Theo đó, hai kịch bản cung ứng năm sau được đưa ra trên cơ sở tính toán cân đối cung - cầu và nhu cầu tăng trưởng điện có thể đạt 8,96% vào năm sau.
Trong trường hợp khi nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường, hệ thống cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy công suất dự phòng tại miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu sử dụng tại khu vực này cao nên vẫn phải đối mặt tình trạng căng thẳng, thiếu điện ở một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.
Còn trong tình huống cực đoan khi nước về các hồ thủy điện thấp, có thể giống như tình hình xảy ra trong mùa nắng nóng 2023, lúc này, việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc sẽ khó khăn hơn và có thể thiếu công suất 420 - 1.770 MW trong một số giờ cao điểm tháng 6 và 7. Con số thiếu điện này bằng khoảng 1/3 mức thiếu năm nay.
Để ứng phó với tình huống thiếu điện, Bộ Công Thương cho biết đã giao EVN tập trung đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy phát điện trực thuộc; hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc.
EVN làm việc với TKV, Tổng công ty Đông Bắc và PVN, PVGas để đảm bảo đủ nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.
EVN/A0 chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ, giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo đủ mức dự phòng công suất.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các dự án công trình lưới điện, nhập khẩu điện từ Lào, huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, các nguồn điện đang xây dựng, gắn với giải pháp tiết kiệm điện...
8 tháng đầu năm nay, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 186,3 tỉ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2022. Nhiệt điện là nguồn được huy động cao nhất, chiếm 47,3%, với trên 88 tỉ kWh. TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã giao khối lượng than tăng thêm so với hợp đồng, đảm bảo than giúp các nhà máy điện đủ than cho vận hành.
Sản lượng huy động từ nguồn thủy điện chiếm 26% trong 8 tháng qua, đạt 48,45 tỉ kWh. Lượng điện từ tuốc bin khí đạt gần 19,3 tỉ kWh, tức 10,3%.
Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chiếm trên 14%, với 26,35 tỉ kWh trong 8 tháng. Còn lại là các nguồn điện nhập khẩu (trên 2,6 tỉ kWh) và chạy dầu (1,23 tỉ kWh).
Có các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó nhằm đảm bảo cung ứng điện mùa khô, lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN.