Về dòng vốn FDI Mỹ những năm qua, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1.216 dự án với tổng vốn khoảng 11,4 tỉ USD - đứng thứ 11 về giá trị đầu tư, sau các nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia.
Phải nghiên cứu chiến lược của "đại bàng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khẳng định con số này chưa thực chất bởi Mỹ còn đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba khá nhiều.
Cũng theo ông Mại, đầu tư FDI luôn đi cùng với chuyển giao công nghệ. Việt Nam muốn tìm kiếm công nghệ nguồn, đặc biệt công nghệ cao, trong khi Mỹ đang nắm các công nghệ này hàng đầu thế giới. Tuy nhiên với các nhà đầu tư FDI công nghệ cao của Mỹ, vấn đề họ rất coi trọng là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, bản quyền, không có hàng nhái hàng lậu.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Mỹ đều có chiến lược toàn cầu, thường khi họ bỏ vốn vào đâu là họ nhìn cả một quá trình phát triển để đầu tư. Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư FDI của ta hiện mới chỉ quan tâm chung đến yêu cầu của các tập đoàn FDI mà chưa tìm hiểu đúng mức sự thay đổi trong chiến lược của họ.
Từng có một ví dụ cho thấy hiệu quả thực tế nếu chúng ta chú trọng vấn đề này là khi đón Tập đoàn Intel vào Việt Nam, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập một tổ công tác đặc biệt để vận động họ đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, Intel dự kiến đầu tư vào một trong số bốn quốc gia khu vực là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, vì vậy tổ công tác đặc biệt khi đó phải nghiên cứu chiến lược của Intel.
Theo đó, tổ công tác biết được cứ 18 tháng phát triển bình thường, không có khủng hoảng thì Intel sẽ lập một nhà máy mới của họ ở địa điểm nào đó đáp ứng 18 tiêu chí của họ. Và để đưa được Intel vào Khu công nghệ cao TP.HCM, chúng ta đã phải thay đổi để đáp ứng 18 tiêu chí của tập đoàn này.
Thời điểm thay đổi cục diện đầu tư
Cũng theo GS Nguyễn Mại, chuyến thăm của ông Biden là dấu mốc quan trọng nữa sau các chuyến thăm Việt Nam trước đó của phó tổng thống, bộ trưởng Bộ Tài chính, ngoại trưởng Mỹ. Hồi tháng 3 năm nay, phái đoàn 50 tập đoàn lớn của Mỹ cũng đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có những tên tuổi đáng chú ý như Apple, Microsoft, Boing, Meta, Google... Vì vậy, đây là thời điểm thay đổi cục diện đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024 Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Việt Nam có lợi thế về đất hiếm trong hợp tác với Mỹ, nên đây là thời cơ có lợi cho cả hai bên.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành những nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn công nghệ Mỹ như Foxconn, Luxshare trong thời gian tới khi hai nước có thêm bước phát triển mới trong quan hệ song phương.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục phó Cục Đầu tư nước ngoài):
Cột mốc đột phá hợp tác đầu tư giữa hai nước
Không phải ngẫu nhiên mà 50 tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào đầu năm nay và nhiều tập đoàn lớn tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam lần này.
Điều đó cho thấy các tập đoàn Mỹ cũng rất kỳ vọng vào Việt Nam, coi chúng ta như một trung tâm tin cậy để đa dạng chuỗi cung ứng sản xuất. Hơn nữa, thế mạnh của doanh nghiệp Mỹ, mong muốn đầu tư của họ cũng chính là mục tiêu thu hút đầu tư của ta.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo... Chuyến thăm của ông Biden là cột mốc đột phá, tạo đột biến trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Điều quan trọng nhất khi các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam lúc này là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam hiện diện nhiều hơn trong chuỗi cung ứng sản xuất của họ. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam trở thành những đối tác quan trọng của tập đoàn Mỹ, có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của họ mà đặc biệt trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế thế giới như công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Ông Vũ Tú Thành (phó giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN):
Đầu tư công nghệ cao có những đòi hỏi đặc thù
Việc thu hút nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực công nghệ là thách thức không nhỏ. Đây là lĩnh vực mà nhà đầu tư yêu cầu rất cao với các điều kiện mang tính đặc thù, đòi hỏi phải có chủ trương từ cấp cao nhất chứ không phải ở cấp địa phương hay bộ ngành. Thêm nữa, những thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam còn là việc thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch.
Hiện Việt Nam chỉ có vài nghìn kỹ sư vi mạch, trong khi để doanh nghiệp đầu tư, cần nguồn nhân lực lớn hơn rất nhiều. Việt Nam cũng chưa có chương trình đào tạo quốc gia, chương trình đào tạo bài bản về kỹ sư vi mạch.
Cùng với đó là hạ tầng. Để đầu tư sản xuất chip, nhà máy phải tiếp cận được sân bay, đường sá phải thông suốt, nguồn điện phải ổn định đặc biệt là cần nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
"Doanh nghiệp Mỹ không vội vàng, nhất là các nhà đầu tư lớn. Họ muốn môi trường chính sách đủ thuận lợi mới quyết định đầu tư chứ sẽ không rót vốn vào những thị trường rủi ro cao. Đó là lý do vì sao những năm đầu sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nhà đầu tư chỉ mới ưu tiên các ngành có độ rủi ro thấp như đồ uống, tiêu dùng nhanh.
Sau này khi môi trường cải thiện hơn, có sự chắc chắn hơn, đã có những công ty công nghệ đầu tư, như khoản đầu tư 1 tỉ USD của Intel năm 2006", ông Thành phân tích.
Sự kiện lịch sử Việt Nam - Mỹ đã chính thức công bố xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho hai nước, tạo ra "hành lang rộng mở” cho hợp tác kinh tế của hai nước.