Sản lượng hạt tiêu trên toàn cầu ước đạt 526 nghìn tấn, riêng Việt Nam có 200 nghìn tấn
Báo Vietnamnet dẫn nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2023 ước đạt 526 nghìn tấn, thấp hơn so với mức 537,6 nghìn tấn của năm 2022. Trong đó, sản lượng mặt hàng này tại Brazil, Indonesia và Ấn Độ dự báo giảm so với năm 2022
Riêng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái và chiếm 38% sản lượng hạt tiêu trên toàn cầu.
Với sản lượng trên, Việt Nam tiếp tục chiếm giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu.
Tại Việt Nam, hạt tiêu được ví như “vàng đen”. Ước tính tháng 8 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 16.000 tấn hạt tiêu, thu về 60 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 5,4% về giá trị so với tháng 7/2023.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu khoảng 184 nghìn tấn "vàng đen", kim ngạch đạt 600 triệu USD, tăng 14,5% về lượng nhưng giảm 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đang dần phục hồi, song trong 8 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 7/9, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550g/l của Việt Nam lượt lần lượt ở mức 3.500 USD/tấn và 3.600 USD/tấn. Còn giá tiêu trắng xuất khẩu giữ ở mức 5.100 USD/tấn.
Giá tiêu tại thị trường nội địa duy trì ở mức 71.000-73.500 đồng/kg.
Hiện lượng hạt tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều, theo đó, các chuyên gia trong ngành cho biết, từ giờ đến cuối năm, hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu nội địa tăng trong tháng 8/2023 và những ngày gần đây.
Trước nhiều biến động trên thế giới, dự báo, trong ngắn hạn thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu sức ép từ nhu cầu của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Song, nhu cầu từ các thị trường này chưa thực sự khởi sắc. Theo đó, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp.
Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng và sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới
Trong số các loại gia vị của Việt Nam thì hạt tiêu (hồ tiêu) đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước xuất khẩu hạt tiêu nhiều nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia. Hạt tiêu Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới.
Đáng chý ý, thời gian qua, liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hạt tiêu Việt Nam. EU là khối thương mại lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình 0,9% mỗi năm. Hiệp định EVFTA được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang mở ra những tiềm năng lớn về xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam (cắt giảm thuế quan về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Điều này cho thấy, Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hạt tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Việt Nam đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hạt tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, hạt tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Theo số liệu trên TC Công Thương, Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng và sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới, hạt tiêu Việt Nam có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu chiếm 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm… Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, quy mô thị trường hạt tiêu đen toàn cầu ước đạt trị giá 4.184,2 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2022 - 2028. Song song đó, xu hướng sử dụng chất điều vị tự nhiên gần đây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu. Tuy nhiên, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành Hồ tiêu Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức lớn trong tương lai.
Giá xuất khẩu hạt tiêu năm 2022 tăng gần 19%
Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226.000 tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu giảm do lạm phát tăng cao và chính sách "Zezo COVID" của Trung Quốc. Mặc dù vậy, giá hạt tiêu năm 2022 cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng.
Trúc Chi (t/h)