Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết dự án tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn bởi đây không chỉ là cây cầu kết nối liên vùng, là mong ước của người dân mà còn là tình cảm, sự quyết tâm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Ban Giao thông và huyện Nhà Bè.
Bà Trần Thị Liễu (77 tuổi) là người dân từng hiến đất cho dự án cầu Long Kiểng vui mừng, xúc động khi cầu vừa được thông xe và hoàn thành.
Ông Lương Bá Triệu (71 tuổi) cũng có mặt tại lễ khánh thành để hoà chung niềm vui cùng bà con. “Gia đình tôi từ sau khi nhường đất làm cầu đã thoát cảnh ngập nước, nhà thành mặt tiền, đường xá đẹp, rộng rãi nên việc buôn bán thuận lợi hơn. Hôm nay chạy qua cầu mới, tôi rất sung sướng, hạnh phúc”- ông Triệu nói.
Cùng chung niềm vui vì có cây cầu mới, anh Nguyễn Lâm Giang cho biết mẹ anh (cụ Lâm Thị Nga, 86 tuổi) từ hồi trẻ đã mong cầu sớm hoàn thành, để người dân, nhất là các em học sinh đi lại thuận tiện.
Nhớ lại dự án cầu Long Kiểng, ông Phúc cho biết dự án cầu Long Kiểng được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2001 và đến nay đã gần 23 năm mới có thể thông xe. Đây là một công trình không lớn về tổng mức đầu tư (hơn 589 tỉ đồng) nhưng lại là công trình mang đến nhiều bài học quý giá từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), lập tiến độ dự án và cả quá trình chuẩn bị đầu tư.
Trong lúc chờ cây cầu mới, người dân khu vực di chuyển khó khăn |
Theo ông Phúc, dự án kéo dài nhiều năm là do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hai lần, một lần thay đổi chủ đầu tư (từ Sở GTVT TP sang Ban Giao thông). Bên cạnh đó, TP còn triển khai các nhóm công việc như xác định quy mô dự án, ranh dự án, điều chỉnh bổ sung nhiều hạng mục phù hợp với quy hoạch mới, cập nhật đơn giá bồi thường, GPMB và dự án cũng trải qua hai lần không được bố trí vốn.
“Dự án được chính thức khởi công vào năm 2018, nhưng sau đó lại ngưng thi công. Trong 3 năm trở lại, cả TP đều thấy rằng đây là công trình không thể kéo dài thêm nữa. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, triển khai nhiều nhóm công việc để lập lại tiến độ, giải quyết mọi khó khăn để dự án được khởi động lại vào tháng 9-2022” - ông Phúc nói.
Các công việc của dự án được triển khai xuyên suốt mùa COVID-19, chủ đầu tư cùng với huyện Nhà Bè luôn đồng hành, vận động chia sẻ cùng bà con trong thời điểm di dời nhà cửa.
Tại thời điểm này, Ban Giao thông cùng với địa phương trình đơn giá bồi thường, vướng mắc với các sở ngành để đẩy nhanh nhất có thể những thủ tục còn vướng mắc cho dự án, Cũng trong thời điểm khó khăn nhất, TP cũng có nhiều cách làm sáng tạo dù dịch đang đỉnh điểm như họp trực tuyến, thống kê kiểm đếm dự án, đo vẽ…
Khi đó, lãnh đạo huyện Nhà Bè đã tới từng hộ dân để lắng nghe, trao đổi tâm tư và cùng hiểu, thông cảm để từ đó dự án sớm được khơi thông.
Đến nay, bà con huyện Nhà Bè đã thân quen với hình ảnh gần gũi, ân cần của bà Nguyễn Thị Lệ.
Ngày khánh thành cầu, Chủ tịch HĐND TP vẫn nhắc lại sự kiện năm 2021 khi đi tiếp xúc với cụ Lâm Thị Nga (86 tuổi), sống gần cầu Long Kiểng.
Sau nhiều lần tiếp xúc, thay vì gọi cụ, nay Chủ tịch HĐND TP gọi cụ Nga là Má. Bà Lệ nắm tay, ân cần hỏi han sức khỏe của Má Nga. Cả Má Nga và bà Lệ đều nghẹn ngào, xúc động khi cầu Long Kiểng đã hoàn thành và hơn hết lời hứa của lãnh đạo TP.HCM với Má Nga và nhân dân huyện Nhà Bè đã thành hiện thực. Tại gia đình Má Nga, Chủ tịch HĐND TP đã thuyết phục Má lên cầu mới, ngồi cùng lãnh đạo TP để chứng kiến giây phút cầu Long Kiểng được khánh thành.
“Sáng nay, khi tôi tới thăm Má, Má nói người dân đi lại thuận lợi hơn, các cháu học sinh đến trường dễ dàng. Má Nga cũng mong ước Đảng và Nhà nước tiếp tục xây dựng nhiều cây cầu ý nghĩa như vậy”.
“Tôi rất mong những công trình tiếp theo sẽ được thực hiện như những gì đã cam kết, đã hứa trước dân” – bà Lệ nhấn mạnh và đề nghị các đơn vị liên quan cần triển khai thật tốt công tác thi công, đẩy nhanh các dự án khác trên tuyến đường này như Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Dơi...
Ông Phúc cũng cho biết Chủ tịch HĐND TP đã 4 lần xuống thăm, giám sát dự án. Đây là một công trình được người dân, cử tri TP rất quan tâm. Ban Giao thông nhận thấy đây vừa là áp lực, cũng là động lực để Ban phấn đấu, đưa dự án về đích đúng như kế hoạch đề ra.
