Ngày 11/7/1995 được xem là một ngày đặc biệt trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Trước sự theo dõi của cả thế giới, đương kim Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong bài phát biểu kéo dài hơn 8 phút được các kênh tin tức của Mỹ phát sóng trực tiếp, ông Clinton tin rằng đã đến lúc “để những vết thương khép miệng” sau khi “chúng đã ở đó quá lâu”.
“Từ nay, chúng ta có thể đi chung trên một con đường. Tất cả những gì khiến chúng ta bị chia rẽ trước đây, xin hãy bỏ lại phía sau. Hãy để giây phút này, như lời Kinh Thánh nói, là lúc để hàn gắn và chữa lành”, ông Bill Clinton nhấn mạnh sau khi nói về vấn đề đã gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ suốt nhiều thập niên qua.
Và mối quan hệ Việt - Mỹ đã tiến triển hơn như thế. 5 năm sau, trong cuộc họp báo sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào tháng 7/2000, ông Clinton một lần nữa khẳng định tiềm năng to lớn của 2 nước. Theo nhà lãnh đạo nước Mỹ, Việt Nam đã nỗ lực mở cửa nền kinh tế và hòa vào dòng chảy của khu vực Đông Nam Á với tư cách thành viên ASEAN và APEC. Các quan hệ trao đổi mậu dịch của Mỹ với Việt Nam cũng phát triển, trong đó xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng từ 4 triệu USD khi ông Clinton lên làm Tổng thống lên 291 triệu USD vào năm 2000.
“Hiệp định này thêm một lần nữa nhắc nhở rằng những cựu thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho nhân dân của họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải”, ông Clinton nhấn mạnh.
Chỉ vài tháng sau khi ký BTA Việt - Mỹ, Tổng thống Bill Clinton đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ. Và tất cả những người kế nhiệm ông Clinton, dù là Tổng thống của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều ít nhất 1 lần tới thăm Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần tới thăm Mỹ, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Những chuyến thăm cấp cao cũng là một phần trong hành trình bền bỉ vun đắp để quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có những phát triển vượt bậc.
Nhận định về những bước tiến lớn trong quan hệ Việt – Mỹ, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014-2018 Phạm Quang Vinh, nêu ví dụ: “Khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương chưa được nửa tỷ USD, nhưng đến khi 2 nước thiết lập mối quan hệ toàn diện là 35 tỷ USD, tức là đã tăng đến 70 lần. Sau 10 năm đối tác toàn diện, thương mại 2 nước tăng lên 123 tỷ USD”.
18 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, năm 2013, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tính tới thời điểm hiện tại, 10 năm qua là giai đoạn phát triển nhanh nhất, toàn diện nhất và hiệu quả nhất trong quan hệ hai nước. Và những thành tựu đó đang trở thành lực đẩy để hợp tác Việt – Mỹ tiến xa hơn nữa.
Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ tạo nhiều đột phá cho quan hệ 2 nước. Theo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2011-2014 Nguyễn Quốc Cường, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là “chưa từng có tiền lệ”. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ sang thăm theo lời mời của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam.
“Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Tổng thống Mỹ các đời đều đã thăm Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là chưa có tiền lệ và cũng nói lên tính chất đặc biệt của chuyến thăm. Dư luận cũng kỳ vọng qua chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ được tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng lên một tầm cao mới, đúng như những gì mà lãnh đạo hai bên đã trao đổi với nhau”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Bên cạnh hợp tác chính trị-ngoại giao, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng chứng kiến sự tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Tháng 7/2000, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại (BTA). Tháng 12/2006, Quốc hội Mỹ thông qua quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Đây là hai dấu mốc lớn trong hợp tác thương mại song phương giữa hai nước.
Đến nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng khoảng 274 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 123,86 tỷ USD năm 2022 và tăng gấp 4,2 lần so với 29,07 tỷ USD của năm 2013.
Đặc biệt, năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Con số này từng chỉ đạt 23,85 tỷ USD khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Hiện tại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này.
Ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, cho biết: “Tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Từ khi ký BTA tới nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại là chưa từng có trong lịch sử. Tăng rất nhanh, nhất là xuất khẩu”.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 51,29 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng chủ lực bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện, giày dép các loại; gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Năm 2013, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện của Việt Nam chưa xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 0,42 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính và linh kiện trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Về phía Mỹ, Việt Nam nhập khẩu nhiều từ nước này các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; bông các loại; phương tiện vận tải khác và phụ tùng, thức ăn gia súc và nguyên liệu; chất dẻo nguyên liệu,...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nhiều năm qua, khối lượng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng đều đặn ở mức trên 20%/năm, ngay cả khi thế giới trải qua đại dịch Covid-19.
Tổng quan về thương mại Việt – Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh: “Việt Nam luôn luôn xuất siêu nhưng người Mỹ không nặng nề. Theo nguyên tắc, xuất siêu bao nhiêu đó thì phải phạt nhưng với Việt Nam, Mỹ gần đây mới có nhắc nhở. Việt Nam chúng ta rất khôn khéo. Chúng ta tìm cách cùng làm việc với Mỹ để nâng xuất khẩu của Mỹ chứ không phải hạn chế xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến Mỹ hài lòng còn Việt Nam chúng ta có thể xuất siêu mãi”.
Về đầu tư, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Lũy kế tính đến 20/3/2023, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,43 tỷ USD, với 1.239 dự án, đứng thứ 11/143 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều đang hiện diện tại Việt Nam như Coca Cola, Ford, Intel.... Đặc biệt, tháng 3/2023, phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đa lĩnh vực. Apple cũng đã chuyển các nhà máy sản xuất tới Việt Nam trong khi hãng xe điện VinFast của Việt Nam cũng đã được niên yết trên Nasdaq và xây dựng 1 nhà máy sản xuất tại Mỹ.
“Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden, các vấn đề về công nghệ cao và năng lượng sạch sẽ được tập trung. Tôi nghĩ điều này rất có lợi với Việt Nam. Khi Mỹ đã làm ăn với ai, các nước khác cũng sẵn sàng làm ăn với quốc gia đó. Chúng ta cũng từng nhận định làm ăn được với Mỹ là có thể làm ăn được với thế giới. Đây giống như một chứng chỉ xác nhận cho sự yên tâm”, ông Nguyễn Đình Lương nhận định.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực đàm phán thương mại còn tin rằng sắp có một “cao trào đầu tư” vào Việt Nam trên những lĩnh vực mà Mỹ quan tâm. Chính vì thế, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng đón sóng, trong đó tập trung vào tạo cơ chế thông thoáng, xây dựng có sở hạ tầng và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nói về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, GS David Dapice, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cả 2 nước đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn. Không chỉ về mặt ngoại giao, Việt Nam và Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng sự kết nối sâu sắc hơn trong lĩnh vực thương mại.
Theo đó, chiến lược “friend-shoring” chính là một mắt xích quan trọng trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ. Trong quá trình tìm kiếm những quốc gia thân thiện để đặt chuỗi sản xuất, Mỹ nhận thấy Việt Nam chính là một “điểm đến” phù hợp với chiến lược này vì sở hữu môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động chất lượng cao và mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước ổn định.
“Việt Nam chính là một trong những quốc gia đáng tin cậy với Mỹ, khi thặng dư thương mại giữa 2 nước đã lên đến 124 tỷ USD trong năm 2022”, Giáo sư Dapice nhận định.
Lần đầu đến Việt Nam vào năm 1989, Giáo sư Dapice khẳng định đà tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc của hoạt động thương mại Việt Nam với Mỹ, khi xuất khẩu tăng gấp 3 lần. Theo đó, ông cũng kỳ vọng những con số sẽ ngày càng tích cực hơn nữa.
Tuy nhiên, vị giáo sư người Mỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận vào những thách thức Việt Nam cần vượt qua. Theo đó, Việt Nam từng hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch lực lượng lao động nhưng điều đó có thể không còn kéo dài. Trước đây, xu hướng dịch chuyển lao động giúp Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 1-2 điểm phần trăm mỗi năm. Nếu xu hướng đó dừng lại thì điều cần thiết là đạt mục tiêu tăng năng suất.
Cùng chia sẻ quan điểm của Giáo sư Dapice, Đại sứ Phạm Quang Vinh tin rằng nước Mỹ đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam, đánh giá cao sự bền vững của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nhìn rộng hơn, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác cũng đang điều chỉnh, sắp xếp lại về chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung để có thể ứng phó với những mối rủi ro tiềm tàng nếu chỉ tập trung sản xuất ở 1 địa điểm.
“Trong sự dịch chuyển đó, có một số lĩnh vực có sự nhạy cảm liên quan đến an ninh kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Do đó, Mỹ muốn tìm đến những thị trường, địa điểm mà họ đánh giá là đáng tin cậy. Nếu họ lựa chọn Việt Nam, thì đó thực sự là một điều đáng mừng”, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng trong chuyến thăm này của Tổng thống Biden, có thể các cuộc thảo luận giữa 2 bên mới chỉ ở bước tạo động lực về kinh tế và chính trị cho sự phát triển đó. Điều này còn phụ thuộc vào việc liệu trong quá trình này, Việt Nam có thể tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhà sản xuất của Mỹ đặt chuỗi cung ứng, dây chuyền sản xuất của họ ở đây hay không.
Cụ thể, để thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất Mỹ đến Việt Nam cũng là một câu chuyện cần suy ngẫm. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng được đánh giá là hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể “hấp thụ” sự chuyển dịch chuỗi cung ứng về công nghệ, chất bán dẫn, Việt Nam sẽ cần phải rà soát lại yêu cầu của các nhà đầu tư.
“Tôi đang nói đến chủ trương của Việt Nam là 3 đột phá về kinh tế. Đó là, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Việt Nam cần sự đổi mới đối với những yếu tố này, tức là nâng cao năng lực sản xuất, điều kiện sẵn có để tạo điều kiện nhiều hơn cho môi trường kinh doanh”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Trong khi đó, Việt Nam cũng còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác này, khi thương mại 2 chiều tăng gần 400% chỉ trong 10 năm, từ 35 tỷ USD lên hơn 123 tỷ USD.
“Năm 2023, trước chuyến thăm của Tổng thống Biden, 2 bên đã có rất nhiều cuộc trao đổi và đều thể hiện rằng mong muốn của 2 nước là nâng tầm mối quan hệ, giúp phục vụ lợi ích của cả 2 bên. Chắc chắn, qua chuyến thăm này, Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục kết nối mạnh mẽ hơn nữa, để phản ánh được cả tính chiến lược cũng như toàn diện”, Đại sứ Phạm Quang Vinh tin tưởng.
Đồ họa: Hương Xuân