30 năm nay, từ hồi mắt mờ rồi mù hẳn, ông Sơn Ngọc Hải (60 tuổi, ngụ xã An Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) vẫn kiếm sống được bằng nghề bắt cá một cách kỳ lạ.
Cảnh đời bấp bênh như dòng nước trước nhà, ông nương tựa người vợ bệnh tật nhưng hết lòng thương chồng.
Bí kíp bắt cá của ông mù
Bà Hải tìm được mấy cọng thun, đưa chồng cột góc giỏ bị chuột cắn rách. Gọi là giỏ cho sang chứ đó là cái bao nhỏ đựng gạo, ông xỏ dây ni lông rồi buộc vòng qua cái bụng lép xẹp. Xong đâu đó, ăn vội chén cơm nguội với khô cá, bà dắt tay ông qua bên kia con lộ.
Vừa bước bằng đôi bàn chân trần chai ngắt, ông vừa kể chuyện đời mình. Năm 30 tuổi, ông bị đau ban, hai mắt mờ đi. Lại thêm đi xịt thuốc lúa mướn, đi đập lúa bị hạt văng trúng, mắt nhiễm trùng rồi dần mù hẳn, chứ ông đâu bị bẩm sinh.
Lúc đầu, hai vợ chồng vẫn dắt nhau đi làm thuê, nhưng lâu dần bà đau bệnh nên ông gắn luôn nghề bắt cá. "Đầu tháng với cuối tháng âm lịch nước ròng độ chục bữa, tui đi mò cá. Mấy ngày còn lại nước lớn, không dám đi", ông nói.
Lát sau, hai vợ chồng đi hết đường đan vắt qua những thửa ruộng, tới một khúc rạch nước trên đầu gối.
Ông dò dẫm lội xuống, khom người, hai bàn tay thọc sâu dưới lớp bùn sình. Mò được con cá con ốc, ông rửa qua cho hết bùn rồi bỏ vô giỏ.
Gặp chỗ nước sâu lưng lửng bụng, ông phải hụp xuống mới bắt được cá. "Tui có cách bắt hay lắm nghe. Đi qua một quận (đợt), lúc sau tui quay lại mò trong cái dấu giò lúc nãy, thường sẽ có cá do sợ động chui xuống", ông cười nói.
Hôm nào khỏe ông mò 3-4 tiếng, được chừng ký cá đủ loại. Hôm nào người mệt nhừ nhừ, mớ cá chỉ đủ nấu bữa cơm đạm bạc. Hỏi có đem bán không, ông cười hiền queo: "Hàng xóm tốt với hai vợ chồng lắm nên nếu dư cá tui đem biếu chút chút. Họ thương cho 5.000 - 10.000 đồng".
Thấy vợ chồng ông quay về, mấy người hàng xóm nói với ra: "Xứ này không ai mò cá siêu bằng ổng đâu. Trời nước lớn, nước ròng gì ổng cũng biết. Ổng cầm con cá là biết cá gì".
Tiếp lời họ, ông nhẩm tính: "Một năm nước ròng nhất là tháng 2. Tới tháng 4 rớt hột mưa là nước lớn. Hồi đó cá nhiều, tui ra tuốt ngoài sông, nào là cá lóc, cá trê, có khi bự bằng cườm tay. Giờ ít rồi".
Hôm nào vợ không đi cùng, ông đứng chờ có người thương tình dắt qua lộ. Ông nhớ đường đi nhưng cũng có mấy lần bị lạc do "cứ mò mò, đi đi rồi ra giữa đồng lúc nào hổng hay". Những lúc đó, vợ ông hớt hải chạy đi kiếm, sợ ông té mương hay trúng gió "đi chầu ông bà" bỏ mình bơ vơ.
Người chồng, người con hiếu thảo
Ngược dòng ký ức, người đàn ông mù kể rằng nhà mình nghèo, không có ruộng vườn. Ông về sống bên vợ từ hồi còn căn nhà lá mưa dột tứ bề cho đến lúc được cấp nhà tình thương như giờ.
Mù lòa nhưng bù lại tay chân ông nhanh nhạy lạ. Vợ ông - bà Thạch Thị Tha - cười vui nói: "Ổng tháo vát lắm. Nhà đồ đạc bị hư một tay ổng sửa. Mưa tạt, ổng mua bạt về vợ chồng lụi cụi cột che. Ổng còn biết làm cá, nhúm lửa nấu cơm. Hồi đó ông già tui thấy ổng thì ưng. Ổng hiền, vợ chồng hổng khi nào cãi lộn. Ổng nói cãi lộn hàng xóm người ta cười".
Tuy nhiên cũng có lúc cảnh nhà gặp khó, bà nói hờn một chút: "Tui vái kiếp sau hổng gặp ông nữa". Nghe vậy, ông rầy "Bà khùng hả, kiếp sau tui đâu có mù, tui sáng mắt nuôi bà lại" khiến bà rớt nước mắt vì thương.
Thời điểm cha vợ viêm phổi nặng, ông chăm nom như cha ruột. Bà nhớ lại: "Lúc đó tui cũng bệnh đủ thứ, không làm lụng gì được. Ngày nào ổng cũng nấu nước ấm lau người cho cha, đút từng muỗng cháo.
Hàng xóm cho miếng thịt, ổng đều nhường cha. Cha mất ba năm rồi nhưng ổng hay nói nếu cha còn sống, được ở trong căn nhà tường gạch vầy chắc mừng lắm".
Còn đối với cha mẹ ruột đang sống tại xã Phú Tân, mỗi khi dành được chút tiền ông lại đón xe ôm hết 50.000 đồng về thăm. Khi thì ông mua cho miếng thịt, lúc con cá lóc chưng hấp bồi bổ.
Bữa ăn vợ chồng thường có gì nấu đó, "kho cá lẹt quẹt, bứt rau muống đồng hoặc mua trái bí luộc cũng xong". Ngoài lo cho vợ, ông mù còn chăm sóc người em vợ 54 tuổi bị liệt nằm một chỗ. "Mình còn sức thì còn lo tới. Cực thì cũng phải chịu chứ than với ai. Cha vợ lúc mất đã dặn tui phải ráng lo cho thằng Tâm...", ông nói.
Ngày mai hy vọng
Phòng khách trống trơn của vợ chồng chỉ kê chiếc tủ ly, bên trên có cái radio mua từ tám năm trước. Ông quý lắm, một lần lỡ làm rớt nên chỉ còn nghe được mỗi một đài. Vậy nhưng ông hóm hỉnh nói: "Trong xóm tui là người giàu nhất vì ai cũng cho mình cái này cái nọ. Có khi kẹt quá tui chạy đi mượn mấy chục, một trăm, rồi có tiền là trả liền", ông nói.
Sau nhiều năm lao lực, người ông yếu đi nhiều, thi thoảng những cơn ho, cơn nóng lạnh lại hành hạ. Đôi mắt mù những khi trời nóng lại nhức buốt. "Tui giận cái là mình cũng còn tuổi mà muốn bửa củi cũng thua. Tội nghiệp bả phải đi gom tàu dừa về phơi khô, đi xin củi dành mùa mưa có củi chụm", ông kể.
Luẩn quẩn cảnh nghèo, ông cũng lo cho con gái học hết lớp 12. "Hồi đi học, nó chịu khó dữ lắm. Người ta còn cho vô vườn thọt bắp chuối đem bán để dành tiền đi học. Tui hay nói con học cái chữ mới có tương lai, đời cha mẹ đã cực quá rồi", ông kể.
Nhưng vì không thể ráng thêm và thương cha mẹ khổ, con gái ông từ bỏ ước mơ vào đại học, bươn bả đi làm. Ông nói: "Giờ tui vẫn mong cách nào đó mắt mình sáng lại. Vậy thì nhẹ cho người thân, cho những người đã giúp đỡ mình, người ta sẽ chuyển qua giúp người khác".
Con đi mần xa, vợ chồng ông mù nuôi hai chú chó bầu bạn. Lâu lâu có mấy đứa nhỏ trong xóm qua chơi, ông mượn điện thoại nhờ gọi video để vợ thấy mặt đứa cháu hơn 1 tuổi, còn mình nghe tiếng bập bẹ cho đỡ nhớ.
"Mùa mưa, tối ngủ chỉ có hai vợ chồng, ễnh ương kêu ềnh ềnh buồn thiu. Không dám xài điện nhiều nên tối 7h tui tắt đèn rồi. Quạt máy mua lúc cha vợ bệnh, giờ khi nào có khách mới mở", ông nói.
Ông vẫn nhớ rõ đường nét trên mặt vợ, lâu lâu lại xoa xoa và cảm nhận bà đã già đi nhiều. Ông ước mình có chút đỉnh tiền để khơi con mương tù đọng sau nhà và trả khoản nợ sửa nhà dạo trước, rồi để dành lo cho vợ cho em...
Ông là người chồng hiền lành, hằng ngày quanh quẩn chăm lo cho gia đình. Địa phương cũng chú ý hỗ trợ ông gạo và nhu yếu phẩm, tổng cộng mỗi tháng khoảng 400.000 đồng.
"Nắn tay nắn giò" giùm người trật khớp
Cảm kích nhiều tấm lòng đã giúp đỡ mình, ông Hải cũng nhận chữa trật tay, trật chân, xoa bóp, bấm huyệt...
"Trước đây tui có lên TP.HCM học đông y một thời gian nên cũng muốn giúp gì đó cho bà con lối xóm. Tui không lấy tiền, bà con thương thì cho chút đỉnh, có khi biếu nải chuối tui cũng vui", ông nói.
Có một ông cụ 82 tuổi cứ tờ mờ sáng là đạp xe hơn 5 cây số từ nhà xuống biển Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhặt rác dù mưa hay nắng.