nghi ngờ nào.

Cảnh sát sau đó bắt William Francis Melchert-Dinkel với tội danh trợ giúp người khác tự tử.

Theo bản khai có tuyên thệ, Melchert-Dinkel thừa nhận từ năm 2003 đã hướng dẫn và khuyến khích 5 người tự tử qua trò chuyện trên mạng, nhưng không rõ có những ai thực sự làm theo.

Sau nhiều tranh cãi do thiếu quy định của luật, tháng 5/2011, Melchert-Dinkel bị tòa án Minnesota phạt tù 360 ngày, nhưng chỉ có 320 ngày trong số đó là phải thụ án liên tục. Với thời gian còn lại của bản án, Melchert-Dinkel buộc phải quay lại nhà tù hai ngày mỗi năm trong một thập kỷ vào ngày mất của nạn nhân. Tuy nhiên trên thực tế, hắn chỉ phải ngồi tù 178 ngày với 10 năm quản chế.

Tuệ Anh (Theo Zhihu, Toronta Star)

Xem thêm: lmth.0201564-gnam-nert-am-ca-at-y-mot-yab-gnaig-aig-oaig-ab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bà giáo già giăng bẫy tóm 'y tá tử thần' trên mạng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools