Cửa hàng của chị T. nằm sâu trong con hẻm nhỏ, cũng là nơi cả gia đình chị cư trú. Các mặt hàng buôn bán chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm và quần áo thời trang. Do là hàng nhập khẩu, lại kinh doanh cũng đã lâu nên chị T. có một lượng khách hàng kha khá. Một sáng cuối tháng 8/2023, nhân viên của chị T. nhận được tin nhắn messenger từ tài khoản Facebook “Nhi N”, đặt mua 2 hộp sữa bột Ensure cùng 1 lọ nước hoa và 1 dầu gội đầu…
Nhận tin tổng đơn hàng, kèm phí ship là 5 triệu đồng, khách yêu cầu sẽ chuyển khoản trước và cho người đến lấy. Vừa trao đổi xong, khách chụp hình biên lai chuyển tiền và gửi ngay. Tuy nhiên, nhân viên chị T. chưa kịp đóng hàng thì một người đàn ông mặc đồng phục tài xế xe ôm công nghệ đã dừng ngay trước cửa hỏi lấy hàng. Do nhân viên chị T. kiểm tra thấy tiền chưa vô tài khoản nên nói tài xế chịu khó đợi. Nóng lòng, chị T. liền gọi cho khách thì được người này báo tiền đã đi rồi. Chẳng những thế, họ còn lớn tiếng cự cãi vì cho rằng cửa hàng làm việc không chuyên nghiệp.
Trong khi đó, tài xế xe ôm công nghệ lại luôn miệng thúc giục đòi lấy hàng khiến chị T. và nhân viên lo lắng. Nghe lùm xùm, hàng xóm vội chạy sang khuyên can. Thấy đông người, người đàn ông chạy xe ôm công nghệ vội vã bỏ đi. Khi nghe chị T. kể lại vụ việc, mọi người nhận định hóa ra đây là chiêu làm giả phiếu chuyển tiền, gây áp lực các chủ cửa hàng “yếu bóng vía” nhằm chiếm đoạt tài sản. Có thể tài xế xe ôm cũng là đồng bọn của kẻ lừa đảo…
Vài ngày sau, chị T. cũng nhận được tin nhắn của khách trên Facebook đặt mua thực phẩm chức năng trị giá 2,5 triệu đồng. Người này còn cho địa chỉ, số điện thoại để giao hàng. Sau đó họ báo đã chuyển tiền và cũng chụp màn hình giao dịch thành công. Chờ mãi không thấy tiền vào tài khoản, chị T. nhắn tin thắc mắc thì khách giải thích “do chuyển từ ví điện tử mà tài khoản bên mình không mở ví điện tử nên tiền bị treo”. Tiếp đến, khách hướng dẫn chị T. gọi vào số tổng đài ví để xử lý. Tin tưởng, chị T. cũng thật thà gọi hỗ trợ khách và được hướng dẫn đọc số thẻ ATM, cho biết số dư tiền trong tài khoản còn bao nhiêu, rồi đọc số OTP (mã để đăng nhập, mã để chuyển tiền)...
Nghe đến đây, chị T. tỏ ra nghi ngờ nên hẹn sẽ làm việc với ngân hàng xong sẽ giao hàng. Thế nhưng, khi chị T. đến một chi nhánh ngân hàng làm việc thì mới hay mình suýt bị lừa đảo. Theo giải thích của nhân viên ngân hàng, mục đích của kẻ gian không phải đặt hàng để lấy hàng mà là để lấy OTP nhằm chuyển tiền trong tài khoản của chủ cửa hàng sang tài khoản của bọn lừa đảo.
Từ hai vụ việc trên cho thấy, thanh toán trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn vì sự nhanh chóng, tiện lợi nhưng đây cũng là cơ hội cho bọn lừa đảo tận dụng. Các đối tượng làm giả các hóa đơn xác nhận giao dịch để chuyển tiền qua ngân hàng điện tử, sau đó chuyển cho nạn nhân để lừa mua hàng thanh toán. Điều đáng nói ở đây là mặc dù chiêu trò này thời gian qua cũng được cảnh báo liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tuy nhiên vẫn có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”.
Cơ quan Công an khuyến cáo, hiện nay có rất nhiều trang web có thể tạo ra ủy nhiệm chi giả của các ngân hàng. Để không bị lừa đảo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần chú ý kỹ biên lai chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình thì mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác...
Xem thêm: lmth.673251_oad-aul-ed-gnoc-hnaht-neit-neyuhc-ial-neib-gnud-caig-hanc/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc