Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh, nhiều trường hợp tất cả các thành viên trong gia đình đều bị.
Từ đỏ một mắt lan sang hai mắt, rồi lây cả nhà
Đang dạy con trai 7 tuổi học tại nhà vào buổi tối, chị Trà My (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) thấy một con mắt của con bị đỏ. Bé cho biết mắt mình bị ngứa, khó chịu, không biết rõ lý do. Chị My tự mua thuốc nhỏ mắt về cho con dùng tạm. Đến sáng hôm sau ngủ dậy, chị thấy cả hai mắt của con đều đỏ, đổ ghèn, chảy nước mắt... Đưa bé đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ cho biết bé bị đau mắt đỏ, phải cách ly tại nhà.
Ca tương tự là bé Tr.A.K. (học Trường THCS Trần Huy Liệu, TP.HCM), vào ngày 8-9 cũng có biểu hiện ngứa ngứa mắt sau khi đi học về. Sáng hôm sau ngủ dậy, mắt phải của bé sưng húp, sụp mí, đỏ và đau. Cùng ngày, bé K. được ba chở đi khám và bác sĩ kết luận bị đau mắt đỏ, cho thuốc về dùng và ký giấy cho tạm nghỉ học ba ngày. Hiện bé K. cách ly riêng tại nhà nhằm tránh lây lan cho các thành viên còn lại trong gia đình.
Tất cả năm thành viên trong gia đình đều bị đau mắt đỏ là trường hợp của gia đình chị Đ.B.D. (ngụ quận 8, TP.HCM). Chị D. chia sẻ không rõ ai trong nhà bị đau mắt đỏ đầu tiên vì đứa con gái út bị sưng một bên mắt sau khi ngủ dậy vào sáng 8-9, còn chồng cũng bị đỏ mắt nhẹ trước đó nhưng nghĩ do dụi mắt.
Tối cùng ngày, hai đứa con lớn 9 tuổi và 12 tuổi của chị D. cũng có biểu hiện mỏi mắt. Qua ngày hôm sau, bé gái 9 tuổi chuyển sang đổ ghèn, mắt đỏ, nhức; còn bé trai 12 tuổi nhẹ hơn. Riêng chị D. thì mắt đỏ nhẹ nhưng mắt chồng chị thì bị sưng nặng.
"Tôi nghĩ vi rút gây bệnh năm nay lây mạnh nhưng ít các triệu chứng đau mắt đỏ thông thường như trước đây. Mắt bị sưng nặng hơn, có thể là do dụi vào mắt quá nhiều", chị D. chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu - phó khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp là cả gia đình trong một nhà đều bị đau mắt đỏ với thời gian ủ bệnh đến phát bệnh ngắn, có người chỉ sau một ngày tiếp xúc người bệnh.
Gia tăng nhưng nhanh khỏi bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ đầu năm cho đến nay khoảng 72.000 lượt (khoảng 1/3 trẻ ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn), đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm.
Bác sĩ CKI Nguyễn Đình Trung Chính - khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết số trẻ đến khám vì đau mắt đỏ tại bệnh viện trong những ngày gần đây tăng lên 70 - 80 ca/ngày, trong khi những tháng trước khoảng 40 - 50 ca/ngày.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ Liễu cho hay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 240 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó có đến 170 - 180 ca đau mắt đỏ (chiếm 70 - 75%). So với thời điểm trước tháng 8, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện tăng nhanh (tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm trước tháng 8).
Qua quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân đau mắt đỏ, bác sĩ Liễu thấy đợt dịch này lây lan nhanh so với những đợt dịch trước nhưng đa số đều khỏi sau 7 - 14 ngày.
Thực tế có nhiều bệnh nhân từ khi tiếp xúc dịch tiết của người bệnh đau mắt đỏ đến ủ bệnh và phát bệnh chỉ mất khoảng 2-3 ngày. Khi có dấu hiệu khởi phát như cộm, xốn, chảy nước mắt, mi mắt sưng nhẹ... thì mất 1-2 tiếng đồng hồ mắt sẽ biểu hiện gần đầy đủ các triệu chứng.
"Nếu một gia đình có người bị đau mắt đỏ trong thời điểm hiện nay, khả năng rất cao các thành viên còn lại cũng bị. Nếu phòng ngừa đúng, người bệnh được điều trị kịp thời thì bệnh nhanh khỏi, ít có biến chứng", bác sĩ Liễu nói.
Người đã từng đau mắt đỏ có bị lây lại không?
Đây là thắc mắc của nhiều người khi họ có nhiều yếu tố nguy cơ như có thêm người thân trong gia đình, bạn trong lớp ngồi gần... bị đau mắt đỏ. Bác sĩ Liễu cho hay việc này cần phải có thời gian, rất khó bị lại trong thời gian ngắn.
Thông thường người đã đau mắt đỏ có thể không bị nhiễm lại trong vòng hai tháng do được kháng thể của cơ thể bảo vệ khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.
Còn một người có tiền sử đau mắt đỏ cách đây nhiều năm nhưng bây giờ bị lại thì gọi là một đợt đau mắt đỏ khác, không phải tái mắc.
Trước tình hình gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là trẻ đi học khi thời điểm mùa tựu trường, bác sĩ Liễu khuyến cáo phụ huynh tránh hoang mang, cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, cho chính mình và những người thân trong gia đình theo khuyến cáo của ngành y tế.
Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.
Enterovirus gây lây tốc độ?
Sở Y tế TP.HCM thông tin tác nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM là enterovirus (chiếm 86%), khiến nhiều người thắc mắc "thủ phạm" này có tốc độ lây lan, gây bệnh ra sao, có phải là tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 10-9, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho hay enterovirus là tên của một chi (genus) của nhiều loài vi khuẩn (enterovirus A, B, C, D, E...). Enterovirus gây bệnh đau mắt đỏ là cùng dòng họ và cùng loài với enterovirus gây bệnh tay chân miệng.
Ở Hoa Kỳ, vi rút gây bệnh đau mắt đỏ chủ yếu là adenovirus (thường là type 8) nên nhiều tài liệu dựa trên tài liệu của Mỹ cho rằng đau mắt đỏ chủ yếu là adenovirus. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy loài vi rút gây đau mắt đỏ lưu hành lại là enterovirus A24. Nếu tình hình Việt Nam tương tự như Nhật Bản thì loài vi rút gây đau mắt đỏ chủ yếu là enterovirus thì không lạ.
PGS Dũng cho biết thêm, viêm kết mạc do enterovirus thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adenovirus và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adenovirus. Tóm lại, nếu tác nhân gây viêm kết mạc là enterovirus thì chúng ta ít lo ngại hơn tác nhân adenovirus.
Đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM đã đạt đỉnh chưa, PGS Dũng nêu đối với những bệnh có liên quan đến thói quen vệ sinh và tỉ lệ mắc dưới 10% thì không dự báo được sự đạt đỉnh. Bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh.
Chuyên gia y tế công cộng và bác sĩ chuyên khoa mắt nhận định tác nhân enterovirus đang gây bệnh tại TP.HCM ít lo ngại hơn so với adenovirus trước đây.
Người bị đau mắt đỏ tại TP.HCM đang tăng nhanh, ngành y tế thành phố đã tìm được tác nhân chính gây bệnh là enterovirus.