“Dự án hôm nay đã hoàn thành, nhưng tôi tin rằng nguồn áp lực đó chính là động lực cho cả Ban Giao thông, huyện Nhà Bè phải làm, quyết tâm đưa dự án về đích như một lời hứa phải thực hiện”.
Đúng ngày 8-9-2021, tôi đã đứng trước bà con nhân dân huyện Nhà Bè để nhận mặt bằng triển khai dự án – đây là lần đầu tiên TP.HCM có một lễ bàn giao mặt bằng. Tại đây, tôi có hứa với bà con sẽ hoàn thành dự án trước ngày 31-12-2023, hôm nay dự án được hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Đó là toàn bộ sự quyết tâm, trân trọng của Ban Giao thông đối với bà con nhân dân huyện Nhà Bè và người dân TP.
Tôi xem việc hoàn thành cầu Long Kiểng như một biểu tượng cho hàng loạt dự án sau này. Khi đã có mặt bằng thì không có lý do gì để chậm trễ và hoàn toàn có thể kiểm soát để hoàn thành vượt tiến độ. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm để Ban Giao thông nhân rộng trong thời gian tới.
Tôi coi buổi lễ này như một lời tri ân, cảm ơn bà con đã hy sinh và hơn hết là một lời cam kết của cả Ban Giao thông, huyện Nhà Bè về sự quyết tâm để đưa dự án về đích đúng như tiến độ.
Ngay sau đó, dự án cầu Nam Lý cũng được TP Thủ Đức triển khai lễ bàn giao mặt bằng và dự án đến nay cũng mang lại kết quả nhất định.
"Bên cạnh lý trí, chúng ta cần có cảm xúc, khát vọng trong công việc".
Trong nhiều buổi giám sát, ông Lương Minh Phúc đã khẳng định:“Ban Giao thông sẽ thông xe cầu Long Kiểng sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch”.
Lúc này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ gặng hỏi: “Chắc không? ". Ông Phúc khẳng định: “Chắc chắn ạ”.
Chia sẻ về cảm xúc này, ông Phúc cho biết ngành giao thông gặp phải thách thức rất lớn bởi luôn bị gắn liền với điệp khúc “trễ tiến độ”. Tuy nhiên, dự án cầu Long Kiểng phải thực sự khác. Chúng tôi coi việc giám sát của lãnh đạo TP, vừa là áp lực và động lực. Từ đó, chúng tôi tìm được nhà thầu có năng lực, truyền được động lực cho anh em để kiểm soát thật tốt các mốc tiến độ, chất lượng và dễ dàng kiểm soát các mốc thời gian hoàn thành.
“Một lần đường găng bị đe dọa vì di dời đường điện gặp khó khăn – nếu tiếp tục chờ đợi dự án ngầm hóa lưới điện của TP thì dự án cầu Long Kiểng sẽ bị chậm. Tuy nhiên, từ các buổi thị sát của lãnh đạo, mọi công việc đều được giải quyết ngay tại chỗ.
Dự án cầu Long Kiểng tuy nhỏ mang đến cho Ban Giao thông nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là 4 bài học lớn.
Thứ nhất, cần sự đồng thuận của người dân. Dự án đã nhận được sự gửi gắm, chia sẻ một phần lợi ích của người dân vì nhường lại mặt bằng cho công trình của TP.
Thứ hai, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì mọi khó khăn đều được giải quyết. Thứ ba, chủ đầu tư phải thực sự đồng hành, tâm huyết và phải thực sự gắn bó với chính quyền, người dân…
Thứ tư, phá vỡ nút thắt GPMB. Hiện nay, các công trình chậm tiến độ đều vướng GPMB. Vì vậy, các dự án cần kiểm soát tiến độ thi công, mặt bằng.
Từ việc thông xe cầu Long Kiểng và hàng loạt dự án lớn từ Nghị quyết 98, vành đai 3 – một điển hình về GPMB, nghĩa là một giai đoạn mới sẽ diễn ra.
Từ dự án cầu Long Kiểng, mô hình bàn giao mặt bằng sẽ tiếp tục được nhân rộng, quan tâm và trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị như cầu Nam Lý, vành đai 3.
Sắp tới, chúng ta sẽ nhận mặt bằng cầu Tăng Long, Ông Nhiêu, Bà Hom, Rạch Đỉa, Phước Long…Bên cạnh đó, TP cũng sẽ triển khai hàng loạt các tuyến đường như Dương Quảng Hàm, Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, Tân Kỳ - Tân Quý, Tỉnh lộ 8…
Song song với cầu Long Kiểng, trên đường Lê Văn Lương cũng cần sớm nâng cấp cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm, Rạch Đỉa.. Bên cạnh đó, TP cần sớm hoàn thành dự án quốc lộ 50, cầu đường Bình Tiên để trở thành trục bắc nam mới kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây cũng là cửa ngõ kết nối đi miền Đông, miền Tây, các cảng biển và Cần Giờ.
Trong tương lai, khu vực Nhà Bè, quận 7 sẽ trở thành TP phía Nam và TP.HCM cần triển khai nhiều dự án trọng điểm như mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, nút giao kết nối đường Bến Lức - Long Thành, cầu Cần Giờ, cầu Phú Định, đường 15B, trục động lực TP.HCM – Long An, Tiền Giang … như vậy chúng ta sẽ có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối liên vùng.Khi đó sẽ tạo sức bật, sự đột phá cho huyện Nhà Bè nói riêng và cả khu Nam TP.
Bên cạnh đó, Nhà Bè sẽ tiếp tục nhiều dự án có mặt cắt ngang theo thực hiện Nghị quyết 98 như đường kho C, đường nối theo trục Đông - Tây để kết nối Nhà Bè- Thủ Thiêm - Bình Chánh và tỉnh Đồng Nai.