Quan trọng hơn tiền là thể chế
Ngày 1.11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH năm 2023, kế hoạch năm 2024 cùng với việc đánh giá việc thực hiện kế hoạch KT-XH giữa nhiệm kỳ, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (đoàn TP.Hà Nội) dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế vẫn đang khó khăn. "Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền là thể chế", ông Lộc nói.
Theo ĐB Lộc, thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn "thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được". Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính - điều mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp (DN) là đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua. "Phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và DN", ĐB Vũ Tiến Lộc nêu kiến nghị.
Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may chiếc áo mới thay vì vá víu, thay từng cúc áo một.
Ông cũng kiến nghị cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và DN có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chúng ta cũng cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó yêu cầu phải luật hóa các quy định về vấn đề này.
ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo ĐB, cần phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải "dám nghĩ, dám làm" theo nghĩa là "xé rào", là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật. "Phải xây dựng pháp luật làm sao để cán bộ không phải chỉ vì thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý đến phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc giơ cao, đánh khẽ", ĐB Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.
Theo ĐB Hậu, Chính phủ quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 của QH là cơ sở để sửa đổi bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.
"Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao..., những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Do đó, chúng ta cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp", ông Hậu nói và đề nghị QH xem xét, sửa đổi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua QH một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Theo ông, nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời như trên..., luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay.
Vào 4.0 nhưng nhiều nội dung 2.0 vẫn chưa có
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng bày tỏ lo lắng khi tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định 3 khâu đột phá chiến lược là thể chế, nhân lực, hạ tầng và ông rất đồng tình là VN có nhiều tiềm năng và thuận lợi rất lớn để trở thành một nước phát triển cao vào năm 2045. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong cả 3 khâu đột phá chiến lược, có nhiều nội dung, bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 vẫn chưa có.
Từ đó, ĐB Nghĩa cho rằng trong khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu. Theo ông, việc này cũng quan trọng không kém nỗ lực số hóa nền kinh tế và "sẽ là ảo tưởng" nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 mà bỏ qua những bước phát triển hạ tầng KT-XH của một quốc gia công nghiệp hóa.
Ngược lại, sự thiếu vắng, yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế, hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0. Theo ông Nghĩa, đây là thách thức lớn nhất của lãnh đạo và người dân trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
"Nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới tư duy và nhận thức, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy thực chất dân chủ xã hội, tin tưởng vào nhân dân, thu hút và trọng dụng hiền tài trong và ngoài nước để thu hút vào đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là ở cấp cao, tôi e rằng tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng và khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng nhấn mạnh cải cách thể chế là một nguồn lực cho phát triển, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị sớm thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách thể chế và coi đây là điểm đột phá quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trong cải cách thể chế, ông Vân đề nghị đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: thứ nhất, xác lập bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực xã hội, không kể công và tư. Thứ hai, bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản. Thứ ba, giải quyết tốt quan hệ giữa nhà nước và thị trường. "Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may chiếc áo mới thay vì vá víu, thay từng cúc áo một", ông Vân nhấn mạnh.
Tăng bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm, đến ngày 27.10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Nhiều giải pháp đang được thực hiện song song, như xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để DN có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.
Tuy nhiên, DN nhỏ và vừa của VN chiếm đến 95% tổng số DN trong cả nước. NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các DN vừa và nhỏ. Liên quan đến tín dụng phát triển thủy sản, những ngân hàng chần chừ và chưa quyết liệt cũng bị phê bình và nhắc nhở ngay. Đến nay thì dư nợ tín dụng đối với Nghị định 67 này là khoảng 9.000 tỉ đồng nhưng mà có tới 8.000 tỉ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra khỏi ngoại bảng. Hiện nay DN và người dân khó khăn trong trả nợ và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong thu hồi nợ, cần các giải pháp triệt để xử lý vấn đề này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Sẽ hủy gói hỗ trợ lãi suất 2%, chuyển sang giãn, hoãn thuế
Một số chính sách của Nghị quyết 43 hỗ trợ trực tiếp cho DN, người dân và người lao động, đã phát huy hiệu quả. Nhưng về hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt, mới giải ngân được 873 tỉ đồng, gần bằng 2% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều DN có đủ điều kiện vay lại không vay, do khó khăn đơn hàng, trong khi một số DN muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Đặc biệt, quy định cho vay với những dự án "có khả năng phục hồi", khiến cả DN đi vay và ngân hàng lúng túng. Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thực hiện đến hết năm 2023, nếu không đạt được sẽ hủy dự toán. Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác để hỗ trợ cho DN.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Tránh đào tạo nhân lực ào ào rồi đến lúc thừa
Về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội nghị, tăng cường điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đồng thời ký kết hợp tác với các DN công nghệ… Dự kiến sẽ ưu tiên đào tạo cho nhóm thiết kế vi mạch bán dẫn. Theo thống kê, cả nước hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trực tiếp hoặc các ngành gần với lĩnh vực này. Năm 2024 sẽ tuyển sinh khoảng hơn 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, khoảng hơn 7.000 nhân lực ở lĩnh vực liên quan. Các năm tiếp theo sẽ tăng dần 20 - 30%, dự kiến đến năm 2030 sẽ đáp ứng được nhu cầu 50.000 - 100.000 nhân lực.
Áp lực về số lượng là rất lớn, tuy nhiên phải xác định nhu cầu chính xác để đào tạo cho sát, "tránh ào ào rồi đến lúc thừa". Đặc biệt, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, vì thế cần có sự đầu tư cao, "không thể tay không bắt chip". Đề nghị QH, Chính phủ có chủ trương đầu tư xây dựng các phòng thực hành, nhằm đáp ứng cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn